Với 2 dự án nghiên cứu ngôn ngữ: "Chữ Việt Nam song song 4.0" (CVNSS 4.0) và "Chữ Hình thể 4.0", tác giả Kiều Trường Lâm (Hà Nội) thường xuyên là cái tên nóng, được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội. Người ủng hộ, người phản đối kịch liệt nghiên cứu của anh. Anh Lâm cho hay, từng có rất nhiều tin nhắn phẫn nộ, thậm chí là dọa đánh,... gửi đến tài khoản Facebook cá nhân của anh mỗi ngày.
Mới đây nhất, tác giả CVNSS 4.0 cho biết, mình bị lập một nhóm anti trên mạng. Tuy nhiên điều này có vẻ không ảnh hưởng mất đến quyết tâm quảng bá chữ của anh Kiều Trường Lâm. Không chỉ vậy, tác giả CVNSS 4.0 cho hay, nghiên cứu của mình mới nhận được tin vui.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với anh để tìm hiểu về điều này:
- Nghe nói trên mạng xã hội xuất hiện một nhóm anti nghiên cứu CVNSS 4.0 và tác giả Kiều Trường Lâm. Việc này có ảnh hưởng nhiều đến anh không?
Mình hơi buồn về điều này. Thật sự 1 năm qua, mình đã cố gắng tìm đến các bạn. Mình đã nghĩ mọi cách để giải thích giá trị của bộ chữ 4.0 và chỉ mong độc giả hãy thử lắng nghe mình giải thích, dù chỉ 1 lần nhưng có vẻ rất khó.
Chữ 4.0 không phải là chữ viết để thay thế chữ Quốc ngữ. Nó chỉ là bộ chữ có thể dùng song song trong nhiều trường hợp, để giải quyết mọi hiểu lầm trong môi trường không dấu. Mục đích chữ 4.0 đều muốn hướng đến tốt đẹp.
- Tuy bị lập nhóm anti nhưng được biết anh hiện đang sở hữu Fanpage quảng bá CVNSS 4.0 có hơn 7 nghìn lượt thích?
Đúng vậy. Có 1 fanpage về Chữ Việt nhanh và CVNSS 4.0. Trang ban đầu là của tác giả Trần Tư Bình (đồng tác giả nghiên cứu CVNSS 4.0, tác giả Chữ Việt nhanh) lập ra từ lâu để quảng bá riêng Chữ Việt Nhanh và sau đó quảng bá cả CVNSS 4.0.
Hiện tại fanpage chủ yếu đăng tải các cuộc thi có thưởng về chữ mới. Trang hiện có hơn 7100 lượt like. Ban đầu, thành viên đến từ những độc giả đã tham gia các cuộc thi về Chữ Việt Nhanh do thầy Trần Tư Bình tổ chức. Đến khi CVNSS 4.0 ra đời, trang này hoạt động sôi nổi và lượt like tăng lên rất nhiều. Vậy nên mình ước tính có hàng nghìn fan hâm mộ Chữ Việt nhanh và CVNSS 4.0.
- Dự định in sách, quảng bá CVNSS 4.0 của anh tiến hành ra sao?
Về việc phát triển CVNSS 4.0, mình và thầy Bình đã có hướng đi rõ ràng. CVNSS 4.0 có thể xem như một phiên bản quốc tế giúp chúng ta đọc hiểu dễ dàng ở môi trường không dấu.
Giả sử 100% dân số Việt Nam đều dùng được CVNSS 4.0 thì chắc chắn các nhà mạng viễn thông, ngân hàng,... sẽ dùng bộ chữ 4.0 để truyền tải thông tin đến người dùng, thay vì hiện nay vẫn đang dùng chữ quốc ngữ không dấu, nhiều lúc rất khó dịch.
Chữ Quốc Ngữ thì không thể thay thế được nhưng ta có một bộ chữ không dấu giúp đọc hiểu dễ dàng, thế thì không tốt sao? Vậy nên, mình và thầy Trần Tư Bình sẽ xây dựng dự án như in vài nghìn cuốn phát miễn phí đến các bạn độc giả và gửi đến các trường đại học tham khảo, xây dựng bộ gõ CVNSS 4.0 bung ra Chữ Quốc Ngữ. Việc vận động đưa bộ chữ này vào việc giảng dạy ở các trường THPT và Đại học sẽ cần có một tiến trình lâu dài.
- Nghe nói công trình CVNSS 4.0 của anh mới nhận được tin vui. Anh có thể chia sẻ một chút thông tin được không?
Một chuyên gia CNTT đang công tác tại Viện Công Nghệ Thông tin, sau khi thử học chữ đã thốt lên rằng: "CVNSS 4.0 là phát kiến lớn nhất từ Alexandre De Rhodes". Bởi bộ chữ đã giải quyết được việc đọc hiểu trong môi trường không dấu - điều mà trước đây chưa ai làm được.
Gần đây, mình nhận được một đề nghị từ nhóm nghiên cứu muốn dùng chữ của mình để mã hóa trong blockchain. Nhóm nghiên cứu đã mời mình vào TPHCM để thực hiện dự án. Hiện nay dự án đang bắt đầu thực hiện và sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.
Cảm ơn chia sẻ của anh!