Siêu vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện
Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai luôn là khoa điều trị cho những bệnh nhân nặng, phải thở máy lâu, có bệnh nhân bị nhiễm khuẩn ngay chính tại bệnh viện. Không ít trường hợp mắc siêu vi khuẩn khi điều trị các bệnh lý khác.
Bệnh nhân Nguyễn Văn H. 40 tuổi, trú tại Hưng Yên đang hôn mê, suy đa tạng phải lọc máu hiện đại để duy trì sự sống.
Theo bác sĩ Nguyễn Công Tấn – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân H vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nguy cơ tử vong rất cao. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, bệnh nhân được điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân dần được cải thiện.
Bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai
Được biết, sau khi chích nhọt ở phần cạnh hậu môn, bệnh nhân Hưng bị sốt cao liên tục, ý thức xấu dần và suy hô hấp nên phải vào khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hưng Yên nhưng điều trị nhưng không đỡ.
Bệnh nhân Nguyễn M.H trú tại Hà Nội bị tiểu đường và đã thực hiện phẫu thuật bệnh lý ở cơ sở y tế khác. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân mắc phải siêu vi khuẩn dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, bác sĩ cũng không biết bệnh gì. Tình trạng bệnh nhân ngày càng nặng nên bác sĩ chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai.
Tại khoa Hồi sức Tích cực, bác sĩ đã tiến hành tìm nguyên nhân thì phát hiện bệnh nhân mang một vi khuẩn siêu kháng thuốc.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước khi chưa tìm ra nguyên nhân, các bác sĩ đã nghĩ tới khả năng xấu có thể siêu vi khuẩn nào đó nên chủ động đưa bệnh nhân vào phòng cách ly nghiêm ngặt ngay từ khi mới vào viện.
Trong suốt quá trình điều trị, chỉ những nhân viên y tế được phép mới có thể ra, vào phòng bệnh. Tất cả mọi trang bị phòng hộ, quần áo, găng, mũ.... sau khi vào bệnh phòng, nhân viên y tế buộc phải cởi bỏ, tiêu hủy…
Với khoa Hồi sức tích cực, việc điều trị và phòng chống lây nhiễm cho những bệnh nhân khác vô cùng phức tạp, tốn công sức và tiền của.
Các bác sĩ phải tiến hành hội chẩn nhiều lần và quyết định dùng kháng sinh phối hợp liều cao nhằm "đánh nhanh, đánh trúng" vi khuẩn. Sau 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã thoát khỏi sự nguy hiểm nhưng chi phí điều trị lớn, khoảng 300 - 400 triệu đồng".
Theo các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực, khoa gặp khá nhiều bệnh nhân kháng kháng sinh ngay khi vào viện. Chứng tỏ họ đã tiếp xúc với môi trường vi khuẩn kháng kháng sinh hoặc có tiền sử sử dụng rất nhiều loại kháng sinh, khiến vi khuẩn kháng lại kháng sinh đó.
Không có thuốc chữa
GS.TS Nguyễn Gia Bình cho biết theo nhiều nghiên cứu, Việt Nam có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Đáng nói, trước kia Việt Nam phát hiện vi khuẩn chỉ kháng một số loại thuốc nhưng nay đã xuất hiện vi khuẩn siêu kháng thuốc, tức là kháng mọi loại kháng sinh.
Đây là điều đáng lo ngại nhất là không riêng gì Bệnh viện Bạch Mai mà ở một vài bệnh viện khác cũng đã báo cáo về chủng vi khuẩn siêu kháng thuốc.
Với tình trạng như hiện nay, việc nghiên cứu phát sinh ra kháng sinh mới không kịp so với kháng thuốc. GS Bình lo ngại vấn đề không có thuốc chữa sẽ xảy ra nếu vẫn dùng thuốc kháng sinh bừa bãi cho người và chăn nuôi.
Theo PGS Nguyễn Việt Hùng – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai hiện nay các vi khuẩn kháng thuốc gặp nhiều nhất là vi khuẩn gram âm và trực khuẩn mủ xanh.
Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, tất cả các bác sĩ khi khám cho bệnh nhân đều phải nghĩ tới nhiễm khuẩn bệnh viện. Khi biết có nhiễm khuẩn bệnh viện phải phân vùng cách ly, đặc biệt là nhiễm khuẩn gram âm.
Thói quen sử dụng kháng sinh bữa bãi vô tình khiến cho các vi khuẩn đang ký sinh trên da cũng trở nên kháng thuốc, đây là cơ hội cho vi khuẩn tấn công nhất là các siêu vi khuẩn đa kháng.