Những ngày qua, người dân quanh khu phố Phú Xuân (P.Phú Thịnh, thị xã Bình Long, Bình Phước) vẫn còn xôn xao chuyện vợ chồng anh Vũ Đình Khiên (36 tuổi) – Nguyễn Thị Thu Trang (26 tuổi) bị bệnh viện trao nhầm con suốt 3 năm nay. Trước đó, họ từng dị nghị lời ra lời vào về chuyện con anh Khiên không giống bố.

Clip: Tâm sự của ông bố sống trong sự hoài nghi suốt 3 năm khi con gái bị trao nhầm.

traonhamcon8
Vợ chồng anh Khiên chị Trang bên cô con út bị bệnh viện trao nhầm.

3 năm dằn vặt mà không thể nói với ai 

Đến nay, sau khi có kết quả xét nghiệm ADN chéo với gia đình của sản phụ sinh cùng phòng với vợ mình cách đây 3 năm cho thấy bệnh viện đa khoa Bình Long đã trao nhầm con, những hoài nghi dằn vặt của anh Khiên mới tan biến.

traonhamcon7
Chị Trang với tờ xét nghiệm ADN trong tay.

Ngồi trầm ngâm nhìn con gái út Vũ Thị L.A vẫn hồn nhiên đùa nghịch với những đứa trẻ hàng xóm trước sân, rít điếu thuốc, anh Khiên chia sẻ: “Giờ tôi còn thương con bé hơn trước vì suốt 3 năm chịu thiệt thòi, bị người ta nghi ngờ không giống bố, không được ở bên cha mẹ ruột của mình”.

traonhamcon3
Anh Khiên cho biết, giờ mình còn thương bé út hơn trước kia.

Năm 2010, anh Khiên chị Trang cưới nhau. Cả hai được bố mẹ cho căn nhà cấp 4 ở phường Phú Thịnh an cư. Vợ anh bán nước mía và cháo lòng, còn anh thì thời gian đầu phụ vợ, rồi làm mộc kiêm thêm cả bí thư phường sau đó đi làm công ty về cầu đường, xây dựng.

Một năm sau, căn nhà của vợ chồng trẻ trở nên ấm áp hơn khi họ đón bé gái đầu lòng. Hai năm sau, sáng 10/1/2013, người chồng tức tốc chở vợ đến Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long, cách nhà khoảng 1 km để sinh bé gái thứ 2.

traonhamcon2
Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long.

Đến khi bé út được 1 tuổi, anh Khiên lờ mờ nhận ra vài điểm khác biệt của bé so với cô chị và chính mình. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh nhưng ai nhìn vào cũng thấy bé khác cô chị hoàn toàn. Da hơi ngăm, tóc xoăn, mắt sâu và đen láy. Con gái đầu của tôi chưa đầy năm là đi được thì bé út phải gần 2 năm mới biết đi. Tôi như có linh cảm bé út không phải là con mình” anh Khiên chia sẻ.

traonhamcon6
Cô bé càng lớn càng không giống bố khiến anh thấy hoài nghi, buồn phiền.

Anh chỉ cảm nhận vậy mà không hề nói ra với người thân, nhất là vợ mình. Nhưng càng lớn thì bé L.A càng khác bố khiến anh không thể tránh khỏi suy nghĩ vợ mình ngoại tình. Biết nói ra sẽ tổn thương cho vợ nên anh cứ âm thầm hoài nghi, chôn giấu nỗi niềm trong lòng. Cứ thế, nỗi dằn vặt của anh ngày càng lớn mà không thể chia sẻ với ai.

traonhamcon9
Hai chị em với nhiều nét khác nhau.

“Buồn hơn là nhiều khi đi nhậu, bạn bè có đứa nói thẳng là tôi bị vợ “cắm sừng”. Trong xóm thì người ta dị nghị khi thấy con không giống bố. Tôi buồn lắm mà chỉ biết cười trừ, không làm sao giải thích được. Thực sự thì tôi cũng hay đi công tác, 2 tuần mới về nhà lần càng làm tôi dễ nghi hoặc. Nhưng là người có nhận thức nên tôi chưa bao giờ nói vợ ngoại tình”, người cha chia sẻ.

Gần hai năm đi bán rong để tìm sự thật

Nhiều lần, anh cũng bóng gió để vợ hiểu những trăn trở một ông bố. Đùa nghịch với cô út, anh giả vờ hỏi “sao mãi con vẫn chưa chịu giống bố nhỉ”. Những khi đó, vợ anh lại nói bé có nét giống bà nội. Anh buồn rồi tự an ủi chắc là do bé đột biến gen, dẫu sao thì xấu hay đẹp cũng là máu mủ của mình.

traonhamcon4
Bé càng lớn, càng không giống bố nên anh quyết đi tìm sự thật.

