Các trường hợp không nên dùng

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) trong tháng 10 đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn T (61 tuổi) từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng suy thận độ 4, suy gan nặng. Bác sĩ phải chỉ định lọc máu cấp cứu, tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân vẫn tiếp tục nặng lên. Nam bệnh nhân này hôn mê, phải thở máy, tiên lượng dè dặt.

Gia đình cho biết, ông T có tiền sử bị viêm gan B và suy thận độ 3. Gia đình người đàn ông này cho biết, ba tháng nay, ông T uống nấm linh chi liên tục. Tuy nhiên 1 tháng trở lại đây, da ông T ngày càng vàng, điều trị tại tuyến dưới nhưng bệnh ngày càng nặng thêm nên từ giữa tháng 10, gia đình chuyển ông T đến Bệnh viện 108.

Đây không phải là trường hợp duy nhất mắc các bệnh mãn tính, nhập viện Bệnh viện 108 vì dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu của bệnh viện cho hay, Khoa từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân dùng các thuốc Nam điều trị bệnh mạn tính như viêm gan, xơ gan cũng như được dùng các thuốc bổ như linh chi không rõ nguồn gốc, gây tình trạng nhiễm độc suy gan, suy thận nặng. Điều khó khăn khi điều trị nhiễm độc thuốc Nam là không có thuốc đặc hiệu.

Suýt gặp tử thần với nấm linh chi - Ảnh 1.

Nên chọn nấm linh chi có kích thước vừa phải, lành lặn, dày dặn, không bị mối mọt và còn nguyên tán. Ảnh minh họa

“Nhiễm độc thuốc Nam hầu hết xảy ra từ từ, có người uống tới cả chục thang mới có biểu hiện nhiễm độc nên đa số người bệnh khi đến viện cấp cứu đã bị nặng do chất độc tích tụ trong cơ thể lâu. Đáng lo ngại, đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn, khi gan và thận bị suy nặng nên điều trị rất khó khăn”, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 108 nói.

ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện 108) cho biết, theo thống kê riêng ở Trung Quốc có tới 84 loài linh chi, trong đó có 12 loài được dùng để làm thuốc. Sách Bản thảo cương mục (1595) của nhà bác học Lý Thời Trân căn cứ theo màu sắc của linh chi cũng đã phân thành 6 loại: Loại có màu vàng gọi là Kim chi hay Hoàng chi, loại có màu xanh gọi là Thanh chi, loại có màu hồng, màu đỏ gọi là Hồng chi hay Đan chi hoặc Xích chi, loại có màu trắng gọi là Bạch chi hay Ngọc chi, loại có màu đen gọi là Huyền chi hay Hắc chi và loại có màu tím gọi là Tử chi.

“Trong đó Linh chi đen và đặc biệt là Linh chi đỏ được coi là có công dụng trị liệu tốt nhất và được dùng nhiều nhất trên thế giới hiện nay”, ThS Hoàng Khánh Toàn nói.

TS Phạm Việt Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, nấm linh chi có vị đắng, tính hàn, lợi về kinh tâm, phế, can, thận, có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Nấm linh chi có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nâng đỡ và kiến tạo hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Tuy nhiên, TS Hoàng cũng lưu ý, nấm linh chi được chứng minh là rất tốt. Nhưng trong một số trường hợp sẽ rất nguy hiểm. Đó là nếu sử dụng sản phẩm nấm không có nguồn gốc rõ ràng, có thuốc bảo quản. Đặc biệt, với những người bệnh có tiền sử các bệnh viêm gan, suy giảm chức năng thận, tức là chức năng các bộ phận của cơ thể không còn được như người bình thường, nếu sử dụng phải nấm linh chi không đúng cách hoặc có nguồn gốc không rõ ràng, trong nấm chứa chất bảo quản, gan sẽ không còn đủ chức năng để đào thải chất độc gây tích tụ và suy chức năng gan.

Lựa chọn và bảo quản nấm linh chi ra sao?

ThS Hoàng Khánh Toàn cho biết, ông thường xuyên nhận được câu hỏi “phân biết nấm linh chi sao cho đúng”. Và cũng rất khó để trả lời câu hỏi này dù rất cần thiết, bởi có vô vàn loại nấm linh chi, nhưng thị trường nấm linh chi hiện nay ở nước ta như một trận đồ bát quái.

“Nếu có dịp dạo qua phố Lãn Ông ở Hà Nội, người mua sẽ loá mắt vì đủ loại nấm linh chi to nhỏ, nặng nhẹ... và có màu sắc, nguồn gốc khác nhau. To nhất thì bằng cái nón nhỏ, mỗi túi 1kg có 2 hoặc 3 nấm; nhỏ thì có 15 - 20 cái/kg. Có loại màu đỏ, có loại màu đen, có loại được giới thiệu là linh chi Trung Quốc, có loại được khẳng định là linh chi Hàn Quốc 100% vì có chữ KOREA đóng chìm ở mặt dưới nấm với giá tiền trên 1 triệu/kg mặc dù hai loại có cùng màu sắc, độ lớn và cân nặng (chỉ khác dấu chữ mà thôi)”, ThS Toàn nói.

Theo vị chuyên gia này, phân biệt linh chi thật/giả rất khó bởi lẽ không hiếm trường hợp “thật mà lại là giả” vì hoạt chất trong dược liệu đã bị chiết xuất cạn kiệt trước khi đem bán, cái nấm khi đó chỉ còn là “rác”.

“Tiêu chuẩn “vàng” để phân biệt linh chi thật và linh chi giả là việc định tính và định lượng các hoạt chất đặc trưng trong thành phần của nấm. Hơn nữa cũng phải có những tiêu chuẩn riêng cho từng loài nấm linh chi khác nhau”, ThS Toàn nói, nhưng cũng cho rằng, trên thực tế, điều này thật khó có thể thực hiện được.

Các chuyên gia y học cổ truyền khuyến cáo, chỉ nên mua linh chi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở Đông dược có đủ tư cách pháp nhân (kể cả trong nước và ngoài nước), hết sức tránh mua sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Thêm vào đó, nên dùng linh chi được gieo trồng chuyên nghiệp vì chất lượng ổn định, đảm bảo hiệu quả và không có các phản ứng bất lợi. “Đừng dễ dàng “mở hầu bao” để mua thứ linh chi được quảng cáo đường mật là được thu hái tự nhiên ở trên rừng, trên núi”, ThS Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh.

Khi mua, nên chọn loại nấm có kích thước vừa phải, lành lặn, dày dặn, không bị mối mọt và còn nguyên tán, khi sắc hoặc hãm uống thử phải có được thứ dịch màu hổ phách, mùi nồng nồng và vị đắng đặc trưng.