Bất lực trước sự cứng đầu của con, lại lo sợ đứa con trai đầu lòng sa vào những thói hư tật xấu, trong một phút nóng giận, bà H. đã trói con lại rồi đốt vỏ xe gắn máy để đốt con. Hậu quả đã làm cho đứa con trai bị bỏng hai tay, hai chân và vùng bụng. Điều này cho thấy sự bất lực của nhiều bậc cha mẹ trong giáo dục con cái, dẫn đến những hậu quả khôn lường...
Cả giận mất khôn
Những ngày qua, dư luận người dân tỉnh Tiền Giang bàn tán xao về vụ mẹ ruột dạy con bằng "nhục hình" phải nhập viện cấp cứu. Theo thông tin ban đầu, bà P.T.B.T (SN 1969, ngụ xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) thấy đã đến giờ tan học mà con trai là L.L.B (SN 2001, học sinh lớp 6/3 trường THCS Tân Trung) vẫn chưa đi học về. Được người quen báo, biết con trai sau giờ học ghé vào tiệm game chơi, bà T. tức tốc lấy xe gắn máy chạy đến trường tìm con. Tìm thấy con trai đang mải chơi trong tiệm, bà T. gọi con ra chở về nhà và lúc này, sự tức giận vì con trai không nghe lời đã lên đến đỉnh điểm.
Về tới nhà, bà T. trói con vào cột nhà, rồi châm vỏ xe gắn máy đưa trước mặt con. Được người nhà và hàng xóm can ngăn, bà T. mới dừng tay lại, nhưng hậu quả để lại là em B. đã bị bỏng khá nặng, phải đưa đến bệnh viện đa khoa thị xã Gò Công cấp cứu. Sau khi vụ việc xảy ra, bà T. được công an xã Tân Trung mời đến làm việc. Tại đây, bà T. đã khai nhận hành vi của mình chỉ là hành động trong lúc nóng giận quá, không làm chủ được bản thân. Về phần em B., sau khi được điều trị tại bệnh viện gần một tuần, đã xuất viện trở về đi học lại bình thường để kịp kì thi tốt nghiệp.
Chúng tôi đã tìm gặp gia đình của bà T. để tìm hiểu cặn kẽ sự việc. Bà T. ngụ tại ấp Xã Lới, xã Tân Trung, bà cùng chồng là ông L.L.S (SN 1971) cư ngụ ở đây từ nhiều năm qua. Bà T. thừa nhận hành vi đốt con của mình và hiện tại bà đã rất hối hận vì làm con trai tổn thương. Bà cho biết: "Bữa đó, tui giận nó quá nên làm càn, bây giờ nhìn con đau đớn, tui hối hận lắm. Từ hôm rày đến giờ, tôi ăn ngủ không được vì thương con quá. Thấy nó chơi game mê quá, nó còn nhỏ mà, sợ con hư thân, bỏ bê việc học, nhiều lần tui cũng khuyên răn nó rồi mà nó không nghe lời, giận quá rồi mất khôn".
Bà T. tâm sự, B. là đứa con trai đầu lòng, sau B., bà còn một đứa con trai hai tuổi nữa. Gia đình nghèo khó, nhưng bà và chồng ráng lo cho con ăn học tới nơi tới chốn, vì bà biết chỉ có học hành mới thoát được cái nghèo. Vài tháng nay, bà nhận thấy con trai thường xuyên trốn nhà đi chơi, đi học về muộn và thỉnh thoảng còn lấy trộm tiền của gia đình.
Được nhiều người mách bảo, bà điếng người khi biết con trai mê chơi game mà bỏ bê việc học. Nhiều lần răn dạy mà con không nghe lời, bà T. cảm thấy bất lực. Bà T. kể tiếp: "Trước đó gần nửa tháng, tui có nhờ công an của ấp, mặc đồng phục xuống nhà để dọa nó, kêu nó bỏ chơi game. Lúc đầu, thấy nó dạ dạ vâng vâng, tui cũng yên lòng đôi chút, nhưng rồi đâu lại vào đó. Bình thường, con trai tui rất nghe lời, chỉ mội cái tội mê chơi game, nói mãi mà không bỏ".
Sau khi sự việc xảy ra, bà T. rất đau khổ vì hành động dại dột của mình. Có người tỏ ra thông cảm cho tấm lòng người mẹ vì lo cho con, nhưng cũng có người tỏ ra căm phẫn và lên án hành động của bà là tàn nhẫn. Suy cho cùng, hành động của bà T. dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì hậu quả mà nó để lại cho con trai bà cũng không hề đơn giản. Đối với em B., một học sinh lớp 6, vẫn chưa có đủ nhận thức để hiểu hết mọi chuyện, việc bị mẹ trói vào cột rồi dùng lửa đốt sẽ khiến em chịu những thương tích về cơ thể, cũng như những tổn thương tâm lý không chỉ nhất thời mà mãi về sau này.
Sự bất lực của các bậc cha mẹ
Ông Huỳnh Văn Ôi, công an ấp Xã Lới cho biết, vụ việc xảy ra tại gia đình bà T., ông là người nắm khá rõ. Cách đây khoảng một tuần, khi ông Ôi đưa con đi học, thì phát hiện nhà bà T. có nhiều người tập trung, gây ồn ào. Khi ông vào nhà tìm hiểu sự việc thì mọi chuyện cũng đã kết thúc, em B. cũng đã được người thân đưa đến bệnh viện. Trao đổi với bà T., ông được biết hành động đốt con trai của bà, ông đã khuyên giải và đã trình báo vụ việc lên công an xã Tân Trung. Qua hôm sau, một đoàn cán bộ xã đã đến bệnh viện để thăm hỏi tình hình sức khỏe của em B..
