"Chúng ta cứ mải miết tìm kiếm phương pháp chữa bệnh mà không biết rằng chỉ cần có một tâm hồn bao dung, vị tha, bệnh tật sẽ tự tiêu tan". Dưới đây là câu chuyện của một cô gái 22 tuổi bị tim bẩm sinh chia sẻ về cách dùng tinh thần chữa bệnh rất đáng suy ngẫm.

Tâm bao dung để thân đỡ bệnh - chia sẻ về bí quyết khoẻ mạnh của một cô gái 22 tuổi bị tim bẩm sinh - Ảnh 1.

Ký ức ấu thơ của tôi độc một màu trắng bệnh viện. Khi sinh ra đã mắc bệnh tim bẩm sinh thì tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Người bạn duy nhất là một cô bé cũng như tôi. Chúng tôi không được đi học mẫu giáo, không được chơi búp bê. Trò chơi duy nhất của hai đứa là đổ nước đầy cốc, giả làm rượu rồi thi uống.

Năm lớp 4. Tôi vô cùng ghen tị với những chị lớn lớn, phổng phao, khỏe mạnh. Ấy là khi tôi lẽo đẽo theo bố lên Hà Nội chữa bệnh. Lần nào thấy các chị cao lớn, tôi cũng tự hỏi: Để lớn và khỏe được như vậy chắc không dễ dàng.

Tâm bao dung để thân đỡ bệnh - chia sẻ về bí quyết khoẻ mạnh của một cô gái 22 tuổi bị tim bẩm sinh - Ảnh 2.

Lớp 10. Tôi lần đầu nghĩ đến cái chết, chỉ vì cảm thấy trong người không ổn chút nào. Các cơ quan nội tạng phập phù, khí huyết kém lưu thông, mặt xanh xao, vô hồn. Đó là vào một đêm se lạnh, thêm chút mưa nhỏ hắt vào da tê tái. Một mình tôi đạp xe vô định trên đường. Lòng tự hỏi liệu có loại thuốc nào kết liễu sự sống mà không đau đớn hay không?!

Năm 2 đại học. Lại một lần nữa các vấn đề về sức khỏe khiến tôi chán nản. Nằm một mình trong căn phòng trọ. Tôi mở trừng mắt nhìn 4 bức tường trắng xóa. Bao đam mê, dự định vụt khỏi tầm tay. Lúc ấy, tôi nghĩ mình không còn đủ sức làm gì nữa. Rằng mình sẽ chết. Cái đầu tôi có thể bùng nổ nhiều thứ nhưng cái thân tôi thì không kham nổi nữa rồi.

Tâm bao dung để thân đỡ bệnh - chia sẻ về bí quyết khoẻ mạnh của một cô gái 22 tuổi bị tim bẩm sinh - Ảnh 3.

Ra trường, tôi quyết định dấn thân vào con đường báo chí. Những ngày đầu đi làm hầu như tối nào tôi cũng thức đến 2h sáng để viết. Điều này thật bình thường với nhiều người. Nhưng đối với tôi, đó là cả một nỗ lực.

Nếu người khác thức khuya cùng lắm sáng hôm sau chỉ buồn ngủ, còn tôi gần như mất hết năng lượng làm việc nguyên cả ngày hôm đó. Chỉ sau một tuần thức khuya, tôi sụt gần 5kg, da dẻ xanh xao, vàng vọt, chảy một chút máu là cũng đủ để ngất xỉu.

Khi ấy, tôi trở nên bi quan vô cùng và bắt đầu đổ lỗi cho sức khỏe của mình, rằng: Nếu tôi không bị tim bẩm sinh thì đã làm được nhiều thứ hơn, nếu tôi khỏe mạnh thì bây giờ khả năng của mình đã không chỉ ở mức này. Đó là vấn đề của tôi, cũng có thể là của bạn và của rất nhiều người khác.

Tâm bao dung để thân đỡ bệnh - chia sẻ về bí quyết khoẻ mạnh của một cô gái 22 tuổi bị tim bẩm sinh - Ảnh 4.

Tôi sẽ chẳng bao giờ tìm ra giải pháp cho vấn đề sức khỏe của mình nếu như không phải vào một ngày, khi mọi thứ trở nên tồi tệ và tôi buộc phải đối mặt. Đó là lựa chọn buông bỏ và nắm giữ trong công việc. Đó là thái độ trước các mâu thuẫn trong những mối quan hệ khác nhau.

