Nói ngọng là tình trạng xuất hiện ở rất nhiều trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đây không phải điều bình thường như chúng ta vẫn nghĩ. Nói ngọng là hiện tượng rối loạn ngôn ngữ và có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.

Khi con lên lớp 1, chị H. (Hà Đông - Hà Nội) vẫn luôn tự tin rằng con mình ở nhà nhanh nhẹn, năng động thì chắc chắn học hành sẽ thông minh sáng dạ. Tuy nhiên, khi cô giáo trả bài về, chị bỗng tá hỏa vì con được "-1 điểm". Cả bài viết Tiếng Việt của con đỏ lòm phần sửa sai của cô giáo. Bé nhà chị H. bị nhầm lẫn phát âm giữa "L" và "N".

Chị H. tâm sự: "Từ khi đi làm lại, mình cho con về quê ở cùng ông bà nội vì 2 vợ chồng quá bận rộn. Đến khi con vào lớp 1, mình mới đón bé lên. Cứ nghĩ con ở nhà hoạt bát, thông minh thì học hành sẽ tốt. Ai ngờ một hôm cô giáo gửi bài kiểm tra Tiếng Việt của con về nhà mà mình sốc. Lúc bấy giờ mình mới nhận ra con bị ngọng, nhầm lẫn phát âm giữa "L" và "N". Tiếng địa phương ở quê chồng mình bị ngọng nhưng chẳng ai biết sửa cho nhau. Con mình sống ở quê trong một thời gian dài nên bị ảnh hưởng.

Từ lúc biết con mắc lỗi phát âm "L" và "N", vợ chồng mình đã ý thức được việc phải sớm sửa cho con học cách nói chuẩn, viết chuẩn. Mình đã nghiên cứu rất nhiều sách vở, trên Internet và cả những người có kinh nghiệm. Rất may sau 15 ngày dồn sức vào việc dạy con, vợ chồng mình đã thành công!".

Tá hỏa khi giáo viên chấm bài con " -1 điểm vì nói ngọng L-N", nhưng chỉ 15 ngày áp dụng mẹo này mẹ tự tin con phát âm chuẩn người lớn - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Cách chị H. chữa nói ngọng cho con

- Đầu tiên, cha mẹ cần giữ cho con một tinh thần thoải mái, không gây căng thẳng, gây áp lực khi con nói ngọng

Khi con nhận điểm xấu, chị H. biết con cũng rất buồn. Và chị nhận thức được rằng đây không phải là lỗi của con. Chính vì vậy, thay vì trách phạt, chị động viên con, giúp con không cảm thấy tự ti khi đến lớp nữa. Chị chỉ cho bé thấy được rằng lỗi sai này có thể sửa được. Bên cạnh đó, chị nhắc nhở những người thân trong gia đình không được cười cợt, trêu ghẹo bé mỗi khi con phát âm sai. Không những thế, chị yêu cầu mọi người không nên nhại lại câu nói ngọng đó của con. Bởi điều đó sẽ khiến bé không ý thức được rằng bé đã phát âm sai, đồng thời khiến cho việc nói ngọng của con nặng hơn.

- Xác định nguyên nhân khiến bé bị nói ngọng

Bé nhà chị H. chỉ phát âm sai "N" và "L" nên chị xác định được rằng nguyên nhân con bị ngọng là do đang rối loạn ngôn ngữ xã hội chứ không phải do sinh lý. Để chắc chắn hơn, chị đã đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra lại. Nếu con bị ngọng do sinh lý như đầy lưỡi, ngắn lưỡi... thì chị cũng sẽ biết để sớm can thiệp các biện pháp giúp con cải thiện khả năng nói của mình. Thật may, bé nhà chị H. bị ngọng là do ảnh hưởng từ người lớn mà thôi.

- Kiểm tra và sàng lọc những người con thường tiếp xúc

Sau khi xác định được nguyên nhân khiến con bị nói ngọng, chị H. tiến hành kiểm tra và sàng lọc những người quanh con mình xem có ai có thói quen này không? Cũng may mắn cho bé nhà chị H., sau khi lên Hà Nội ở với bố mẹ thì trong nhà và hàng xóm xung quanh không có ai bị ngọng cả.

15 ngày giúp con sửa lỗi nói ngọng

Chị H. khuyến khích con phát huy điểm mạnh của mình, đồng thời cho bé đến những nơi đông người, vui chơi cùng bạn bè để bé tự tin hơn. (Ảnh minh họa)

- Giúp con sửa thói quen phát âm sai

Chị H. liệt kê tất cả những từ có phụ âm đầu là "N" và "L" để hướng dẫn con tập đọc, tập viết. Bên cạnh đó, chị hướng dẫn con cách đặt lưỡi, cách lấy hơi, làm mẫu cho bé để bé có thể học theo và tập đi tập lại nhiều lần trước gương.

"Ban đầu con còn phát âm sai rất nhiều và có phần chán nản, buồn bực. Mình đã động viên con bằng cách mỗi lần con phát âm đúng và viết đúng, mình thưởng cho con một chiếc kẹo mà con thích. Khi bé viết được cả câu đúng, mình đồng ý làm theo 1 nguyện vọng của con. Đồng thời mình cũng tuyên dương con trước cả nhà để con thêm phấn khởi, và có động lực học hơn" - chị H. chia sẻ.

Trong quá trình trò chuyện với con hàng ngày, chị H. chủ động nói chậm, nhấn mạnh vào những từ con nói ngọng để bé nhớ. Chị hát hoặc đọc những câu có "L" và "N" để bé phân biệt. Không những thế, hàng ngày, chị chỉ vào những vật có phát âm phụ âm đầu là "N" và "L" để bé phân biệt. Ví dụ như chiếc lá, con lợn, nước cam, ăn no...

Để kích thích bé học, chị H. còn bày ra trò chơi đố chữ, đoán đồ vật để cả nhà cùng chơi. Những đồ vật đó kết quả cuối cùng hướng về những từ ngữ có phát âm "L" hoặc "N". Cách này chị H. còn giúp con mình tăng vốn từ vựng hơn.

Khi con đã ý thức được cách phát âm của mình, chị chủ động rủ con đi chơi, đến những nơi đông người để bé tự tin giao tiếp.

Sau 15 ngày kiên trì, tình trạng nói ngọng dẫn đến viết sai chính tả của bé nhà chị H. được cải thiện đáng kể. Hiện tại, bé đã phát âm chuẩn hơn nhiều. Cuối kì vừa rồi, con đã được 9 điểm môn Tiếng Việt. 

"Khi con được kết quả như ngày hôm nay, mình cảm thấy rất vui. Và mình biết bé cũng vui. Sửa ngọng là cả một quá trình rèn luyện không phải một chốc một lát là được. Đặc biệt, cha mẹ và người thân của bé phải kiên trì, bình tĩnh, không được nổi giận khi con sai. Bởi càng như vậy bé sẽ càng sợ hãi và áp lực" - Chị H. cho hay.

https://afamily.vn/ta-hoa-khi-giao-vien-cham-bai-con--1-diem-vi-noi-ngong-l-n-nhung-chi-15-ngay-ap-dung-meo-nay-me-tu-tin-con-phat-am-chuan-20220414111740423.chn