Sườn om, bánh Jeon, rau trộn gia vị... trên mâm cơm Trung thu của người Hàn - Ảnh 1.

Thay vì hàng chục món ăn như trước đây, mâm cơm Trung thu tại Hàn Quốc giờ đây chỉ còn vài món ăn đơn giản - Ảnh: JOONGANG ILBO

Quá trình chế biến và chuẩn bị có thể kéo dài cả ngày khiến lễ Trung thu đã vô tình trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người phụ nữ Hàn Quốc.

Đặc biệt, mùa Trung thu năm nay lại càng trở nên áp lực hơn khi Hàn Quốc sau khi trải qua nhiều đợt bùng dịch COVID-19 và cả lạm phát tăng cao, khiến việc chuẩn bị mâm cơm trở thành mối lo lớn nhất đè nặng trên vai những người con dâu tại Hàn Quốc.

Để giảm gánh nặng cho người dân khi phải chuẩn bị mâm cơm trong dịp Tết Trung thu, Ủy ban Nghiên cứu lễ nghi truyền thống Sungkyunkwan đã công bố một phương án giúp đơn giản hóa mâm cơm Trung thu cho người dân Hàn Quốc.

Bánh Songpyeon

Nhắc đến Trung thu thì chắc hẳn phải gọi tên món bánh Trung thu đầu tiên. Tuy nhiên khác với Việt Nam và Trung Quốc, bánh Trung thu của người Hàn lại mang kích thước nhỏ hơn với nhiều màu sắc vô cùng bắt mắt.

Sườn om, bánh Jeon, rau trộn gia vị... trên mâm cơm Trung thu của người Hàn - Ảnh 2.

Songpyeon, một loại bánh gạo truyền thống thường được thưởng thức vào dịp Trung thu của người Hàn - Ảnh: CHOSUN ILBO

Bánh Trung thu Hàn Quốc hay Songpyeon được tạo hình như vầng trăng khuyết, bởi quan niệm cho rằng trăng tròn sẽ tàn nhưng trăng khuyết thì sẽ lại tròn, hàm ý cầu mong tương lai sẽ tươi sáng, mọi việc trong tương lai sẽ được suôn sẻ.

Phần vỏ bánh được làm từ bột gạo, kết cấu mềm dẻo với nhiều màu sắc bắt mắt, phần nhân ngọt từ hạt vừng, mật ong, đậu đỏ, hạt thông hoặc quả hạch.

Sau khi tạo hình, bánh Songpyeon sẽ được hấp trên một lớp lá thông tươi, khiến những chiếc bánh nhỏ nhắn luôn thoang thoảng một mùi hương đặc biệt.

Jeon

Jeon là tên gọi chung của các loại bánh được làm từ rất nhiều loại nguyên liệu, từ thịt, cá, hải sản đến các loại rau, củ, áo qua một lớp bột và trứng, sau đó rán giòn với màu ruộm bắt mắt.

Sườn om, bánh Jeon, rau trộn gia vị... trên mâm cơm Trung thu của người Hàn - Ảnh 3.

Trong ảnh là một vài loại Jeon phổ biến được làm từ xúc xích, bí ngòi, thịt heo xay và thanh cua - Ảnh: NAVER

Tùy theo khẩu vị của từng gia đình, từng vùng miền mà việc lựa chọn nguyên liệu cho món ăn này cũng trở nên đa dạng và phong phú hơn.

Galbi Jjim

Sườn om Galbi Jjim là một món ăn có truyền thống lâu đời, bao gồm sườn bò được cắt khúc ngắn vừa ăn, om kỹ trong nhiều giờ đồng hồ cùng với các loại rau củ như cà rốt, khoai tây, hành tây, nấm, hạt dẻ và một số loại trái cây để lấy vị ngọt như táo hay lê.

Sườn om, bánh Jeon, rau trộn gia vị... trên mâm cơm Trung thu của người Hàn - Ảnh 4.

Sườn om Galbi Jjim được biết đến như một món ăn tiêu biểu cho ẩm thực truyền thống ở Hàn Quốc - Ảnh: NAVER

Càng om lâu, miếng sườn bò sẽ càng thấm đẫm các loại gia vị cùng vị ngọt từ các loại trái cây và rau củ hầm chung, mang đến hương vị đặc trưng khó có thể tìm thấy ở bất kỳ món ăn nào.

Ở Hàn Quốc, Galbi Jjim là món ăn thường xuất hiện vào các dịp lễ, Tết hoặc trong các buổi tiệc cưới hỏi, tiệc mừng sinh nhật.

Namul

Từ Namul là tên gọi chung chỉ các loại rau được chần sơ, sau đó ướp với một vài loại gia vị đơn giản.

Sườn om, bánh Jeon, rau trộn gia vị... trên mâm cơm Trung thu của người Hàn - Ảnh 5.

3 loại Namul thường thấy trên các mâm cỗ lễ, Tết tại Hàn Quốc - Ảnh: NAVER

Theo tập tục từ cổ xưa, Namul phải bao gồm 3 loại rau có 3 màu sắc khác nhau gồm màu xanh từ rau chân vịt, màu trắng của củ cải và màu nâu từ cây dương xỉ khô.

Rượu Baekju

Vào dịp Trung thu, người Hàn Quốc rất thích tụ tập ăn uống với gia đình, tiếp đãi bạn bè nên trên bàn tiệc không thể thiếu men rượu.

Sườn om, bánh Jeon, rau trộn gia vị... trên mâm cơm Trung thu của người Hàn - Ảnh 6.

Rượu Baekju được làm từ loại gạo mới thu hoạch mang hương vị nhẹ nhàng thích hợp với những ngày đầu thu - Ảnh: NAVER

Ngoài loại rượu thông thường là Soju, còn có một loại rượu truyền thống được làm từ gạo mới với màu sắc trắng ngà nên được gọi là Baekju, dịch nghĩa theo âm Hán Việt là Bạch tửu.

Ngoài ra, theo mâm cơm Trung thu truyền thống còn rất nhiều món ăn khác như canh Toranguk (canh khoai sọ), Japchae (miến trộn kiểu Hàn), Bulgogi (thịt bò nướng kiểu Hàn), Bánh gạo Hanghwa,...

Ngày Tết Trung thu hay còn gọi là Chuseok, được tổ chức vào ngày 15-8 âm lịch và là ngày lễ lớn nhất trong năm ở Hàn Quốc.

Tương tự Tết Nguyên đán ở Việt Nam, Tết Trung thu tại Hàn Quốc chính là dịp gia đình sum họp. Ai ở xa quê cũng tìm về quây quần bên gia đình, cùng nhau cúng bái tổ tiên, cùng trò chuyện, ăn uống và hưởng thụ những thành quả sau mùa vụ lao động vất vả.

Năm nay, kỳ nghỉ Trung thu tại Hàn Quốc sẽ kéo dài từ ngày 8 đến ngày 12-9.