Có cặp làm ăn dữ quá, muốn có con lại bị chẩn đoán vô sinh do vòi trứng... tắc tị. Chồng giận vợ “không có kế hoạch bảo dưỡng”. Vợ giận chồng “chỉ biết đòi hỏi, giờ đổ thừa” hạnh phúc gia đình chao đảo...

Quá dễ để viêm

Bình thường, dịch âm đạo chứa một thảm vi khuẩn có lợi. Nếu lấy dịch đếm, chúng ta thấy từ 108 đến 1.012 vi khuẩn/ ml, trong đó trực khuẩn Doderlin chiếm 60 - 88%, còn lại là các cầu khuẩn. Chúng sinh nở và tạo ra pH âm đạo axít khiến các vi khuẩn “ngoại bang” không thể có cơ may xâm nhập vào được. Tuy nhiên, môi trường âm đạo là một cân bằng “động” luôn thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, âm đạo ngắn và rộng, nên viêm nhiễm rất dễ xảy ra.

Có bà mẹ thắc mắc: “Con gái tui chưa có gia đình, tại sao lại có huyết trắng xanh và hôi?”. Bà hiểu rằng vách ngăn với bên trong là màng trinh còn đó, nhưng bà lại không biết là đường ra của máu kinh vẫn thông. Chỉ cần vệ sinh kinh nguyệt không tốt, nguồn nước không sạch, băng vệ sinh không vô trùng thì con gái cũng bị viêm âm đạo.

Mầm bệnh thì đủ cả: Quần lót ẩm ướt là môi trường thích hợp cho nấm phát triển, dùng chung chậu giặt, hoặc giặt chung quần áo với mẹ trong khi mẹ bị viêm, quần lót phơi ở nơi không có nắng. Mùa hè nhiều gia đình cho con ra hồ bơi vừa rèn luyện thân thể, vừa chống nóng. Nước hồ bơi không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, người mắc bệnh phụ khoa cũng nhảy xuống hồ thì chả khác gì gieo rắc mầm bệnh...

Tất cả đều có thể lây nhiễm dễ dàng. Các chị có chồng, âm đạo trước đây hé thì nay như cửa mở toang ra. Nếu không giữ vệ sinh khi “làm chuyện ấy” thì rất dễ bị viêm nhiễm. Không chỉ viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, chị nào gặp ông chồng đào hoa, có khả năng rước bệnh từ người tình, từ “gà” ở ngoài đường về thì kể như “lãnh” cả tập đoàn vi khuẩn, siêu vi, lúc nào cũng phải gặp bác sĩ phụ khoa. Các chị ở nông thôn làm việc đồng áng, mồ hôi nhiều cũng góp phần làm cho “tam giác mật” ẩm ướt, rất dễ nhiễm bệnh.

Đã vậy họ thường ngại đi khám, để đến khi chịu hết nổi mới đến bác sĩ, viêm loét cổ tử cung lâu ngày có khi xù xì như bông cải, được chẩn đoán là ung thư khiến cả nhà tá hỏa. Có người được ông chồng “tặng” cho cả viêm gan B, C, lẫn HIV là những siêu vi của thế kỷ, kể như cuộc đời mờ mịt!

Không thể chữa bệnh bằng bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ

Dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ giống như bạn “tẩy trang” da mặt, làm sao giải quyết tận gốc ổ nhiễm khuẩn! Vậy mà nhiều chị cứ “bé cái lầm” để rồi bệnh vẫn hoàn bệnh. Lại nữa, khi có huyết trắng, được xét nghiệm là nấm, là vi khuẩn lậu, là viêm gan B, C thì phải chữa cả cặp, chứ ta thường chỉ chú ý chữa cho phụ nữ. Có chị bị nấm chữa 5 năm không hết, vì ông chồng “là nhà kho” giữ bào tử nấm, mỗi lần quan hệ anh lại chuyển giao cho vợ.

Có chị “đang tự nhiên” bỗng bị sở hữu bệnh sùi mào gà. Kiểm tra ông chồng thấy “vô can”, chị đâu biết rằng anh đã đốt bằng laser để xóa dấu vết. Khi chị thắc mắc thì anh làm bộ ngơ ngác: “Chắc tại em giữ vệ sinh không tốt...”. Phụ nữ nào cũng tin là chồng luôn luôn đúng, trừ khi vớ được quả tang. Những “món” vi khuẩn này hoàn toàn không sợ nước rửa vệ sinh phụ nữ. Vì thế các chị chả nên chủ quan.

Hãy cùng chữa, cùng kiêng

Cùng chữa bệnh và cùng kiêng cữ là tốt nhất. Hãy coi viêm nhiễm phụ khoa là “bệnh của chúng mình”, chữa dứt ngay từ khi mới có những dấu hiệu bất ổn thì sẽ không chịu gánh nặng viêm nhiễm sau này. Tim phổi, gan, thận của hai vợ chồng là “của riêng” chứ “tam giác mật” là “của chung”. Đã tự nguyện đem góp vào “hợp tác xã” thì cả hai đều có nghĩa vụ chăm sóc. Bảo dưỡng tốt để “máy chạy tốt” không chỉ là giữ gìn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, mà các anh nên hiểu đó cũng là quyền lợi của các anh nữa..
 
Theo Tuổi trẻ