Nhà 4 người, 2 người lớn và 2 trẻ con, nguồn tiền thu về hàng tháng của 2 vợ chồng chưa đến 10 triệu đồng nhưng cô vợ này cho biết gia đình vẫn có tiền tiết kiệm.

Bài chia sẻ của cô vợ khiến nhiều người "mắt chữ O, miệng chữ A". Đọc đến đâu sửng sốt đến đấy!

Tiết kiệm đến mức khó tin, nhiều điều gây bất ngờ cực độ

Nguyên văn bài đăng của cô vợ như sau: "Gia đình mình thu nhập 9,3 triệu đồn/tháng (lương mình 5 triệu, lương chồng 4,3 triệu).

Gia đình mình chi tiêu thế này:

Sửng sốt với cách chi tiêu của vợ chồng kiếm 9,3 triệu/tháng: Đi bộ đi làm, cả tháng không mua dầu gội sữa tắm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

- Con đầu: Học tiểu học công lập từ thứ 2 đến thứ 6, ăn bán trú, học tiếng Anh ở trường, hết 1,6 triệu đồng/tháng. Trộm vía cũng may mắn từ lớp 1 đến nay lớp 3, con không có điều kiện đi học thêm như các bạn, nhưng năm nào con cũng đạt các giải thưởng về Toán/Tiếng Việt các vòng loại đến vòng quốc tế các kì thi.

- Con út: Đi nhà trẻ công lập từ thứ 2 đến thứ 6, ăn bán trú, học năng khiếu ở trường, hết 1,4 triệu đồng/tháng

- Tiền phí dịch vụ nhà ở: 1.730.000đ/1 tháng

- Tiền gửi xe, xăng xe, phí cầu phà bến bãi, bảo hiểm xe: Trung bình 200k/tháng. Hầu hết là chi phí cho bảo hiểm và phí cầu phà về quê, còn hàng ngày vợ chồng mình đi bộ đi làm, tháng chỉ đi xe máy vài lần, 2-3 tháng mới hết 50k tiền xăng.

- Tiền ăn và tiền bỉm sữa: 3 triệu/tháng. Trung bình 1 ngày, 100k tiền ăn (cả ăn sáng). Gần như 10 năm nay nhà mình không ăn hàng quán.

+ Rau/củ: 5k/ngày

+Thịt/cá/trứng/gạo: 60-70k/1 ngày

+ Bỉm: 5-10k/ngày

+ Sữa: 10-20k/ngày

- Tiền điện nước, internet: 650k - 800k/tháng

- Tiêu linh tinh: 100k/1 tháng

- Tích lũy cố định: 500k/tháng. 1 năm có 6 triệu dự phòng. Mấy năm trước không tiêu đến khoản này, vàng chưa tăng nên mình mua được 1-2 chỉ vàng. Từ lúc vàng lên trên 5 triệu/1 chỉ là nhà mình ngưng. Tiền này hàng tháng mình để tích lũy phòng khi có tháng dùng nhiều hơn định mức hoặc phụ thêm ăn uống, đóng quỹ cha mẹ học sinh, hoặc mua sách vở đầu năm.

Du lịch, đám xá, đóng bảo hiểm, mua sắm thêm đồ đạc trong gia đình thêm thì dựa trên số dư tích lũy và tiền thưởng tháng 13. Chi phí cho quần áo mới và làm đẹp gần như không có, chủ yếu được anh chị em, cô dì chú bác cho quần áo. Phần đồ dùng nước tắm xà phòng gần như không chi phí vì nhà mình dùng vỏ bưởi, lá bưởi, lá chanh và xả ở vườn đun nước tắm gội.

Trên đây là phần vén của nhà mình, chia sẻ với các bạn với mức 9,3 triệu/tháng có để chút tích lũy".

Đi bộ đi làm, tiền ăn lẫn tiền bỉm sữa chỉ 3 triệu/tháng, tiền tiêu vặt 100k/2 người/tháng, 10 năm không ăn hàng, không mua sắm quần áo, không mua luôn cả sữa tắm dầu gội,... Tất cả những điều cô vợ chia sẻ khiến dân mạng không thể không bất ngờ.

Sửng sốt với cách chi tiêu của vợ chồng kiếm 9,3 triệu/tháng: Đi bộ đi làm, cả tháng không mua dầu gội sữa tắm- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Khâm phục thật sự. Đúng là khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Tự nhiên đọc bài mình có thêm động lực để không hoang phí. Từ trước tới giờ mình đã tiêu hoang quá, không có tí tích lũy nào dù thu nhập của mình (mình chưa kết hôn, chưa có con) nếu so với bạn thì cao hơn nhiều" - Một người cảm thán.

