Đó là trường hợp của bé L.N.P. (4 tuổi, quê Bình Dương) vừa được Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận.
Bác sĩ Nguyễn Hiền, phòng Chỉ đạo tuyến của bệnh viện cho biết, thời điểm nhập viện bé được ghi nhận có sốt, đau bụng nhiều, khám bụng đề kháng.
Theo lời kể từ gia đình, cách nhập viện 1 ngày bé chơi với anh trai 16 tuổi, bị anh trai ném lon bia vào bụng. Người nhà thấy chỉ có vết bầm ngoài da nên chủ quan chưa đưa bé đến bệnh viện ngay.
Bụng bé chỉ có vết bầm nên gia đình chủ quan.
Tuy nhiên bụng bé đau càng lúc càng tăng dần, bắt đầu có biểu hiện sốt. Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh sau đó được chuyển viện đến tuyến trên.
Với tình trạng nguy cấp, em được phẫu thuật khẩn cấp ngay trong đêm. Ghi nhận lúc phẫu thuật ổ bụng bé có nhiều dịch đục lợn cợn thoát ra từ ruột, trên đoạn giữa ruột non có 1 lỗ vỡ gần 2 cm làm dịch trong ruột, phân xì vào ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể.
Ảnh chụp X-quang ổ bụng bé và kết quả phẫu thuật cho thấy ruột bệnh nhi bị vỡ.
Bác sĩ phẫu thuật tiến hành khâu lại đoạn ruột vỡ, rửa sạch ổ bụng, đặt ống dẫn lưu. Hiện tình trạng em đã ổn định.
Thống kê cho thấy tại bệnh viện Nhi Đồng 2 hay gặp những trường hợp chấn thương bụng kín ở trẻ em. Tuy nhiên đa số trường hợp là chấn thương tạng đặc như gan, thận, lách, tuỵ…
Các bác sĩ cảnh báo phụ huynh cần lưu ý đối với trẻ em khi gặp chấn thương, đặc biệt các chấn thương vùng đầu, ngực, bụng không chỉ đánh giá tổn thương bên ngoài mà phải đến bệnh viện để được kiểm tra, đánh giá các cơ quan bên trong để tránh bỏ sót các thương tổn nguy hiểm.