Đó là trường hợp chị N.T.V. (35 tuổi, Việt kiều sống tại Singapore). Theo bệnh sử, khoảng 10 năm trước chị đến một cơ sở làm đẹp ở Hồng Kông để làm đẹp bằng phương pháp bơm “ mỡ nhân tạo” vào hai bên ngực.
Sau 5 năm hài lòng với bầu ngực căng tròn, sự cố bắt đầu xảy ra với người bệnh. Cả hai bên ngực có dấu hiệu đau, căng cứng, bên to, bên nhỏ, bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc giảm đau. Sau nhiều năm những cơn đau ngày càng dữ dội, dai dẳng, bệnh nhân đã quyết định về Việt Nam cầu cứu bác sĩ.
Qua thăm khám, BS Tú Dung cho biết, vòng 1 của bệnh nhân bị co thắt bao xơ nghiêm trọng, căng cứng như hóa thạch . Loại “mỡ nhân tạo” được bơm vào cơ thể người bệnh nghi ngờ là silicone lỏng đã bị thế giới cấm từ lâu.
“Trên hình ảnh MRI chúng tôi tá hỏa vì vòng 1 bệnh nhân “phát sáng” bởi chất lạ đặc nghẹt bên trong khoang ngực, chiếm gần như toàn bộ thể tích của bầu ngực, mô tuyến ngực còn rất ít, chất lạ được bao bọc bởi một lớp bao xơ dày, dự đoán dung dịch được bơm vào mỗi bên ngực trước khoảng hơn 500cc” – BS Tú Dung cho biết.
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật cho người bệnh. Ê kíp đã hút ra khoảng 2 lít dung dịch bốc mùi hôi thối, nạo bỏ toàn bộ “chất lạ” từ hai bên ngực, đồng thời cắt bao xơ và tái tạo lại bầu ngực cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh đang dần bình phục.
Các bác sĩ cho biết, thời gian qua nhiều trường hợp biến chứng sau khi tiêm “mỡ nhân tạo” để làm đẹp đã phải nhập viện. Bác sĩ cảnh báo, trong y khoa hoàn toàn không tồn tại khái niệm mỡ nhân tạo, đây chỉ là một hình thức đánh tráo câu từ để lừa gạt khách hàng. Dung dịch được sử dụng có thể là silicone lỏng đã bị cấm trên toàn thế giới.
Để bảo vệ sức khỏe và duy trì sắc đẹp một cách an toàn, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng khi đi làm đẹp cần chọn cơ sở uy tín được Bộ Y tế cấp phép. Người dân cảnh giác với hợp chất không rõ nguồn gốc, kiểm tra chuyên môn của người thực hiện có phải bác sĩ chính quy hay không trước khi quyết định thực hiện kỹ thuật làm đẹp.