Tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng qua tranh vẽ - Ảnh 1.

Triển lãm "Đường lên Điện Biên" mở cửa từ 26/4 đến 15/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Triển lãm giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng. (Trong ảnh là tác phẩm "Điện Biên năm ấy" trên chất liệu sơn mài của hoạ sĩ Cao Trọng Thiềm, sáng tác năm 1994 với kích thước 97 x 131,5 cm).

Tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng qua tranh vẽ - Ảnh 2.

Triển lãm mang đến nhiều cảm xúc hào hùng đối với người xem thông qua các đề tài phản ánh, từ tấm gương những anh hùng chiến đấu hy sinh, công tác hậu cần cho chiến dịch, tình cảm quân dân khăng khít... (Ảnh chụp tác phẩm "Đường lên Điện Biên" được tác giả Trần Khánh Chương sáng tác năm 2005 trên chất liệu sơn mài).

Tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng qua tranh vẽ - Ảnh 3.

Tác phẩm sơn dầu khắc hoạ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già dân tộc lội suối đi công tác.

Tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng qua tranh vẽ - Ảnh 4.

Tác phẩm "Kéo pháo Điện Biên" được tác giả Trần Đình Thọ sáng tác năm 1994 trên chất liệu sơn mài. Bức tranh có kích thước 91 x 63 cm.

Tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng qua tranh vẽ - Ảnh 5.

Sự hỗ trợ, đóng góp công sức của hàng nghìn dân công qua tác phẩm tranh lụa "Việt Bắc" của tác giả Đào Đức sáng tác năm 1954.

Tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng qua tranh vẽ - Ảnh 6.

Hình ảnh đoàn dân công phục vụ kháng chiến trong tác phẩm "Tiếng hát màu dịch" của Mai Văn Hiến. Tranh được sáng tác năm 1994 trên chất liệu sơn dầu.

Tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng qua tranh vẽ - Ảnh 7.

Tranh sơn dầu tái hiện cuộc sống và sinh hoạt của quân và dân trong vùng kháng chiến qua tác phẩm "Giặc đốt làng tôi" của tác giả Nguyễn Sáng, sáng tác năm 1954.

Tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng qua tranh vẽ - Ảnh 8.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng cao đẹp về ý chí quật cường, những tấm gương hy sinh thân mình vì chiến thắng của dân tộc. Đó là những chiến sĩ anh hùng quên mình trong chiến trận, được các tác giả thể hiện với lòng biết ơn và cảm phục như Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn... (Tác phẩm "Tô Vĩnh Diện chèn pháo" của tác giả Dương Hướng Minh với chất liệu sơn mài, sáng tác năm 1960. Kích thước 145 x 116 cm).

Tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng qua tranh vẽ - Ảnh 9.

Bức tranh chì "Bộ đội nghỉ trong hang" của tác giả Tô Ngọc Vân, sáng tác năm 1951.

Tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng qua tranh vẽ - Ảnh 10.

Ngoài hình thức trưng bày trực tiếp, 70 bức vẽ được áp dụng công nghệ cinemagraph, mang cách tiếp cận mới, hấp dẫn công chúng. Đến với triển lãm, công chúng có cơ hội tìm hiểu về lịch sử dưới góc nhìn nghệ thuật, qua những kí hoạ chân thực.

Tại buổi khai mạc triển lãm, tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “ Triển lãm Đường lên Điện Biên là dịp để giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng, về tinh thần của sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ tới các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ””.

Triển lãm mở cửa từ 26/4 đến hết 15/5 tại tầng 1 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.