Thời gian trước đây, cái tên Kiều Trường Lâm từng gây bão mạng bởi 2 công trình nghiên cứu chữ viết là "Công trình chữ VN song song 4.0" - đã được cấp bản quyền vào ngày 25/3 và công trình "Chữ viết bảo mật thời 4.0".

Cả hai công trình sau khi được công bố đều thu hút sự chú ý lớn của dư luận và nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Người phản đối, người ủng hộ với nhiều quan điểm khác nhau. Bẵng đi một thời gian thì mới đây, tác giả Kiều Trường Lâm đã có những chia sẻ cụ thể nhất về "Chữ viết bảo mật thời 4.0" - một công trình do anh nghiên cứu độc lập và mất 10 năm để hoàn thành.

- Chào anh Kiều Trường Lâm! Anh bắt đầu nghiên cứu "Chữ viết bảo mật thời 4.0" từ thời điểm nào. Anh có gặp khó khăn gì trong quá trình nghiên cứu và có tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia ngôn ngữ nào không?

Mình bắt nghiên cứu chữ mới từ tháng 10/2001 và hoàn thành vào tháng 11/2011. Thời điểm đó mình đang tự học và nghiên cứu tiếng Hàn Quốc và thấy Tiếng Hàn có cấu trúc rất hay. Sau đó mình nảy sinh ra chủ ý sáng tạo cho Tiếng Việt một chữ viết mới. Từ đó, mình bắt đầu tự vẽ ra chữ mới áp dụng cho Tiếng Việt, sử dụng nhiều kiến thức hình học không gian để tự vẽ, tự thiết kế, tính toán từng góc cạnh để cho ra một bộ chữ viết mới. 

Tác giả Kiều Trường Lâm tiết lộ: Có người trả 200 triệu cho "Chữ viết bảo mật" mà tôi không bán, muốn tặng lại cho chính phủ - Ảnh 2.

Những chữ viết bảo mật được tác giả chia sẻ.

Trong quá trình nghiên cứu thì khó khăn nhất đối với mình là làm sao thiết kế được chữ viết phải đọc được ở 4 công đoạn: Đọc thầm, đọc thành tiếng, đọc trong nháy mắt và đọc liên tiếp trong văn bản. Cũng có lúc mình gặp bế tắc khi chữ này có thể hợp nhưng ghép với chữ khác thì lại không hợp nên nhiều chữ mình phải bỏ để thiết kế lại. 

Đến khi mình áp dụng kiến thức hình học không gian và toán học giải tích để vẽ chữ và tính toán âm vị biểu môi thì sự sáng tạo của mình đã bắt đầu suôn sẻ. Trong quá trình sáng tạo thì trong các năm học lớp 11, 12 mình đã từng nhiều lần gửi đến Viện Ngôn Ngữ Việt Nam để tham khảo nhưng không được hồi âm.

- Nếu so với CVNSS 4.0, "chữ viết bảo mật thời 4.0" của anh có những ưu nhược điểm gì khác biệt?

So với CVNSS4.0 thì chữ bảo mật có độ khó cao hơn. Đó là chữ viết được thiết kế mới khi chữ không có sẵn trên máy tính hay trên điện thoại. Mình phải thiết kế làm sao có tính thẩm mỹ, đọc được và cơ bản nhất thiết kế tính âm vị của biểu môi, giúp não có thể nhận biết chữ mới đọc được trong tích tắc. 

Độ khó nữa là mình phải thiết kế, sự phân chia các chữ làm sao để tránh không bị xung khắc vì nếu bị xung khắc việc đọc văn bản và nhận biết từ vựng trong câu sẽ gặp khó khăn. Còn nữa phải thiết kế làm sao chữ nằm trong một ô vuông phải đạt tiêu chí là chữ vừa vặn cân xứng ở mọi góc cạnh và đặc biệt trong không gian 3D chữ thể hiện thanh thoát, uyển chuyển và sống động. 

Chính vì thế thoạt nhìn 99% các bạn độc giả đã nhầm tưởng là chữ Hàn Quốc mà chữ Hàn Quốc là một trong những chữ viết có tính thẩm được cả thế giới công nhận.

Về ưu điểm thì chữ bảo mật được dân thiết kế đánh giá cao. Vì có thể ứng dụng trong các lĩnh vực: Bảo mật, trang trí và thiết kế. Dân thiết kế nói chữ bảo mật có giá trị quảng cáo. Khi bán hàng sẽ thu hút người mua hàng hơn bởi họ nhìn thấy một chữ viết đẹp tựa như nhìn như một bức tranh. Về phần nhược điểm, mình nghĩ vì đây là chữ viết mới. Nếu muốn học, bạn sẽ phải học lại hoàn toàn từ đầu.

- Anh có thể chia sẻ về quy tắc viết của "Chữ bảo mật thời 4.0" không?

Quy tắc viết của chữ mới này thì hiện mình chưa thể tiết lộ. Hiện tại chữ mới của mình được dân thiết kế rất quan tâm và ngỏ lời muốn mua ý tưởng với giá 200 triệu đồng nhưng mình từ chối bán. Bởi mình muốn dành tặng chữ viết này cho Chính phủ.

Tác giả Kiều Trường Lâm tiết lộ: Có người trả 200 triệu cho "Chữ viết bảo mật" mà không bán, khao khát tặng lại cho chính phủ - Ảnh 4.

Anh định thực hiện ý tưởng tặng "Chữ bảo mật thời 4.0" cho chính phủ như nào?

Như đã nói, chữ mới này vừa có giá trị bảo mật, vừa có thể giá trị thiết kế và trang trí. Từ lòng yêu nước của một người dân Việt, mình muốn tặng lại bộ chữ cho chính phủ để có thể dùng trong các lĩnh vực như: an ninh, quốc phòng, lưu trữ những thông tin tối mật quốc gia, trao đổi thông tin nội bộ chính phủ,...

Nếu chính phủ có ý định muốn tìm hiểu để nhận bộ chữ thì mình mong được tiếp xúc với đại diện chính phủ để trình bày quy tắc, giá trị bảo mật của bộ chữ. Nó không phải là các mật mã. Nó cũng không là sự thay các chữ cái của chữ Quốc ngữ bằng các ký tự khác. Nó có hệ thống liên quan móc xích với nhau và cấu trúc khác hẳn với cấu trúc của chữ Quốc ngữ.

Nếu chính phủ không muốn nhận bộ chữ thì mình sẽ công bố ra cộng đồng để công chúng dùng miễn phí.

- Cảm ơn chia sẻ của anh...