"Nể chị quá. Quá xuất sắc. Mình thích mấy bài mà thu nhập vừa phải và vun vén thực tế như này, hữu ích và cần thiết cho đại đa số. Chứ còn thu nhập trăm triệu thì mức sống quá khác rồi, 1 bữa ăn bằng 1 tháng lương của người khác nên thấy xa vời, khó học hỏi" - Một người chia sẻ.

"Vun vén được như chị thì cũng giỏi nhưng mình vẫn thắc mắc là vợ chị không giao lưu bạn bè, không hiếu hỷ phát sinh gì hay sao? Chưa kể là không biết chị ở đâu mà có thể mua rau ăn 1 ngày với giá 5 nghìn đồng vậy ạ? Em ở quê, không phải ở thành phố mà cũng không thể chi tiêu với mức 100k/ngày bao gồm cả tiền ăn và bỉm sữa cho con như vậy luôn ấy" - Một người thắc mắc.

"Chi tiêu thế này là gia đình chị đang có mức chi phí gọi là tồn tại thôi. Ngày xưa nhà em nghèo nên cũng ăn uống chắt bóp vì thu nhập thấp, rau lang, cá hấp qua ngày. Cuộc sống chật vật lắm. Chi tiêu thì ổn rồi nhưng cũng phải nghĩ, tìm cách tăng thu nhập chị à, vì sau này con lớn hơn đi học còn tốn kém nữa. Thu nhập cứ giữ nguyên vậy thì không ổn" - Một thắc mắc khác được đặt ra.

Nên làm gì để tăng thu nhập?

Với những người đang đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tiết kiệm, hoặc có những dự định cần tới một khoản tiền kha khá - như cô gái trong câu chuyện phía trên, việc giảm mức chi tiêu và tăng thu nhập là điều gần như bắt buộc.

Nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, giảm chi đã khó, tăng thu nhập còn khó hơn, phải làm sao mới được?

1 - Nhận thêm các công việc ngoài giờ đúng chuyên môn, kỹ năng

Đương nhiên, đây vẫn là phương án lý tưởng nhất mà không ít người vẫn đang áp dụng để da dạng hóa nguồn thu, tăng thu nhập. Vì thứ nhất, không cần vốn lớn. Vốn liếng ở đây chính là kinh nghiệm, kiến thức làm việc sẵn có vì "việc phụ" cũng cùng ngành với "việc chính".

Sửng sốt với cách chi tiêu của vợ chồng kiếm 9,3 triệu/tháng: Đi bộ đi làm, cả tháng không mua dầu gội sữa tắm- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, muốn tìm được công việc ngoài giờ lâu dài, với mức lương ổn định, đôi khi, bạn cần phải trau dồi cả những kỹ năng tưởng chừng không mấy liên quan, ví dụ như ngoại ngữ, khả năng giao tiếp "từ xa", mở rộng các mối quan hệ hiện có,... Vì đồng nghiệp, bạn bè mới chính là những "nguồn tìm việc" đáng tin cậy nhất, tránh trường hợp cày cuốc bán sức cả tháng trời, mà đến ngày nhận lương tự nhiên lại thấy tất cả "mất hút".

2 - Chạy xe ôm công nghệ sau giờ làm

So với việc nhận thêm các công việc ngoài giờ hành chính, đúng kỹ năng, đúng chuyên môn, thì việc chạy xe ôm công nghệ hoặc làm shipper sau giờ làm sẽ khá vất vả, nếu làm thì còn đồng nghĩa với việc phải chấp nhận không có thời gian rảnh dành cho bản thân.

Tuy nhiên, ưu điểm rất lớn của công việc này lại chính là không yêu cầu bạn phải có nguồn vốn lớn. Chưa kể, ngay cả khi không có sẵn xe máy, bạn vẫn có thể đăng ký làm tài xế cho các hãng xe điện có dịch vụ xe ôm, ship hàng. Bạn sẽ được hãng cấp xe, phục vụ cho công việc.

3 - Dạy gia sư

Đây là công việc không quá vất vả mà mức lương cũng không quá thấp, có lẽ, là công việc phù hợp nhất với con gái. Điều kiện không có gì ngoài vốn kiến thức và khả năng truyền đạt. Chưa kể, nhiều bạn đã đi dạy gia sư từ thời sinh viên để kiếm tiền. Thế nên chẳng có lý do gì, sau khi đi làm, chúng ta lại từ bỏ công việc mà bản thân đã có kinh nghiệm này.