Ông Ôi cũng xác nhận, trước đó khoảng nửa tháng, nhận lời nhờ vả của bà T., ông đã xuống nhà gặp B. để răn đe em B. không được chơi game nữa. Ông Ôi cũng tỏ ra thông cảm với hành động dại dột của bà T.. Ông cho biết, bà T. là người mẹ rất thương và chiều con. "Vẫn biết hành động của bà T. xuất phát từ sự lo lắng cho con, thấy con hư, không nghe lời, cha mẹ nào cũng lo lắng cả, nhưng cách của bà T. vẫn là quá đáng. Điều đó càng chứng tỏ sự bất lực của cha mẹ trong cách giáo dục con cái", ông Ôi cho biết thêm.
Một chuyên gia nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM cho biết, ông bà xưa có câu "yêu cho roi cho vọt", đó là cách dạy con từ ngàn đời nay của ông bà ta. Nhưng những hành động trên của các bậc làm cha làm mẹ không hẳn chứng tỏ được đó là tình yêu thương con mình, mà cho thấy sự bất lực của cha mẹ trong cách giáo dục con. Họ đều cho rằng, đó là cách cuối cùng vì họ không còn cách nào khác. Nhưng giữa yêu thương và tội ác, giữa yêu thương và thù hận luôn có những ranh giới rất mong manh. Khi thấy con chỉ vì chơi game mà bỏ bê học hành, nói mãi không nghe, họ đau khổ, tuyệt vọng,å bối rối và hoảng loạn. Và họ nghĩ đến một cách cần nghiêm khắc hơn bằng roi vọt, thậm chí là hành hạ chúng, để chúng biết xấu hổ mà bỏ game. Nhưng nhiều người không biết rằng, điều đó có thể gây ra tác dụng ngược hoặc những ám ảnh tâm lý khó phai trong lòng con trẻ.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng: "Nhiều gia đình còn chưa biết cách giáo dục con. Chúng ta cần tìm hiểu từ những người có nhiều kinh nghiệm hơn, hoặc tham khảo qua báo đài, tư vấn để tìm ra cách giáo dục tốt nhất, tránh được những tác dụng phụ có thể xảy ra. Các bậc cha mẹ đừng chì vì thấy con mê game mà "cả giận mất khôn". Những đứa trẻ này vẫn chỉ đang trong giai đoạn định hình về nhân cách, việc ham chơi cũng là dễ hiểu. Việc dạy con bằng bạo lực rất khó để thành công, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các em, rất dễ khiến các em đánh mất đi cá tính của mình".
TS.Lâm cho biết thêm: "Theo tôi, các gia đình này nên tìm đến những tổ chức xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên hay nhà trường... để nhờ họ hỗ trợ, giúp đỡ, thay vì tự giải quyết một mình. Và chúng ta cũng nên nhìn nhận lại, đôi khi gia đình vì xấu hổ, không muốn người ngoài biết chuyện của mình mà giấu đi. Xã hội thì né tránh, vì thấy quá phức tạp, hoặc thờ ơ vì cho rằng đó chẳng phải chuyện của mình. Chúng ta cần chung tay với nhau trong việc giáo dục các em, thay vì để gia đình hoặc nhà trường phải tự "bơi" để cứu các em".
Luật sư Nông Minh Đức (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, ở góc độ pháp lý, nếu cha mẹ có hành vi hành hạ trẻ vị thành niên, mà gây thương tích là đủ cấu thành hành vi phạm tội. Cha mẹ vì ức chế quá mà hành xử như lối giáo dục từ thời xưa. Nhưng ngày nay, xã hội và pháp luật không cho phép người lớn đánh đập hành hạ con trẻ, dù đó là những bậc cha mẹ. Nếu nóng giận quá mà lỡ tay, rất có thể họ sẽ phải đối diện với nguy cơ bị khởi tố trước pháp luật. Không ai có quyền xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của người khác. Ở nhiều nước khác, chỉ cần đánh đập con, các bậc cha mẹ sẽ phải đối mặt với việc có thể mất quyền nuôi con vĩnh viễn. Rất mong những bậc cha mẹ cân nhắc trước, để lựa chọn một phương pháp dạy con phù hợp. Không phải cứ dùng bạo lực là có thể giải quyết được mọi vấn đề.
Phải chịu sự xử lý của pháp luật Ông Huỳnh Văn Ôi, công an ấp Xã Lới (xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) cho biết: "Vụ việc trên hiện đang được cơ quan CSĐT công an thị xã Gò Công hoàn tất hồ sơ để xử lý. Hành vi của bà T. sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dù biết bà T. hành động như vậy trong một phút nóng giận nhưng hậu quả để lại cho con trai là quá rõ ràng. Đây là bài học quý báu cho các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái của mình". Cùng ngày, đại diện cơ quan CSĐT công an thị xã Gò Công cho biết, đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. Khi có kết luận điều tra, cơ quan CSĐT sẽ đưa đối tượng ra xử lý. Sửng sốt vì cách dạy con ghê rợn Cô Trần Thị Thùy Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 6/3, trường THCS Tân Trung (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) cho biết: "Học lực của em B. xếp loại kém, hạnh kiểm khá. Ngoài ra, em B. là một học sinh thụ động, ít hòa đồng với bạn bè nhưng B. không phải là học sinh cá biệt. Sau khi xuất viện, B. được trở lại trường học và vừa kết thúc năm học. Nhìn cơ thể đầy vết bỏng của em B., những giáo viên trong trường không khỏi thương cảm, sửng sốt vì cách dạy con ghê rợn của phụ huynh". |