Cháu Trà My (4 tuổi) cấp cứu tới bệnh viện trong tình trạng được bọc kín, sốt cao, co giật, người tím tái, khó thở... Thân nhiệt bé lên trên 40oC, phổi viêm nặng. Nguyên nhân là do bé bị sốt, nhưng gia đình chỉ cho uống thuốc hạ sốt, lại bắt bé ở trong phòng kín, mặc nhiều quần áo, đắp chăn khiến mồ hôi ngấm vào cơ thể gây viêm phổi. 

Trẻ sốt cao đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
 
Ngược lại với cháu Trà My, Minh Anh (3 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng cấm khẩu, méo mồm, liệt nửa người và hôn mê. Nguyên nhân do bé sốt cao 41,1oC, uống thuốc hạ sốt và chườm đá vẫn không đỡ, gia đình đã ngâm em vào chậu nước lạnh để hạ nhiệt.
 
BS Nguyễn Văn Lộc, Trưởng phòng khám Hen phế quản cho biết, bệnh viện thường xuyên phải cấp cứu  trẻ bị co giật, hôn mê... do cha mẹ không biết cách xử lý khi trẻ sốt. Sốt là dấu hiệu thường gặp nhất khi cơ thể mắc bệnh. Sốt cũng có lợi cho cơ thể vì đó là cách tự vệ của cơ thể chống lại sự phát triển của vi khuẩn, nhất là virus. Khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, hệ miễn dịch thông báo về trung tâm điều nhiệt ở não và tuyến dưới đồi. Tuyến dưới đồi sẽ nâng thân nhiệt cần thiết cho cơ thể ở trung tâm điều nhiệt lên vài độ. Thân nhiệt của người bệnh bây giờ là 38 - 39oC hay 40oC chứ không còn 37oC như bình thường. Lúc này cơ chế sinh nhiệt trong cơ thể bắt đầu hoạt động mạnh cho đến khi đạt thân nhiệt "nóng sốt" cần thiết. Vì thế, cơ thể đang nóng sốt mà người bệnh lại cảm thấy rất lạnh.
 
Đặc biệt, cơ thể trẻ nhỏ rất bất lợi khi bị sốt cao vì tỷ số diện tích da/cân nặng rất lớn (so với người lớn) nên trẻ dễ bị mất nước và muối khoáng khiến hệ thần kinh bị rối loạn không điều chỉnh được thân nhiệt, khiến thân nhiệt bị lên, xuống quá mức cần thiết (khi sốt cao thì sốt rất nhanh mà khi hạ sốt cũng hạ rất nhanh). Dĩ nhiên sốt cao quá có hại cho cơ thể. Sốt cao dễ gây co giật, rất nguy hiểm, nhiều khi để lại di chứng bất lợi về sau.

Biểu hiện khi bị sốt cao, co giật, thường đột nhiên co giật toàn thân, gồng cứng người, nắm chặt tay chân, nghiến răng, trợn mắt và có thể ngưng thở trong vài giây, kèm theo nôn ói, tiểu tiện ra quần. Cơn co giật thường diễn ra trong vòng từ 1 - 5 phút. Khi bị co giật, người thân phải giữ bình tĩnh, tuyệt đối không đổ sả, vắt chanh, cạo gió, gây nôn... Phải thực hiện các biện pháp cấp cứu khẩn cấp. Nhẹ nhàng đặt người bệnh nằm nghiêng qua một để đờm nhớt và chất nôn ói dễ chảy ra ngoài, làm sạch đường thở. Không kìm giữ mạnh khi đang bị co giật, không cho bất cứ thứ gì vào miệng kể cả thuốc hoặc các loại nước vì có thể gây hít sặc, tắc đường thở dẫn đến tử vong. Hạ sốt càng nhanh càng tốt.