“Vượt qua đại nạn ắt có hậu phúc”. Câu này ai cũng biết, nhưng bạn có bao giờ tự hỏi vì sao lại như vậy chưa?
Con người ta sẽ được sống hạnh phúc sau khi trải qua nhiều gian khổ sao? Câu nói khiến người ta nửa tin nửa ngờ, nhưng nó đã xuất hiện từ thời xa xưa. Bản thân chúng ta luôn tin rằng dù khó khăn đến mấy, nhưng chỉ cần kiên trì đến cùng thì mọi thứ sẽ ổn.
1. Kinh qua nhiều gian nan mới thành anh hùng, sống trong nhung lụa ít có vĩ nhân
Người xưa có câu: “Anh hùng xuất thiếu niên”.
Người có thể trở nên tài năng xuất chúng thường trải qua không ít khó khăn ngay từ thời trẻ. Bắt đầu từ chông gai, vượt qua thử thách, sau đó mới gặt hái thành công và hưởng phúc lành cuộc đời. Ngược lại, người trẻ ăn không ngồi rồi, không làm nhưng vẫn có ăn, sống một cuộc sống xa hoa hoang phí, nằm trong vùng an toàn quá lâu thường không thể làm nên thành tựu và cuối đời thê lương.
Từ xưa đến nay, anh hùng lập công đều trải qua muôn vàn gian khổ, con nhà giàu sang quyền quý hiếm khi làm được việc lớn. Chính vì thế, cổ nhân mới nói: “Kinh qua nhiều gian nan mới thành anh hùng, sống trong nhung lụa ít có vĩ nhân”.
2. Hưởng lợi mà không làm việc thiện thì ắt gặp họa, chịu khổ nạn nhưng biết hành thiện tích đức thì phúc đến viên mãn
Người xưa nói: “Đức không tương xứng địa vị, ắt gặp họa triền miên”.
Thật vậy! Một người khi sở hữu địa vị cao, đứng trên đỉnh cao danh vọng thường bị chông chênh giữa ranh giới cái đức và tiền tài. Nếu không một lòng một dạ hướng thiện, làm điều tốt, nói lời hay thì mọi công danh lợi lộc đều tan thành mây khói. Ngược lại, nếu một người thường xuyên làm việc thiện thì cho dù trong đời có trải qua vô vàn đắng cay ngọt bùi, họ vẫn có thể nếm được vị ngọt của hạnh phúc. Hoặc ít nhất, họ vẫn mỉm cười an lòng vì đã làm theo trái tim và đạo lý nhân sinh.
Xung quanh chúng ta thường có một số người phát tài chỉ trong một đêm hoặc đột nhiên “thay da đổi thịt, một bước lên mây”. Những người này thường có được của cải không phù hợp với đạo đức của bản thân bằng hành động liều lĩnh hoặc may mắn ập đến bất thường. Giàu có tài phú nhưng lại để vật chất lấn át phần đạo đức trong con người thì sẽ không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Vì có được tài sản quá nhiều hoặc quá dễ dàng, người không có đức sẽ đánh mất lý trí và để tham vọng nuốt chửng mình.
3. Vượt qua đại nạn ắt có hậu phúc
Người xưa nói: “Vượt qua đại nạn ắt có hậu phúc”. Ý nghĩa hiện ngay trên mặt chữ, bình yên sau hoạn nạn, hạnh phúc nằm trong tầm tay. Câu nói này chứa đựng ý nghĩa triết học và đạo lý nhân sinh to lớn.
Trong cuốn sách cổ "Quảng Dị Ký" có ghi lại một câu chuyện: Đỗ Tiêm, tể tướng của Đường Huyền Tông, từng đi thuyền trên con sông chảy rất xiết. Lúc đó trên tàu có nhiều người và thuyền đã chuẩn bị nhổ neo. Lúc này, ông lão trên bờ kêu to: "Đỗ tú tài ở lại đây!". Ông lão vô cùng khẩn cầu, Đỗ Tiêm chỉ đành xuống tàu, nói chuyện với ông lão rất lâu.
Những người trên thuyền mất kiên nhẫn, ném hành trang của ông lên bờ và nhổ neo đi mất. Đỗ Tiêm quay lại mới thấy chiếc thuyền đã rời đi, ông sinh lòng tức giận vì ông già khiến ông bỏ lỡ chuyến đi.
Hôm đó gió lớn, thuyền bị lật chìm, mọi người đều tử nạn. Ông lão nói với Đỗ Tiêm: "Ngài là quý nhân, nên ta mới đến ứng cứu". Nói xong, ông biến mất. Đỗ Tiêm sau đó nhiều lần được thăng quan tiến chức. Hóa ra người đến cứu trong lúc hoạn nạn đều có lý do.
Thật ra, mọi thử thách trong cuộc sống luôn chứa đựng ý nghĩa tích cực to lớn. Vượt qua gian nan, con người dần trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm, không sợ khổ cực, tự tin đối mặt với sóng gió cuộc đời. Hơn hết, tư tưởng của người kinh qua nhiều chuyện này cũng thay đổi. Họ dung dị hơn với thói đời bẽ bàng, hạ thấp tiêu chuẩn cuộc sống, từ đó dễ dàng cảm thấy hạnh phúc trong những điều nhỏ nhặt.
Đã vượt qua khổ nạn to lớn thì sau này có bao nhiêu khổ nạn ập đến thì cũng không sợ hãi, lung lay. Người vững vàng giữa dòng đời, đương nhiên có ngày tận hưởng hạnh phúc đong đầy.