Roberta Brivio, 74 tuổi, là một nhà tâm lý học ở thị trấn Melegnano, vùng Lombardy. Bà đang tham gia vào một tổ chức xã hội của Italy để tháo gỡ những nút thắt tâm lý trong đại dịch Covid-19.

Italy hiện có gần 19.000 người qua đời vì nhiễm virus, cao hơn mọi quốc gia khác trên thế giới. Khoảng một nửa ca tử vong là ở vùng Lombardy - nơi Roberta đang sinh sống. Bà cho biết trong suốt nhiều tuần qua đã nhận được hàng loạt cuộc gọi mỗi giờ, sau khi cùng một số chuyên gia thiết lập đường dây nóng tư vấn tâm lý.

Đến nay, vừa nghe chuông là Roberta đã phản xạ nhấc máy ngay lập tức. "Nhiều người gọi tới cho chúng tôi trong nỗi lo lắng, cô đơn và sợ hãi. Đã có nhiều cơn hoảng loạn, thậm chí chúng xảy ra ngay giữa cuộc gọi".

Roberta cho biết trong tháng 3, đã có hơn 750 người Italy gọi tới tìm kiếm sự giúp đỡ. Mặt khác, bà cũng liên lạc được 200 chuyên gia tâm lý sẵn sàng làm tình nguyện viên.

Sức mạnh kỳ diệu của những người bình thường - muôn vàn cách sáng tạo mà người Italy đã nghĩ ra để giúp nhau vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Khung cảnh ảm đạm ở Rome khi dịch bệnh hoành hành, cả nước phong tỏa (Ảnh: Getty)

Anna Paladino, một nhà tâm lý học 48 tuổi ở Milan, cho biết cô đã tham gia nhóm tư vấn khi nhận ra cuộc khủng hoảng tồi tệ ở các vùng bị dịch tàn phá. "Trong một số thảm kịch như rơi máy bay, bạn thường nghĩ chuyện này thật đau đớn và xui rủi nhưng nó đã qua, và bạn không có mặt trên chuyến bay đó. Còn đại dịch Covid-19 lại khác: những câu chuyện về bệnh tật và người thân tử vong được lan truyền khắp Italy, mọi người đều lo sợ trường hợp xấu nhất có thể xảy ra với gia đình mình" - Anna giải thích về sự hoảng loạn hiện giờ.

Bà Roberta cho biết thêm: "Hôm nay, một phụ nữ đã gọi cho tôi sau khi cố gắng tự vẫn. Cũng có người gọi đến và nói: Chồng tôi vừa qua đời trong khi các con chỉ mới 3 đến 5 tuổi. Làm sao tôi có thể báo tin dữ cho bọn trẻ được đây?".

Sức mạnh kỳ diệu của những người bình thường - muôn vàn cách sáng tạo mà người Italy đã nghĩ ra để giúp nhau vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều người Italy may mắn không nhiễm bệnh nhưng lại chứng kiến người thân yêu qua đời, trải qua nỗi đau tinh thần kéo dài (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, không phải mỗi lần tư vấn tâm lý đều nặng nề như vậy. "Có những lúc chúng tôi reo lên: Làm được rồi! Người ở đầu dây bên kia có vẻ bình tĩnh hơn, họ đã có thể ngủ được tối nay" - Anna chia sẻ về niềm hạnh phúc từ công việc tình nguyện.

Cùng với nhóm tư vấn tâm lý của Anna và Roberta, hàng ngàn người Italy cũng sáng tạo muôn vàn cách thức giúp đỡ nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Suốt 5 tuần cả nước phong tỏa (từ 9/3 đến nay), các đầu bếp đã đóng cửa nhà hàng nhưng họ vẫn miệt mài nấu nướng cho người vô gia cư. Nhiều diễn viên sân khấu đã live-stream kể truyện cổ tích cho trẻ em bị "mắc kẹt" ở nhà vì trường học đóng cửa. Ở các thành phố phía Nam, người dân rủ nhau đặt các giỏ thức ăn bên ngoài hiên nhà cho những ai cần giúp đỡ.

