Hà Nội trung bình ghi nhận khoảng 1.300 ca mắc mỗi tuần. Số mắc tăng nên các cơ sở y tế luôn trong tình trạng quá tải. Cũng vì sợ đông và ngại đi bệnh viện nên một số người chủ quan tự ý điều trị tại nhà, đến viện trong tình trạng sốt cao, thiếu dịch, thừa dịch… gây khó khăn khi xử trí.
ThS.Bs. Đặng Quang Nhật (Khoa Nhi Tiêu hóa dinh dưỡng - Lây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết: "Không phải thuốc hạ sốt nào cũng phù hợp với sốt xuất huyết. Việc sử dụng thuốc hạ sốt phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng.
Và không phải truyền dịch là phù hợp với mọi trẻ. Khi sử dụng truyền không đúng chỉ định sẽ gặp trường hợp dư dịch".
Bác sĩ Phạm Văn Phúc (Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết nhiều bệnh nhân rất chủ quan, thấy sốt xuất huyết không đi khám đến thời điểm diễn biến nặng mới vào viện thì lúc đấy tình trạng bệnh quá nặng.
Những ngày này, các cơ sở y tế chuyên khoa truyền nhiễm luôn trong tình trạng quá tải, khi liên tục tiếp nhận và điều trị hàng chục ca sốt xuất huyết mỗi ngày. Đáng nói, diễn biến bệnh cảnh năm nay có sự thay đổi, có đến 50% ca bệnh nặng, có dấu hiệu cảnh báo.
Để tránh nguy cơ biến chứng sốt xuất huyết, nếu có dấu hiệu cảnh báo, cần đến cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý uống thuốc hạ sốt và truyền dịch gây nguy hiểm tính mạng.