Ngủ đủ 8 tiếng để có buổi sáng tràn đầy năng lượng giúp làm việc hiệu quả hơn là một trong những lời khuyên kinh điển của hội văn phòng công sở.
Tuy nhiên, có một sự thật tréo ngoe rằng, rất nhiều người làm thực hành theo lời khuyên ấy nhưng mỗi buổi sáng thức dậy vẫn mệt mỏi rã rời, đến công ty cứ gà gật chẳng thể tập trung.
Lý do của vấn đề này nằm ở việc mọi người chưa tìm hiểu rõ về hoạt động ngủ của cơ thể người.
4 bước trong 1 chu kỳ ngủ
Quỹ Quốc gia về Giấc ngủ tại Mỹ cho biết, khi ngủ, não và cơ thể của chúng ta trải qua nhiều chu kỳ mà mỗi chu kỳ lại diễn biến theo 4 bước khác nhau, bao gồm:
N1: Đây là bước chuyển hóa giữa trạng thái tỉnh và trạng thái rơi vào giấc ngủ với thời gian ngắn ngủi tầm 5 - 10 phút.
N2: Trót lọt đi qua bước đầu tiên, bạn sẽ chìm vào giấc ngủ và đây chính là giai đoạn N2. Giai đoạn này cơ thể bạn sẽ bắt đầu hạ thân nhiệt, nhận thức về môi trường xung quanh dần mất đi, nhịp thở và nhịp tim đều hơn. N2 thường mất khoảng 20 phút.
N3: Là giai đoạn chuyển tiếp giữa ngủ nông và ngủ sâu. Nếu N2 chỉ dẫn bạn vào giấc ngủ chập chờn, thì sang N3 bạn gần như mất hoàn toàn nhận thức về môi trường xung quanh, không còn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Lúc này, cơ thể bạn sẽ bắt đầu phục hồi, tái tạo và chữa lành.
REM: Giai đoạn cuối cùng của giấc ngủ chính là thời điểm não bộ của bạn hoạt động mạnh nhất, hình thành nên các giấc mơ.
Trung bình, một chu kỳ với 4 bước trên sẽ diễn ra trong khoảng 90 phút và như đã nói một giấc ngủ sẽ trải qua nhiều chu kỳ tương tự như trên, tùy vào thể lý và nhu cầu của mỗi người.
Vậy tại sao ngủ 8 tiếng thức dậy vẫn thấy mệt?
Thời điểm thức dậy tốt nhất là vào cuối chu kỳ, tức là khi kết thúc giai đoạn REM, đáng tiếc nếu ngủ đủ 8 tiếng và thức dậy, bạn sẽ làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ thứ 6.
Nói cho dễ hiểu chúng ta cùng làm toán một chút nhé: Mỗi chu kỳ là 90 phút vậy ngủ 8 tiếng (480 phút) bạn sẽ hoàn thành được 5 chu kỳ (450 phút) và dư ra 30 phút đang lơ lửng ở bước nào đó trong chu kỳ thứ 6.
Thức dậy vào thời điểm này sẽ làm gián đoạn chu kỳ, không đạt tới “thời điểm thích hợp” (giai đoạn REM) sẽ khiến bạn vô cùng mệt mỏi.
Vì vậy, hãy khắc phục ngay bằng cách tính toán thời gian hợp lý hơn cho giấc ngủ để có thời điểm thức dậy hoàn hảo nhất. Thay vì ngủ 8 tiếng bạn chỉ nên ngủ 7,5 tiếng thôi (trọn vẹn 5 chu kỳ), hoặc 9 tiếng (trọn vẹn 6 chu kỳ).
Thực chất, ngủ mấy tiếng mới là hợp lý vẫn tùy thuộc vào nhu cầu và thể trạng của mỗi cá nhân.
Lời khuyên ở đây cốt yếu vẫn là chỉ ra chính xác thời điểm thức dậy hoàn hảo cho giấc ngủ của bạn. Tất nhiên rồi, là cuối giai đoạn REM!