Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hà Books cho biết, tạm dừng ATM sách miễn phí đầu tiên tại phố Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội.
Lý do là xảy ra việc có 2 người tới nhận sách tại đây đã xích mích và suýt xảy ra ẩu đả. Cùng với đó, lượng người đến đây ngày càng đông, một số trường hợp chưa có ý thức tốt nên xảy ra lộn xộn, trong khi đội ngũ tình nguyện viên vừa phải đảm trật tự ở ATM rút gạo "bằng chân" ở Nghĩa Tân và Bắc Từ Liêm, nên gặp nhiều khó khăn trong việc giữ gìn trật tự và đảm bảo an toàn về phòng chống dịch Covid-19.
Theo các tình nguyện viên trực tại ATM sách miễn phí, cũng cần kiểm soát thêm việc khách đến có thể lấy sách của nhà sách lúc đông người. Vì thế ông Nguyễn Mạnh Hùng quyết định tạm thời đóng cửa ATM sách miễn phí này đến khi có phương án đảm bảo an ninh trật tự một cách hiệu quả.
Theo ông Hùng, Nhà sách Thái Hà đã chuẩn bị 1.000 đầu sách cùng với lượng sách hỗ trợ của các mạnh thường quân, có thể đủ để mọi người đến nhận sách nhưng việc thiếu ý thức của một số ít người khi đến đây dẫn đến việc ATM sách phải tạm đóng cửa là sự cố đáng tiếc.
Trước đó, sáng 24/4, ATM sách miễn phí đầu tiên bắt đầu “nhả sách” tại nhà sách Thái Hà, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ATM sách miễn phí có nguyên tắc hoạt động giống máy bán hàng tự động. Chỉ khác là trong máy chứa loại hàng hóa “đặc biệt” đó là sách. Mọi người sẽ được tặng sách miễn phí khi đến ATM này.
Theo người sáng kiến mở ATM sách miễn phí này, trong lúc dịch dã, có rất nhiều người khó khăn, thực tế có người phải lo miếng ăn hàng ngày. Và khi đói người ta ít khi nghĩ đến việc đọc, việc học. Vì thế, ông và các cộng sự đã triển khai dự án ATM “rút gạo” miễn phí bằng chân để phục vụ người nghèo.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 15 ATM gạo miễn phí đã có mặt ở hàng chục tỉnh thành như Hà Nội, Hòa Bình, Phú Yên, Thái Bình, Yên Bái… giúp đỡ được hàng chục ngàn người nghèo.
“Bụng có cơm ăn từ gạo của ATM gạo miễn phí rồi, tôi muốn chuyển chăm sóc cả phần tinh thần cho người nghèo.
Tôi nghĩ đến việc phải mở ATM sách miễn phí. Vì tri thức mới giúp con người làm giàu, sống văn minh và có những điều mình mong muốn. Vì thế sau khi người nghèo đã có sự hỗ trợ về gạo, tôi muốn họ được hỗ trợ về tri thức. Tri thức sẽ giúp họ thoát nghèo bền vững” - ông Hùng chia sẻ.