Trời tối om, xung quanh xe cộ vẫn tấp nập đi lại, dưới mặt đường nhựa là tài xế Pham Quoc Viet, 33 tuổi, đang nắm lấy đầu gối đầy máu của một người gặp tai nạn giao thông.

Đây là một trong hàng trăm người bị nạn được anh Viet cứu giúp. Ban ngày, tài xế này rong ruổi khắp ngõ ngách của thủ đô Hà Nội để mưu sinh. Nhưng, cứ đêm đến, từ 9 giờ 30 đến tới tận 1 giờ sáng, Viet lại gắn chiếc đèn màu đỏ đặc biệt, thứ thường xuất hiện trên các xe cứu thương, bắt đầu một hành trình mới – làm một người cứu hộ.

 - Ảnh 1.

Tài xế xe ôm kiêm nhân viên cứu thương không chính thức - Pham Quoc Viet.

"Khi tôi lần đầu tới Hà Nội làm việc, điều luôn thường trực trong đầu tôi là làm cách nào để cứu giúp những người bị tai nạn trên đường." – Viet chia sẻ. Được biết, anh đã đến thủ đô làm việc từ năm 2017 và năm trước đó, Viet từng gặp một tai nạn nghiêm trọng khiến anh rơi vào tình cảnh nằm lăn ra đường nhưng không có ai tới giúp đỡ vì sợ.

"Tôi nhớ mãi cái cảm giác đó, người ta cứ thế đi qua… tôi không muốn người khác cũng gặp tình cảnh tương tự, bị bỏ rơi như tôi…" – Viet nói với AFP.

 - Ảnh 2.

Ban ngày mưu sinh, ban đêm đi cứu người.

Theo AFP, Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu xe máy và với mật độ người tham gia giao thông lớn thì việc di chuyển trên đường phố thủ đô của Việt Nam khá chật vật với người đi đường.

Dẫu cho số trường hợp tai nạn nghiêm trọng ít xuất hiện nhưng các nạn nhân cũng không dễ được đưa đi cấp cứu ngay lập tức khi xe cứu thương thường gặp khó khăn vì tắc đường, hoặc người đi đường sợ bị liên lụy, không dám giúp đỡ.

Bắt đầu làm công việc thầm lặng này một mình, giờ Viet đã có khoảng 50 người đồng hành, hầu hết đều sống ở Hà Nội và 2/3 trong đó là tài xế xe ôm, phần còn lại là kỹ sư, thợ máy, sinh viên…

Họ đều đã được Viet huấn luyện kỹ năng sơ cứu, mỗi tuần nhóm đều họp và giữ liên lạc với nhau thông qua phần mềm chat.

 - Ảnh 3.

Nhóm của Viet đều được huấn luyện các kỹ năng sơ cứu cơ bản.

Nguyen Le Giang, 34 tuổi, bắt đầu hành nghề tài xế xe ôm từ 3 năm trước. Sau khi biết đến công việc thầm lặng của bạn đồng nghiệp, chị Giang đã gửi con cái ở nhà cho chồng và mẹ trông coi, gia nhập nhóm tình nguyện đêm của Viet.

"Lần đầu tiên tôi có hơi sợ một chút. Thanh niên đó cứ kêu đau ở chân nhưng lại không chảy máu và xương cũng chẳng gãy. Nhưng anh ta không thể đứng dậy hay đi được." Giang chia sẻ, lần đầu đã gặp trường hợp khó như vậy buộc cô phải gọi điện "cầu cứu" Viet.

Và đã là một công việc tình nguyện thì chẳng có sự phân biệt nào cả.

"Có người hỏi nếu những người bị nạn không phải là đồng nghiệp (tài xế xe ôm công nghệ) thì sao? Tôi liền hỏi lại họ rằng nếu đó là người thân, bạn bè thì liệu họ có nói câu đó không?" – Viet cho biết.

Viet và nhóm của mình hiện đang giúp đỡ tầm 100 người gặp nạn mỗi tháng, họ dành 2 đô la Mỹ (hơn 45.000 VNĐ)/ngày để mua dụng cụ y tế như băng gạc…, số tiền chỉ chiếm khoảng 1/10 thu nhập mỗi tháng của họ.

Mặc dù, đường phố Hà Nội đã đông đúc trở lại sau nhiều tuần liền phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 nhưng những người tài xế trên đều đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

"Đối với chúng tôi thì thời gian đó rất khó khăn, thu nhập bị ảnh hưởng, tiền kiếm ít hơn nhưng chúng tôi vẫn vượt qua được." Ngoài ra Viet còn chia sẻ rằng dù thu nhập bị giảm thì nhóm vẫn tiếp tục công việc và "quỹ" cứu nạn vẫn luôn được đảm bảo.

 - Ảnh 4.

Hành trình cứu người của nam tài xế xe ôm sẽ vẫn được tiếp tục dù còn nhiều khó khăn.

(Theo AFP)