Lúc 3 giờ 41 phút sáng 14-2, tại ngã tư giao nhau giữa đường Võ Chí Công và đường hậu cần Cảng Tam Hiệp (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), ôtô khách 16 chỗ do ông Phạm Đức Hậu (trú TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển chở theo 20 người đã va chạm mạnh với xe đầu kéo do ông Trần Minh Nhật (trú huyện Núi Thành) điều khiển.
Vụ tai nạn khiến tài xế Hậu và 8 người trên xe khách tử vong; 12 người khác bị thương, trong đó có 3 người bị thương nặng.
Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng
Theo đại diện Công an huyện Núi Thành, khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, công an đã hoàn tất khám nghiệm, giải phóng hiện trường nơi xảy ra tai nạn. Công an huyện vẫn đang tiếp tục điều tra, chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân tai nạn.
Theo vị này, lúc xảy ra tai nạn trời tối, có sương mù, tầm nhìn hạn chế. Dù tuyến đường chưa đưa vào khai thác chính thức nhưng từ thời điểm thông xe kỹ thuật năm 2020 đến nay, rất nhiều phương tiện đã tham gia giao thông.
Trưa cùng ngày, sau khi kiểm tra tại hiện trường và vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam thăm hỏi các hành khách bị thương, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam.
Tại buổi làm việc, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, cho biết tuyến đường Võ Chí Công đang trong quá trình thi công, chưa bàn giao cho sở quản lý. Tuyến đường hậu cần Cảng Tam Hiệp (xe container lưu thông) hiện do Ban Quản lý các Khu Kinh tế và KCN tỉnh quản lý.
Ông Khuất Việt Hùng thông tin theo dữ liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam, vụ tai nạn xảy ra lúc 3 giờ 41 phút. Tốc độ xe khách lúc 3 giờ 40 phút là 69 km/giờ, trước đó 10 giây tốc độ là 73 km/giờ. Tốc độ xe đầu kéo lúc 3 giờ 41 phút là 30 km/giờ, trước đó 10 giây là 48 km/giờ.
Theo ông Hùng, tuyến đường Võ Chí Công có biển báo cấm xe khách, xe tải, hạn chế tốc độ 60 km/giờ nhưng thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách lưu thông với tốc độ như đã nêu trên thì cũng có thể đưa ra đánh giá ban đầu. Ông Hùng đề nghị các cơ quan chức năng xác minh trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng của cả 2 tuyến đường; điều tra trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải.
"Nếu đã cấm các phương tiện thì phải làm nghiêm, không để phương tiện lưu hành trên tuyến. Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, mức độ thương vong lớn. Cần điều tra, xử lý nghiêm để cảnh báo, điều chỉnh, mọi người nhìn vào đây để thay đổi, cả những người thực thi pháp luật, chủ xe, lái xe…" - ông Hùng nhấn mạnh.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông kinh hoàng khiến 9 người tử vong Ảnh: Trần Thường
Nhiều người trong gia đình gặp nạn
Sau khi thông tin về vụ tai nạn giao thông được báo về, không khí tang thương bao phủ khắp những xóm nhỏ ở các xã tại TP Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Những chiếc xe cứu thương chở thi thể người xấu số hú còi len lỏi về các vùng quê. Phần lớn 9 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn là nông dân, có hoàn cảnh khó khăn.
Trong căn nhà nằm cạnh đường liên xã, 3 đứa con cùng người vợ của tài xế Hậu vẫn không tin ông đã tử vong. Cả 3 mẹ con ôm nhau khóc nức nở khiến người chứng kiến không cầm được nước mắt.
Ông Phạm Tuấn Anh, cha tài xế Hậu, cho biết anh chạy xe dịch vụ đưa đón khách từ Quảng Ngãi đi Đà Nẵng khám bệnh đã trên 10 năm nay, trừ ngày cuối tuần.
"Khoảng 2-3 giờ sáng, Hậu bắt đầu đón khách chở ra các bệnh viện ở Đà Nẵng cho họ khám, đến chiều đón về. Hơn 10 năm nay, rất nhiều khách quen gọi điện để đến đón đi… Không ngờ đây là chuyến cuối cùng của nó" - ông Anh nghẹn ngào.
Trong số 9 nạn nhân tử vong, nhiều trường hợp là mẹ con ruột, như bà Lê Thị Xã (52 tuổi) và con gái Phạm Thị Lan Anh (25 tuổi), cùng ngụ xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi; bà Trần Thị Máy (55 tuổi) và con trai Nguyễn Trần Hữu Trung (24 tuổi), ngụ tại xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa.
Đứng bên thi thể vợ và con trai, ông Nguyễn Luận, chồng bà Trần Thị Máy, nức nở: "Hai vợ chồng bao năm cày ruộng, dành dụm ít tiền nên sáng nay đưa đứa con trai duy nhất đi phẫu thuật dây chằng đầu gối. Bà ấy bảo tôi ở nhà để bà đưa nó đi, ra có người lo cho ăn uống. Vậy mà cả hai mẹ con đi luôn, bỏ tôi một mình".
Cùng chung cảnh mất cả vợ con, ông Phạm Lâm, chồng bà Lê Thị Xã, kể khi nghe tin vợ con gặp tai nạn, ông không tin đó là sự thật.
"Lúc nhiều người gọi về báo, tôi chết điếng. Đêm qua, con tôi còn dặn dò tôi ngày mai là lễ tình nhân, ba phải mua quà tặng mẹ... Vậy mà giờ này, cả hai mẹ con nó đều bỏ tôi" - ông Lâm đau xót.
Xem xét trách nhiệm chủ phương tiện gây tai nạn
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh huy động mọi phương tiện, nhân lực để cứu nạn; bố trí điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa những nạn nhân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân bị thương, tử vong. Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Nam khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi chở quá số người quy định, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải khi để xảy ra vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu Sở GTVT tỉnh Quảng Nam và sở GTVT các địa phương kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải trên đường bộ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm; đặc biệt xem xét trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (chủ phương tiện) gây tai nạn nêu trên.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
V.Duẩn