Nguy hiểm tính mạng do tự ý uống thuốc phá thai
Vừa qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã cấp cứu thành công bệnh nhân Nguyễn Thị N, 33 tuổi ở xã Đông Sơn huyện Chương Mỹ bị băng huyết nặng do tự ý uống thuốc phá thai.
Được biết, bệnh nhân vào viện lúc 5h30 ngày 27/6 do Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ chuyển ra với chẩn đoán băng huyết do bệnh nhân tự ý phá thai bằng thuốc cách đây 2 tháng. Bệnh nhân vào nhập viên BVĐK Hà Đông trong tình trạng sốc mất máu nặng.
BS CKII Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết: Khi bệnh nhận nhập viện được xét nghiệm lúc này hồng cầu chỉ có 1,5 triệu/4 triệu, tiểu cầu còn 70.000/milimet khối, huyết áp lúc vào là 80/50 mạch 120 lần/phút. Sau đó bệnh nhân được truyền dịch, truyền máu hồi sức và nạo buồng tử cung, lấy ra toàn bộ tổ chức rau thai đen, trong buồng tử cung vẫn chảy máu đỏ tươi, thì phát hiện bệnh nhân có thai lưu 3 tháng không co hồi. Bệnh nhân được được chuyển lên nhà mổ tiến hành cắt tử cung.
Bệnh nhân được mổ cắt tử cung bán phần. Khi kiểm tra bên trong buồng tử cung thấy máu chảy ở vết mổ cũ nên bác sĩ tiến hành tách và cắt phần chảy máu, khâu cầm máu lại sau đó hồi sức và tiếp tục truyền máu. Trong quá trình cấp cứu cho bệnh nhân, bệnh viện đã truyền 17 đơn vị hồng cầu, 10 đơn vị chế phẩm của máu gồm huyết tương tươi, tiểu cầu…
Sau 1 tiếng mổ cấp cứu bệnh nhân tỉnh táo hồng cầu trên 3 triệu, các sắc tố bình thường, các xét nghiệm sinh hóa bình thường, bệnh nhân nói chuyện tiếp xúc bình thường.
Được biết bệnh nhân đã 2 lần đẻ mổ, lần này là có thai ngoài ý muốn. Bệnh nhân không đi khám, không đi kiểm tra tự mua thuốc về uống mà không qua cơ sở y tế nào.
BS khám lại cho bệnh nhân N sau khi được mổ cấp cứu thành công. (Ảnh; M.T)
Phá thai bằng thuốc không phải “cứ uống là... xong
BS CKII, Trần Ngọc Cường cho biết: Theo quy định, phá thai bằng thuốc chỉ thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa sản, các bệnh viện tuyến huyện trở lên và được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa sản. Đặc biệt, phá thai bằng thuốc chỉ áp dụng cho thai dưới 49 ngày tuổi ở tuyến huyện, dưới 56 ngày tuổi tuyến tỉnh và dưới 63 ngày tuyến Trung ương và nhất thiết phải uống thuốc dưới sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của bác sĩ ngay từ bệnh viện. Nhiều người tự mua thuốc về dùng hoặc phá thai tại cơ sở y tế không đủ tiêu chuẩn, không theo dõi sát bệnh nhân, thai có thể không được tống xuất hoàn toàn dẫn đến sót thai, sót nhau thai gây băng huyết, mất máu dài ngày, nguy cơ nhiễm khuẩn tử cung cao, nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên tắc của uống thuốc phá thai bằng thuốc bệnh nhân uống viên thuốc đầu tiên theo chỉ định của bác sĩ để làm tróc túi thai ra khỏi niêm mạc tử cung rồi về nhà tự theo dõi theo hướng dẫn của thầy thuốc. Sau 48 giờ, bệnh nhân trở lại cơ sở y tế uống tiếp (để đẩy thai ra) và lưu lại cơ sở y tế trong 3 giờ để theo dõi mạch, huyết áp (cứ nửa giờ một lần). Bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ về tim mạch, huyết áp với đầy đủ phương tiện cấp cứu cần thiết. Sau 14 ngày, bệnh nhân đến khám lại.
Nếu siêu âm vẫn thấy thai phát triển và tim thai vẫn đập thì bắt buộc phải phá thai bằng phương pháp khác, không được giữ thai. BS Cường cho biết thêm.
Do đó, phá thai bằng thuốc không phải “cứ uống là... xong” mà bệnh nhân cần cẩn trọng theo dõi diễn tiến quá trình ra máu, có bất kỳ dấu hiệu nào cần thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn, chỉ định.
Những người không nên phá thai bằng cách dùng thuốc
BS CK II, Trần Ngọc Cường cũng như bất kì biện pháp bỏ thai nào khác, phá thai bằng thuốc cũng không được áp dụng rộng rãi cho tất cả mọi đối tượng. Với những trường hợp có tiền sử băng huyết, người có bệnh tim mạch, gan, tiêu hóa, hen, suyễn, phản ứng thuốc, rối loạn đông máu, những phụ nữ có vết sẹo cũ ở tử cung, tử cung dị dạng, chửa ngoài dạ con, có tiền sử đã từng dị ứng với bất kỳ loại thuốc trị bệnh nào trước đó… không được áp dụng biện pháp này.
Ngoài ra phá thai bằng thuốc đòi hỏi thai phụ phải tuân thủ lịch tái khám, nhằm đảm bảo chắc chắn thai đã chết và đã được tống ra ngoài hoàn toàn, không có tình trạng sót thai hay sót nhau dẫn đến tình trạng ra máu dây dưa có thể làm thai phụ bị thiếu máu và nhiễm trùng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.