Khi bé L.A được 1 tuổi, lúc này anh Khiên quyết định đi tìm sự thật. “Hồi ấy vợ mới sinh nên chưa đi làm nhiều, tôi là lao động chính nhưng thu nhập thấp nên quyết định đi bán bánh vào buổi sáng. Dù vậy, mục đích chính vẫn là đi tìm xem con ruột mình có thất lạc không”, anh Khiên chia sẻ.

Cả nhà không ai nghĩ anh Khiên đi bán với mong muốn tìm được tung tích con ruột. Theo đó, mỗi ngày anh Khiên đạp xe khoảng 40 km quanh thị xã, các xã kế bên để bán bánh đến 10h sáng. Thời gian còn lại anh làm thợ mộc, bí thư phường.

traonhamcon1
Căn phòng nơi 3 năm trước chị Trang và sản phụ còn lại sinh.

 “Tôi không có căn cứ cụ thể để tìm con nhưng cứ đi bán để nghe ngóng. Tôi có niềm tin nếu cha con thất lạc ắt sẽ có duyên gặp nhau. Sau đó, tôi nhớ lúc vợ vào phòng sinh thì chỉ có một sản phụ khác ngoài vợ mình ở đó, hai người lại sinh cùng giờ cùng giới tính. Vì vậy tôi rất muốn biết đứa trẻ còn lại ấy hình dáng như thế nào. Dù vậy, thời điểm ấy tôi không hề nghĩ đến trường hợp bệnh viện trao nhầm con”, anh Khiên chia sẻ.

Như một sự giao cảm luôn thôi thúc anh nhiều lần đạp xe bán bánh ở trong sóc, nơi sản phụ cùng phòng với vợ mình ở. Anh tâm sự: “Sóc đó chỉ cách nhà hơn 5km, là nơi bà con dân tộc Stieng ở nên mình đâu thể vào tận nhà sản phụ ấy. Tôi chỉ bán quanh quẩn trong đó nhưng chẳng bao giờ thấy bé nào nhìn giống mình”. Suốt 2 năm ròng, anh cứ đạp xe đi tìm mà vẫn bặt vô âm tính.

traonhamcon5
Dù không cùng máu mủ nhưng hai vợ chồng vẫn luôn coi bé út như con ruột.

Cuối cùng, anh đành nói hết trăn trở của mình cho bố vợ nghe. Tháng 5/2016, trong một lần tình cờ đi bán bánh mì tại xã Phước An (huyện Hớn Quản), ông Nguyễn Duy Nguyên (61 tuổi, ba chị Trang) bất ngờ thấy người phụ nữ từng sinh cùng phòng với con gái mình 3 năm trước bế bé gái rất giống con đầu của anh Khiên nên nghi ngờ.

“Ông nói tôi là “con bé giống mày như cùng một khuôn”. Do bố vợ biết gia đình này từ lâu nên ngay trưa cùng ngày, tôi cùng bố vào trong sóc tìm hiểu và gần như đứng lặng khi thấy có đứa bé rất giống tôi. Linh cảm người cha cho biết con gái thật của mình ở đây rồi”, người bố chia sẻ.

traonhamcon11
Đây mới chính là con gái ruột của anh Khiên.

Sau đó, anh về nhà thuyết phục vợ đi xét nghiệm ADN. “Tôi đã chuẩn bị tinh thần thế mà vẫn sốc khi hai cha con không cùng huyết thống đến nỗi phải nằm viện 2 ngày. Tôi khiếu nại lên bệnh viện Bình Long thì họ mới thuyết phục gia đình kia đi xét nghiệm chéo. Lúc này, bao nỗi dằn vặt của tôi mới tan biến”, anh Khiên bộc bạch.

Hai tháng nay, từ ngày biết việc nuôi nhầm con trong 3 năm qua, tâm lý gia đình anh Khiên bất ổn, hai vợ chồng phải nghỉ việc để có thời gian lo đổi con về. Nhưng đến nay hai cha con anh vẫn chưa thể trùng phùng do gia đình kia vẫn chưa đồng ý trả con. Điều nay khiến anh vừa bức xúc lại lo lắng cho cuộc sống của con gái ruột. Trong khi vợ anh thì âu lo, nhớ con đến phát ốm.

traonhamcon10
Niềm mong mỏi của hai vợ chồng là sớm được mang con ruột về nuôi nấng.

Lo lắng cho con, nhưng anh chị cho biết vẫn yêu thương hết mực bé gái mà mình nuôi nấng hơn 3 năm qua. "Dù cháu không phải máu mủ của mình nhưng việc chăm sóc từ khi lọt lòng mẹ đến nay cũng đủ để chúng tôi yêu quý và xem như con ruột", anh Khiên tâm sự.