Tôi đã quyết định bỏ một việc mà tôi cảm thấy căng thẳng khi theo đuổi và chọn một việc mang lại cho tôi nhiều niềm vui hơn. Tôi nhìn nhận mâu thuẫn trong các mối quan hệ dưới con mắt vị tha, thấu hiểu và thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ để bao dung. Bạn có tin được không? Kết quả tôi nhận được hoàn toàn bất ngờ. Tôi thấy lòng nhẹ tênh. Tâm hồn trở nên thanh thản, không còn lo âu, bực bội. Bằng một cách kỳ diệu nào đó, cơ thể tôi cũng tự cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực ấy mà trở nên nhẹ nhõm, khoẻ mạnh hơn.

Tâm bao dung để thân đỡ bệnh - chia sẻ về bí quyết khoẻ mạnh của một cô gái 22 tuổi bị tim bẩm sinh - Ảnh 5.

Phải chăng bấy lâu nay tôi bị "bệnh từ tâm sinh" mà không hề hay biết. Tôi lờ mờ nhận ra sợi dây kết nối giữa tâm hồn và cơ thể con người. Có thể, bệnh tật sẽ đỡ đi một nửa nếu chúng ta cố gắng rèn luyện cho tâm hồn lối suy nghĩ lạc quan, bao dung với người và với chính lỗi lầm của mình. Đó chính là phương thuốc kỳ diệu nhất, được "khởi phát từ tâm", chẳng cần tốn tiền, chỉ cần bạn đủ bao dung và yêu thương.

Tâm bao dung để thân đỡ bệnh - chia sẻ về bí quyết khoẻ mạnh của một cô gái 22 tuổi bị tim bẩm sinh - Ảnh 6.

Vậy điều gì sẽ xảy ra với cơ thể nếu ta ôm lấy hận thù, tức giận trong lòng? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi đã từng lấy chính mình ra làm thí nghiệm. Đó là một trận cãi vã nảy lửa với mẹ và tôi đã chủ ý đẩy nó lên cao trào khiến cả hai mẹ con buộc phải nói ra những lời làm tổn thương nhau. Tôi bỏ ra một góc riêng. Trong đầu bùng nhùng đủ các suy nghĩ tiêu cực. Tôi thầm trách mẹ tại sao không chịu thấu hiểu tôi và tự thấy thương hại cho chính mình. Khi ấy, thực sự cơ thể tôi đã phải chịu những chấn thương từ bên trong vô cùng dữ dội. Tôi gần như không thở được, mặt đỏ bừng vì tức giận, ruột gan đảo lộn lên hết cả. Cảm giác ấy, chắc khác nào nỗi đau khi tôi lấy dao tự cứa vào người mình.

Thế đó, tức giận hay oán trách suy cho cùng cũng chỉ làm tự làm hại mình mà thôi. Sau lần đó, tôi tự dặn lòng phải nhắm mắt cho qua tất cả. Ai đúng, ai sai không quan trọng. Sự bền vững của mối quan hệ và sức khoẻ của tôi mới quan trọng.

Tâm bao dung để thân đỡ bệnh - chia sẻ về bí quyết khoẻ mạnh của một cô gái 22 tuổi bị tim bẩm sinh - Ảnh 7.

Đặc biệt, với những ai bị tim bẩm sinh như tôi thì phương pháp chữa bệnh bằng tinh thần lại càng hữu nghiệm. Bởi lẽ, người ta thường rỉ tai nhau về những cơn đau tim đột ngột do phải chịu những trấn thương về tâm lý hoặc căng thẳng kéo dài. Vậy muốn trái tim luôn khoẻ mạnh, một trong những cách hiệu quả nhất chính là duy trì trạng thái lạc quan và một tâm hồn hướng thiện.

Tâm bao dung để thân đỡ bệnh - chia sẻ về bí quyết khoẻ mạnh của một cô gái 22 tuổi bị tim bẩm sinh - Ảnh 8.

Tôi rất thích câu: "Cảnh giới của làm người là nhân hậu, vậy cảnh giới của sức khoẻ cũng chính là nhân hậu". Thật vậy, chính nhờ thực hành "luyện tâm bao dung" mà dù cơ thể chưa hoàn toàn khoẻ mạnh nhưng tôi luôn cảm thấy vô cùng dễ chịu và an nhiên. Bạn cũng có thể cảm thấy như tôi nếu làm theo những điều tôi nói: Hãy bao dung để thân đỡ bệnh.