Sức mạnh kỳ diệu của những người bình thường - muôn vàn cách sáng tạo mà người Italy đã nghĩ ra để giúp nhau vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

"Ai đủ khả năng xin hãy đóng góp, ai thiếu thốn xin cứ lấy tự nhiên" - những giỏ đồ ăn này đang xuất hiện khắp phía Nam Italy.

Stefano Marrone - một tình nguyện viên ở Milan - cho biết nhiều người đã chịu cú sốc lớn khi dịch bùng phát quá nhanh và có đến hàng trăm bệnh nhân tử vong mỗi ngày. "Tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ nhớ về nỗi ám ảnh của tháng 3 này trong suốt một thời gian dài. Mọi người đã liên tục nói về những đợt mua sắm hoảng loạn tại siêu thị, về người cao tuổi khổ sở ra sao... Nhưng chúng tôi cũng sẽ nhớ đến sức mạnh của những người bình thường, đã dũng cảm chọn đối đầu với thảm kịch" - anh Stefano bày tỏ.

Stefano, ngoài 20 tuổi, hiện là thành viên của nhóm "Tình nguyện viên khẩn cấp" - một tổ chức phi lợi nhuận. Nhóm gồm các bạn trẻ, mỗi ngày đều đi mua thực phẩm hay thuốc men cho những người bị nhiễm bệnh phải cách ly ở nhà, cũng như người cao tuổi và các đối tượng dễ tổn thương khác ở Milan - một trong những thành phố chịu tác động lớn nhất của dịch Covid-19.

Một trong những người được nhóm tình nguyện viên hỗ trợ là bà Maria Maletta, gần 78 tuổi và có nhiều bệnh lý nền. Bà sống một mình tại tầng 5 khu chung cư dành cho tầng lớp lao động nghèo. Khi chân bị viêm, sưng, bà Maria không thể tự ra ngoài mua thuốc và trở nên tuyệt vọng.

Giữa lúc đó, bà liên lạc được với nhóm thiện nguyện và được giúp đỡ nhiệt tình. Maria gọi các bạn trẻ là một phép màu. "Tôi chỉ có một mình, không còn người thân. Trước giờ tôi vẫn phải ra ngoài mua sắm nhưng giờ thì khác, tôi có thể an tâm tự cách ly trong 4 bức tường nhà mình".

Sức mạnh kỳ diệu của những người bình thường - muôn vàn cách sáng tạo mà người Italy đã nghĩ ra để giúp nhau vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Nhóm tình nguyện bao gồm người trẻ vừa mới thất nghiệp, người nhập cư có hoàn cảnh không mấy dư dả nhưng họ vẫn muốn giúp đỡ các cụ già trong dịch bệnh (Ảnh: Getty)

Ở thành phố Brescia, vùng Lombardy, sau khi được báo chí kêu gọi, các doanh nghiệp địa phương đã cùng nhau quyên góp máy tính bảng cho bệnh viện. Chúng dành cho những bệnh nhân cao tuổi để nói lời từ biệt với người thân thông qua video call, trong giờ phút lâm chung.

Paolo Carrera - một người giúp kết nối các doanh nghiệp với bệnh viện ở Brescia - chia sẻ: "Điều đau lòng nhất (trong dịch Covid-19) là người ta qua đời rất đau đớn. Nhiều gia đình đã không thể nhìn mặt nhau lần cuối. Các y tá đã kể rằng họ được giao nhiệm vụ gửi lại lời nhắn đến người nhà bệnh nhân: 'Xin hãy nhớ về tôi' hoặc là 'Nói với các con là tôi yêu chúng rất nhiều'".

Paolo cho rằng điều tuyệt vời nhất là dịch bệnh sẽ được khống chế và mọi bệnh nhân đều được tiếp nhận chữa trị đầy đủ. Tuy nhiên, giữa tình cảnh đau thương hiện tại, "chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để bệnh nhân cảm thấy họ đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa" - Paolo cho biết.

(Theo TIME)