Hương vị của Tết len lỏi vào mọi nơi, mọi nhà và mọi người. Có những điều mà người ta chẳng quên thực hiện dù có bận rộn đến đâu. Bởi ai cũng muốn gột rửa những điều cũ kỹ để đón một năm mới khởi sắc hơn.
Bắt đầu bằng việc tắm nước mùi già
Tắm nước mùi già, chẳng phải lạc hậu mà nó giống như một phương thức dân dã truyền lại từ thời ông bà xưa. Thứ cây vẫn dùng làm rau thơm ấy, đã qua khoảnh khắc non mới, đọng lại thứ tinh dầu thơm tho có thể khiến da thịt con người ta cảm thấy khoan khoái.
Không sáng thì cứ chiều 30 Tết, các bà các mẹ tất tả đun một nồi mùi già thật to, có khi thêm cả hương nhu, sả và vỏ bưởi để mọi người trong nhà tắm. Từ xưa, các cụ đã tin rằng, thứ tinh dầu thiên nhiên thơm tho của mùi già có thể tẩy đi những điều cũ kĩ và xui xẻo. Sau đó, mùi thơm tự nhiên đó “ướp hương” cơ thể, khiến đầu óc tinh sạch, minh mẫn và thoải mái lạ kỳ.
Cỗ bàn xong xuôi, tắm rửa bằng nước mùi già, mặc bộ quần áo mới đẹp, khi ấy là đã tươm tất chuẩn bị đón giao thừa rồi.
Từ sau lễ cúng ông Công ông Táo là ngoài chợ, các quầy, các xe cũng đã bán những bó mùi già. Đến 28 Tết, lượng mùi được bán nhiều hơn. Bó nhỏ thì vài nghìn, bó to thì cả mấy chục nghìn. Nhưng nào ai có quan tâm mấy đến giá, cốt tìm cho được bó mùi ít hoa và đọng quả già nhiều mới thơm.
Mặc dù bây giờ, người ta cũng bày bán nhiều bánh xà phòng cốt mùi già cho tiện, nhưng tự tay nấu nước tắm mùi già vẫn là một điều chưa hề phai trong những phong tục chuẩn bị đón Tết của người Việt mình.
Mừng tuổi bằng quả cam
Đón giao thừa xong, thích nhất là lũ trẻ con, được mừng tuổi phong bao lì xì đỏ may mắn, bên trong đựng những tờ tiền mới tinh lấy may. Nhưng ít ai biết rằng, trước kia, người Việt mình, các mẹ hay mừng tuổi cho con trẻ bằng cả những quả cam để lấy “khước". “Khước" nghe có vẻ lạ, nhưng ý nghĩa thì gần gũi lắm. “Khước" là những điều lành và may mắn.
Những quả cam hay quýt màu vàng ươm, tròn trịa tượng trưng cho sự viên mãn và sung túc của năm mới. Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, cụ Nguyễn Văn Huyên cũng nhắc tới tục này. “Trước lúc đi chúc Tết các nơi, người con trưởng, có tất cả các em theo sau, chúc Tết cha mẹ. Trong dịp đó, cha mẹ mừng tuổi cho mỗi con một số tiền nhỏ và những quả cam để làm khước”.
Theo quan niệm dân gian, những gì tốt lành đều có thể mừng tuổi để “làm khước”. Thời xưa, trẻ con được mừng tuổi bằng phong bao, bằng những quả cam đẹp đẽ, rồi được lì xì bằng những bức tranh dân gian để treo trên bàn học. Nhà khá giả hơn người ta còn mừng tuổi con cái bằng các loại vòng vàng, vòng ngọc.
Cuộc sống hiện đại bây giờ, ít còn thấy ai mừng tuổi con trẻ bằng những quả cam lành nữa. Tuy nhiên, trên bàn ngày Tết đón khách, không ít nhà vẫn đặt những đĩa cam, đĩa quýt chín vàng, thể hiện cho sự sung túc và may mắn.
Bây giờ người trẻ còn giữ tục xông đất hay không?
Dù thời xưa hay nay, người ta vẫn quan tâm đến việc người đầu tiên bước chân vào nhà mình trong ngày đầu tiên của năm mới.
Tục xưa thì cụ Nguyễn Văn Huyên có nói trong Hội hè lễ Tết của người Việt rằng: “Mọi người đều muốn đi lễ đền chùa trước khi cử hành lễ đón giao thừa trong gia đình. Sau khi đi thăm đền chùa trở về, và coi là đã thấm nhuần ân huệ của các thần, người ta vững tâm xông đất nhà mình. Vì ai cũng muốn yên trí rằng người đầu tiên bước vào nhà mình là người đem theo những dấu hiệu tốt lành. Nếu chẳng có ai tốt hơn, thì không ai chắc chắn bằng chính mình là người có khước, từ chốn của thần thánh trở về nhà, mang về từ đó một nén hương đốt sẵn để cắm lên bàn thờ tổ tiên".
Đón giao thừa xong, người ta đi hái lộc
Trong An Nam phong tục sách, phần Thí sự có nói; “Phải chọn giờ lành để xuất hành, hoặc đến nhà người khác, hoặc đi đến đình, chùa. Bẻ lấy một cành hoa đẹp mang về nhà cắm ở cửa gọi là “hái lộc".
Ngày nay, nhiều nhà còn treo lì xì hoặc câu chúc lên cành đào, cành mai, sáng mùng 1 con cháu đến sẽ thực hiện việc "hái lộc" để xem mình sẽ nhận được điều gì trong năm mới.
Trước kia, nhiều người hay đến đình, chùa để xin hái lộc non mang về treo trong nhà hoặc đặt lên bàn thờ. Ở thành phố, người ta nô nức đi xem pháo hoa, đón giao thừa cùng đất nước. Đình chùa nào có nhiều lộc đến thế để người dân hái? Phố xá đêm giao thừa, người ta nô nức chúc nhau xuân mới, tiện ghé bên đường mua đôi cây mía hoặc vài túi muối được thắt nơ trong túi đỏ.
Chuyện là “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Cuối năm người ta mua vôi để quét nhà, để trồng cây nêu, nhưng giờ thì ít lắm. Chỉ còn tục mua muối đầu năm thì vẫn còn nhiều.
Người xưa cho rằng, mua muối đầu năm vì muối có tác dụng trừ tà, xua đuổi tà ma, những dòng năng lượng xấu. Cũng chẳng biết người ta có đạt được ý nguyện không, nhưng muối có khả năng sát khuẩn tốt nên phải chăng vì điều đó mà cũng “tẩy uế" và đem lại may mắn?
Tết xưa hay nay cũng đều bận rộn theo vòng quay của thời đại, có những điều đã cũ nhưng cũng có nhiều điều vẫn mới. Tết nay, người ta bận rộn có thể không xuống bếp nấu cỗ mà đặt một mâm cỗ online, điều đó không có nghĩa là người ta không đủ lòng thành. Người bận rộn quá người ta chọn nước hoa cho nhanh thay vì tỉ mỉ đun nồi nước mùi già.
Vì dù sao những phong tục đẹp và hợp thời vẫn sẽ mãi tồn tại, người ta chỉ đang tìm mọi cách để lưu giữ những điều ấy. Dù cơm áo gạo tiền và áp lực cuộc sống khiến người ta quay cuồng, nhưng ai nấy đều cố gác lại tất cả, trở về nhà trong những giây phút cận kề năm cũ.
Sửa soạn mọi thứ, gột rửa chính mình bằng thứ nước thơm truyền thống để đón một năm mới bình an bên người mình yêu thương.