Sinh con là một trong những khoảnh khắc thiêng liêng và vô cùng đáng nhớ đối với người phụ nữ. Giây phút được nhìn thấy con khỏe mạnh chào đời, dù có đau đớn nhưng người mẹ nào cũng vẫn cảm thấy thật hạnh phúc. Thế nhưng, chị Nguyễn Thị Nương (sinh năm 1996, sống tại Hải Dương) sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc "chết đi sống lại" khi các con chào đời.
Năm 2019, chị Nương mang thai đôi hai bé Phạm Nhật Minh (biệt danh Bin) và Phạm Nhật Nam (biệt danh Bon). Tuy mang thai đôi nhưng suốt thời kỳ bầu bí, sức khỏe của chị Nương khá tốt, không hề bị ốm nghén hay mệt mỏi. Thế nhưng bà mẹ 2 con lại có niềm đam mê với đồ ngọt, nghiện và thích dẫn đến bị tiểu đường thai kỳ nhưng lại không hề hay biết.
Cặp sinh đôi lúc 3 và 6 tháng tuổi.
Hai tháng cuối cùng mang bầu, chị Nương bắt đầu đi lại khó khăn và bị phù chân tay. Thế nhưng suốt quá trình có con, chị lại có chút chủ quan khi chỉ đi khám thai thông thường chứ không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Và điều này chính là nguyên nhân gây nên sự cố sau ca mổ bắt con.
"Khi mình mổ xong thì bất ngờ bị huyết áp cao gây nôn trớ. Bác sĩ ngay lập tức tách con ra khỏi mẹ khi mình còn chưa được nhìn mặt con. Sau đó mình rơi vào trạng thái mê man, vừa nôn vừa bị co giật dẫn đến ngất xỉu. Cho đến khi tỉnh dậy thì mình được bác sĩ thông báo rằng đã qua cơn nguy kịch nhưng huyết áp vẫn cao nên cần phải theo dõi. Các bác sĩ cũng nói thêm may mắn đã mỉm cười với mình vì bản thân bị tiểu đường thai kỳ nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con", chị Nương kể lại.
Các bé ngày càng lớn, đáng yêu và khỏe mạnh.
Cặp sinh đôi chụp ảnh cùng với mẹ.
Trải qua sự cố nguy hiểm, bà mẹ trẻ dành thời gian chăm sóc cho các con và bản thân mình. Trộm vía 2 bé càng lớn càng yêu, ăn ngoan ngủ tốt, chị Nương cũng nhận được sự hỗ trợ tận tình từ mẹ chồng và chồng nên quá trình chăm sóc các bé không gặp quá nhiều khó khăn.
Với các mẹ đang mang bầu, chị Nương chia sẻ: "Các mẹ hãy khám thai định kì và làm các xét nghiệm liên quan đến thai kì. Ngoài ra các mẹ bầu cũng nên giữ thói quen vận động: Tập thể dục trước và trong khi mang thai có thể giúp bảo vệ thai nhi, chống lại việc phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ. Ăn các thực phẩm lành mạnh. Chọn thực phẩm đa dạng với nhiều chất xơ, ít chất béo và calo. Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc để có một thai kì khoẻ mạnh".
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh. Bệnh tiểu đường thai kỳ chiếm từ 3-7% tổng số phụ nữ mang thai, có nhiều nguy cơ cho người mẹ và thai nhi nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách.
Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, mổ lấy thai. Về lâu dài, các thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường typ 2 và các biến chứng liên quan đặc biệt là biến chứng tim mạch. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường. Các tai biến thường gặp là: cao huyết áp, sinh non, đa ối, sảy thai và lưu thai, nhiễm khuẩn và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức.
Những thai phụ có nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao nên thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Đây là phương pháp được sử dụng trong chẩn đoán tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường, đặc biệt là để phát hiện đái tháo đường thai kỳ, được thực hiện giữa tuần thai 24 và 28.