T. Harv Eker là một là một doanh nhân, diễn giả tài năng với lý thuyết của ông về sự giàu có và động lực. Ông là tác giả của cuốn sách "Secrets of the Millionaire Mind" - Bí Mật Tư Duy Triệu Phú được tái bản nhiều lần tại Việt Nam. T. Harv Eker lớn lên ở Toronto.
Tuổi thơ nghèo khổ, Eker đã phải kiếm sống bằng nhiều việc như đi giao báo, bán kem, bán hàng ở các hội chợ, bán kem chống nắng ở bãi biển khi mới 13 tuổi. Đôi khi, ông hỏi xin tiền bố nhưng chẳng bao giờ nhận được. Sau khi tốt nghiệp trung học ông học 1 năm tại Đại học New York sau đó bỏ giữa chừng. Ông làm rất nhiều công việc khác nhau với hơn mười hai ngành nghề. Là một người thông minh và đầy tham vọng, mục tiêu của Eker là thành công với chính công ty mình lập ra và trở thành triệu phú...
Trong cuốn sách của mình, ông chỉ ra rằng mọi người đều có năng lực để trở thành người mà bản thân mong muốn. Và rằng ai cũng có thể trở nên giàu có. Thế nhưng tại sao hiện nay 80% tài sản của thế giới lại chỉ tập trung vào 20% dân số toàn cầu. Rất nhiều người bị giới hạn bởi suy nghĩ của bản thân, điều đó có nghĩa là trong não chúng ta chưa bao giờ hình thành "bản đồ để đến đích giàu có".
Tư duy "giàu có là không tốt"
Bạn có thấy những câu này rất quen không: "Những người giàu thường rất tham lam"; "Tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi"; "Nếu con người có tiền, họ sẽ trở nên tồi tệ hơn"; "Nó quá đắt, chúng ta không thể mua nổi". Dường như, có một bộ phận xã hội luôn có thái độ tiêu cực với tiền bạc và người giàu.
Giờ nói tới một chuyện có vẻ... không liên quan. Trong cuộc đời, có một ngày nào đó bạn bỗng thấy vận xui liên tục tới: ra ngoài quên ví, nấu cơm đụng lửa, đi đường gặp trục trặc... Có thể ngạc nhiên nhưng bạn cần làm quen với một sự thật không vui là: Vũ trụ luôn chống lại con người. TIỀN - năng lượng cũng tương tự vậy. T. Harv Eker cho rằng, nếu bạn luôn khẳng định rằng mình chẳng quan tâm tới sự giàu có thì sự giàu có tự nhiên sẽ loại trừ bạn.
Hầu hết thái độ của một đứa trẻ với thế giới đều xuất phát từ cha mẹ, trường học và ngoài xã hội. Ngày nay, thay vì chỉ tập trung phát triển IQ cho trẻ như trước đây, ngày càng có nhiều bậc cha mẹ chú trọng trau dồi cân đối cả tư duy lẫn trí tuệ cảm xúc. Tuy nhiên rất ít người chú trọng đến giáo dục tài chính, thậm chí là ở trường học, điều này dường như bị quên lãng.
Nhiều bậc phụ huynh vì muốn con có một tinh thần cao thượng, luôn dạy rằng "Tiền không quan trọng". Thế nhưng chẳng bố mẹ nào mong muốn sau này con cái trở nên nghèo khó. Nuôi dưỡng một đứa con giàu có về mặt tinh thần chẳng có gì sai, nhưng muốn giàu có tinh thần cũng cần phải dựa vào vật chất. "Chuyện cơm áo không đùa với khách thơ" là vậy.
Giáo dục tài chính kinh doanh cho con ra sao?
T. Harv Eker cho rằng giáo dục tài chính kinh doanh rất quan trọng, được thực hiện theo từng bước. Ở mỗi độ tuổi trẻ em có cách tiếp nhận khác nhau về sự giàu có. Điều này cũng có nghĩa khi tiến hành dạy con, mỗi độ tuổi sẽ có nội dung trọng tâm khác nhau.
3 tuổi: Nhận biết giá trị của tiền tệ.
5 tuổi: Giúp trẻ hiểu được lao động là được trả bằng tiền đồng thời yêu cầu trẻ giúp đỡ những công việc trong gia đình.
6 tuổi: Cho trẻ học cách đếm số tiền lớn và học cách tiết kiệm tiền.
7 tuổi: Xem tỷ giá và quy đổi với tiền trẻ đang sở hữu.
8 tuổi: Dạy trẻ cách mở tài khoản ngân hàng để tiết kiệm tiền và có thể tiết kiệm tiền cho mình.
9 tuổi: Trẻ có thể tự lên kế hoạch kiếm tiền và mặc cả với người thuê mình.
10 tuổi: Biết cách tiết kiệm tiền và mua những mặt hàng có giá trị cao.
11 tuổi: Học cách đánh giá các quảng cáo thương mại. Tìm được hàng hóa giá rẻ, có chất lượng tốt và hiểu được khái niệm hàng giảm giá.
12 tuổi: Biết trân trọng đồng tiền và luôn có ý thức tiết kiệm.
Sau 12 tuổi: Có thể tham gia đầy đủ các hoạt động thương mại, quản lý tài chính, giao dịch và các hoạt động khác trong xã hội mình đang sống.
Theo T. Harv Eker, sau khi làm rõ tầm quan trọng của sự giàu có, cần phải có những bài học thiết thực, cụ thể để trẻ hiểu được rõ kinh doanh tài chính. Ví dụ như về mặt tiêu dùng, trẻ em nên được dạy cách sử dụng tiền và sau đó dạy trẻ cách kiếm tiền.
Một phương pháp giáo dục tài chính hợp lý là không để trẻ em tiết kiệm tiền bằng mọi cách. Cũng đừng dạy trẻ em rằng tiêu tiền là xấu. Hãy cho trẻ một không gian để khám phá nhằm tạo ra thói quen tiêu dùng thông minh qua các bài học thực tiễn.