Tự do tài chính là một cột mốc quan trọng đánh dấu cho tự do về mặt tiền bạc của mỗi người, khi đã đạt được cột mốc này rồi thì đó là lúc chúng ta có thể thoải mái sống và không cần lo việc kiếm tiền nữa. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi sau tự do tài chính thì sẽ là gì không? Kế hoạch nào cho mỗi người và hơn hết là làm sao để mãi giữ gìn và duy trì được trạng thái tự do tài chính?

Có nhiều người sau khi có được tự do tài chính rồi thì rất hào hứng với những kế hoạch sắp tới, vì họ đã có thể làm những công việc mình thích mà không cần đặt nặng vấn đề tài chính. Nhưng cũng có người đạt tự do tài chính ở tuổi 40, bỏ hết công việc và về nghỉ ngơi, nhưng rồi họ cũng dần cảm thấy buồn chán và có chút hối hận về quyết định của mình. Con người ta cần những mục tiêu khác nhau ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, để cảm nhận được rõ ràng rằng mình đang “sống”. Vậy vấn đề ở đây là bạn cần có một mục tiêu cụ thể, một kế hoạch rõ ràng rằng bạn sẽ làm gì sau khi có được tự do tài chính, cần phải giải quyết câu hỏi “Tự do tài chính để làm gì tiếp theo?”.

Hãy cùng giải quyết “bài toán khó” này trong chương trình MONEYTalk số 49 với chủ đề “Tự do tài chính, rồi sao nữa?” với host Dương Ngọc Trinh và các khách mời: anh Hans Nguyễn - Quản lý cấp cao Đào tạo kênh phân phối, Dragon Capital Việt Nam và chị Trần Thu Hương - Giám đốc chiến lược kiêm Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB. 

Trong chương trình, chị Trần Thu Hương đã chia sẻ quan điểm của bản thân trong câu chuyện tăng trưởng tài sản để đạt được tự do tài chính bền vững. “Đối với mình, tài sản đầu tư phải lớn và tăng trưởng nhanh hơn tài sản cố định. Tài sản cố định đôi lúc có thể trở thành tiêu sản chẳng hạn như nhà, xe, những cái mình tích luỹ được nhưng không thể tăng trưởng theo thời gian. Còn tài sản đầu tư sẽ tăng trưởng theo thời gian. Ví dụ mình, đặt ra là 3, 5, 10 năm, tài sản cố định tăng 20% thì tài sản đầu tư phải tăng 30%”.

Tại sao đạt được tự do tài chính rồi không nghỉ hưu sớm mà vẫn nên tiếp tục làm việc? - Ảnh 1.

Chị Trần Thu Hương

Theo chị Thu Hương, lối sống này sẽ giúp bản thân không chi tiêu quá tay, tập trung vào những điều tạo ra giá trị lâu dài. Ví dụ, nếu con số lợi nhuận đảo ngược giữa 2 loại tài sản, như vậy mỗi người rất dễ sa đà tiêu vào tiêu sản, đồng tiền bền vững không thể lớn mạnh theo thời gian. Mỗi người cần phải học thêm, tiếp xúc thêm với những người có kinh nghiệm mới có khả năng giúp tài sản đầu tư phát triển. 

Bên cạnh đó, chị Thu Hường cũng nhấn mạnh rằng 3, 5 năm đầu tiên, 2 loại tài sản này sẽ không chênh lệch nhiều. Song, theo thời gian, độ chênh lệch trở nên rất lớn, bởi vì những gì có thể tiền đẻ ra tiền thường lúc đầu không nhanh. “Ban đầu, mình nghĩ bản thân giàu chậm, nhưng không phải, nếu thêm 1 thời gian nữa, mình có thể giàu rất nhanh”. 

Ngoài ra, có một khán giả đã hỏi rằng tại sao khi đạt được tự do tài chính, chúng ta vẫn phải làm việc. Trong câu chuyện này, anh Hans Nguyễn chia sẻ: “Khi đạt được tự do tài chính, mình được phép chọn làm những điều bản thân thích. Song, mình cũng phải duy trì tự do tài chính, mình phải làm việc, chăm sóc để nó kéo dài. Ai cũng muốn vừa sống lâu khoảng 70-80 tuổi, vừa giàu bền, nghỉ hưu sớm. Chẳng hạn nghỉ hưu từ 50 đến 80 tuổi, mình sẽ phải duy trì 30 năm phải làm sao để đảm bảo mình vẫn có thể tự do. Đó là lý do chúng ta vẫn phải tiếp tục làm việc”. 

Tại sao đạt được tự do tài chính rồi không nghỉ hưu sớm mà vẫn nên tiếp tục làm việc? - Ảnh 2.

Anh Hans Nguyễn

Kết thúc phần bình luận, host Ngọc Trinh nhấn mạnh: Hành trình tự do tài chính là hành trình thay đổi nhận thức về tài chính nói chung. Vì vậy, mỗi người cần phải nhận thức tính chất và coi tiền như là một người bạn đồng hành để thực hiện được những mong muốn của bản thân mà không cần phải băn khoăn, vướng bận, và cũng không nên áp lực kiếm tiền dẫn đến sự thiếu hụt quan tâm đến bản thân và gia đình mình. Và biết thế nào là đủ, duy trì và bảo vệ chữ đủ cũng là yếu tố quan trọng. 

Ảnh: Moneytalk