Nước râu ngô
Râu ngô chính là một loại thuốc hỗn hợp của nhiều vitamin và các vi chất ở dạng tự nhiên cần thiết cho cơ thể chống oxy hóa tốt hơn bất cứ một loại thuốc bổ nào.
Trong râu ngô có chứa vitamin A, vitamin K, vitamin B1, B2, B6 (pyridoxin), vitamin), vitamin C, vitamin PP, các flavonoid, acid pantothenic, isotol, các saponin, các steroid như sytosterol và sigmasterol, các chất đắng, dầu béo, tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác.
Theo Y học cổ truyền, râu ngô (bắp) và ruột bấc trong thân cây ngô có vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh thận và bàng quang trị tiểu vàng, tiểu rắt buốt, bí tiểu, viêm tiết niệu, tiểu ra máu, xuất huyết nội tạng, sạn trong gan, mật, thận, sạn niệu, bàng quang, phù thủng, làm hạ áp huyết, làm thông mật trong điều trị gan mật, sỏi mật, vàng da… Đặc biệt, râu ngô là một trong các loại thảo dược dùng để điều trị bệnh gan có hiệu quả nhất.
Bài thuốc từ râu ngô
Bệnh sỏi thận hoặc tiết niệu: Cho 10g râu ngô vào 200ml nuớc sôi, đun cách thủy 30 phút lấy nước hãm. Nước hãm, nước sắc râu ngô dùng mỗi lần từ 20-60ml trước các bữa ăn 3-4 giờ.
Chữa ho ra máu: Râu ngô 50g, đường phèn 50g, cho vào nấu canh. Mỗi ngày 1 liều, uống 2 lần sáng, tối. 5 ngày 1 liệu trình.
Trị bệnh viêm thận cấp: Mỗi ngày dùng 40-50g râu ngô sắc lấy nước uống. Có thể phối hợp thêm với các vị thuốc khác: Mạch môn, thiên môn, cỏ ngọt, tri mẫu… hiệu quả sẽ tốt hơn. Bài thuốc này cũng có tác dụng chữa viêm gan, tắc mật, vàng da, tiểu vàng, đại tiểu tiện ra máu, phù thủng, viêm thận cấp.
Nước lá vối
Theo Đông y, lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng có trong vối giúp kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, mặt khác chất tannin lại bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn cao nhưng không làm tổn hại đến những loại vi khuẩn có ích cư trú tại ống tiêu hóa
Các nhà khoa học của Viện dinh dưỡng quốc gia và Đại học phụ nữ Nhật Bản đã rút ra kết luận: Nụ vối có khả năng hạn chế tăng đường huyết sau ăn và hỗ trợ ổn định đường huyết, hỗ trợ giảm lipid máu, phòng ngừa biến chứng của đái tháo đường khi điều trị lâu dài mà được sử dụng nước nụ vối uống thường xuyên.
Vì trong nụ vối có chứa một hàm lượng polyphenol cao (tương đương 128mg catechin/gam trọng lượng khô) và hoạt chất ức chế men alpha-glucosidase nên có thể hỗ trợ phòng và điều trị chứng bệnh tiểu đường.
Trong nước lá vối có chứa một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis, chính vậy mà lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi như một loại thuốc sát khuẩn dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt hoặc lấy lá vối tươi nấu lấy nước đặc để gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.
Bài thuốc từ lá vối
Chữa lở ngứa, chốc đầu: Lấy lá vối lượng vừa đủ nấu kỹ lấy nước để tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu chữa chốc lở.
Viêm da lở ngứa: Sắc lá vối lấy nước đặc để bôi.
Trị đau bụng đi ngoài: Lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Cùng thái nhỏ phơi khô sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2 – 3 ngày.
Chữa viêm đại tràng mạn tính, đau bụng âm ỉ và thường xuyên đi phân sống: Khoảng 200g lá vối tươi, xé nhỏ, chế vào 2 lít nước sôi, ngâm trong 1 giờ để uống thay nước.
Nước mã đề
Theo Đông y, mã đề có vị ngọt, tính lạnh, tác dụng mát máu, ngừng máu cam, tiểu tắc nghẽn, làm sáng mắt, thông mồ hôi, làm sạch phong nhiệt tại gan, phổi, chữa chứng thấp nhiệt ở bàng quang, lợi tiểu tiện mà không chạy khí, khiến cường âm tích tinh.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cây mã đề đặc biệt là phần lá có tác dụng lợi tiểu, tăng thải trừ urê, acid uric và muối trong thận. Do đó, dùng mã đề làm thuốc rất có lợi cho thận và đường tiết niệu.
Bài thuốc từ mã đề
Tác dụng lợi tiểu: Uống nước sắc mã đề, lượng nước tiểu tăng, trong nước tiểu lượng ure, axit uric và muối đều tăng.
Tác dụng chữa ho: Nước sắc mã đề có tác dụng trừ đờm, tác dụng này kéo dài 6-7 giờ, mạnh nhất sau khi uống 3-6 giờ.
Chữa lỵ: Mã đề, dây mơ lông, cỏ seo gà mỗi vị 20g cho lên sắc lấy nước uống.
Chữa tiêu chảy: Mã đề tươi 1-2 nắm, rau má tươi 1 nắm, cỏ nhọ nồi tươi 1 nắm cho lên sắc lấy nước uống.
Chữa tiêu chảy mạn tính: Hạt mã đề 8g, cát căn, rau má, đẳng sâm, cam thảo dây mỗi vị 12g, cúc hoa 8g cho lên sắc lấy nước uống.
Theo Lương y Trịnh Thị Hòa, nguyên Hội Đông y Ba Vì, cần lưu ý khi sử dụng các loại nước thảo dược này với những người thể chất bệnh thuộc hàn vì dùng thường xuyên có tác dụng như các loại thuốc thanh nhiệt sẽ rất nguy hiểm, gây tiêu chảy. Khi cơ thể có đang mắc những bệnh cấp và mạn tính, cần phải được chỉ định và hướng dẫn sử dụng đúng mức. Đối với người khỏe mạnh, cũng không nên dùng liên tục hằng ngày, chỉ nên sử dụng trong một thời gian ngắn, và thay đổi thường xuyên các thành phần trong việc nấu nước mát cho gia đình. Đối với người có bệnh kèm theo, nên được tư vấn của thầy thuốc chuyên môn để sử dụng có hiệu quả. |