Chào tác giả Thanh Dương với bài tâm sự “Kế hoạch 5 năm “cải tạo” chồng thành đạt của một phụ nữ trẻ”!
Đọc bài bạn viết, mình rất khâm phục và ghen tỵ với hạnh phúc của gia đình bạn.
Đúng là bạn có công rất lớn trong việc kéo chồng về phía gia đình. Nhưng đạt được thành công như vậy thật ra phần lớn là nhờ bạn may mắn có được người chồng tốt, chồng biết điều, biết suy nghĩ tới vợ con. Chứ nếu anh ấy không chủ tâm thay đổi, vợ có khéo thế chứ khéo nữa cũng chẳng ăn thua.
Những gì bạn làm, những nguyên tắc bạn đưa ra, chẳng người phụ nữ nào là không biết. Chồng nào mà chẳng thích vợ không càm ràm, nhẹ nhàng, thỏ thẻ. Chồng nào mà chẳng thích vợ đảm đang, nấu ăn khéo. Chồng nào mà chẳng thích vợ tâm lý, khéo chiều chồng trên giường.
Tóm lại, tiêu chuẩn “ra đường là nhà ngoại giao, trong bếp là ô sin, trên giường biến hóa thành “gái” là điều mọi quý ông mong muốn ở vợ.
Nhưng không phải cứ có vợ như thế là chồng sẽ ngoan. Bởi đàn ông ích kỷ từ trong máu, chỉ biết hưởng thụ mà chẳng bao giờ biết nghĩ cho người khác.
Như chồng mình chẳng hạn, anh là kẻ thân lừa ưa nặng, mình càng nhẹ nhàng, tử tế thì anh lại càng ỉ lại, lười nhác. Mình cứ phải cứng lên thì anh mới sợ mà nghiêm chỉnh được.
Hồi mới lấy nhau, mình cũng nghĩ sẽ thực hiện phương châm người vợ tảo tần, chăm chỉ, dịu dàng để chồng nhìn vào đó mà thương yêu, nhìn vào đó mà cố gắng hơn cho gia đình.
Nhưng mình đã nhầm lẫn một cách tai hại. Chồng mình làm lương 15 triệu thì cắt một nửa đưa vợ, còn đâu giữ hết và tiêu sạch sẽ trong những dịp bù khú với bạn bè. Mình cũng áp dụng chiêu mời bạn bè chồng về nhà chơi. Chồng mình được dịp phổng mũi với bạn bè vì có vợ hiền, dễ tính, đảm đang.
Nhờ vậy, chồng mình không đi chơi ở bên ngoài nhiều nữa. Tuy nhiên, địa điểm tụ tập từ bên ngoài chuyển thành ở nhà mình. Thế là tự dưng mình trở thành ô sin phục vụ bạn bè chồng bù khú, lại còn mất thêm một khoản phí mua sắm đồ ăn, đồ uống cho mấy kẻ vô duyên đó nữa.
Mình cũng vạch ra những kế hoạch tương lai để vợ chồng cùng cố gắng. Nhưng chồng mình có bao giờ thèm để vào tai. Hôm nào anh ấy mát tính thì ừ hử cho qua chuyện. Hôm nào khó chịu thì còn quát lại “Đời tôi tôi lo, cô không phải dạy”, hoặc “Cô đừng tham lam quá, có thế nào hưởng như thế thôi!”.
Còn việc kéo chồng vào bếp làm cùng thì còn khuya. Bởi chồng mình coi căn bếp như địa ngục và quyết không chịu dây vào “việc đàn bà”.
Nhiều lúc mình buồn, khóc lóc, giận dỗi thì đổi lại chỉ là sự chán nản vì chồng chẳng bao giờ quan tâm, mình muốn dỗi tới bao giờ thì dỗi. Chồng mình không chịu nghe mình khuyên giải, lý lẽ mà toàn quát nạt, nói to để át mình đi. Tóm lại, chiêu thức vợ hiền, vợ ngoan, vợ đảm, vợ tế nhị hoàn toàn không áp dụng được cho chồng mình.
Dần dần, mình cũng quen, chai lì cảm xúc và bắt đầu phản kháng lại. Mình ghê gớm dạy chồng chứ không "lạt mềm buộc chặt" như trước nữa.
Dần dần, mình cũng quen, chai lì cảm xúc và bắt đầu phản kháng lại. Mình nói thẳng toẹt vào mặt lũ bạn chồng mình để họ biết họ vô công rồi nghề và trơ trẽn đến mức nào khi suốt ngày tới nhà mình bù khú. Từ đó cấm chỉ lũ bạn của chồng dám mò tới nhà mình phá nữa.
Mình chẳng ý tứ, tế nhị nhắc nhở gì nữa mà nói luôn với chồng những điểm xấu, đặc biệt là sự vô trách nhiệm của anh đối với gia đình. Mình trách cứ và chửi thẳng cho chồng biết, không anh lại cứ tưởng ràng mình hay ho lắm.
Chồng tiếp tục làm ngơ, mình cũng chơi bài căng luôn. Mình không hầu hạ chồng như xưa mà chỉ nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp cho một mình mình. Mình không lấy tiền lương của chồng như trước mà bảo anh tự cầm mà lo việc của anh. Còn tiền điện nước mình sẵn sàng trả để khỏi mang tiếng “chồng đã làm ra tiền thì vợ phải làm việc nhà”.
Chồng mình điên lên chửi mắng và định đánh mình mấy lần, mình toàn lựa có trốn biệt về nhà mẹ đẻ. Hai nhà thấy hai đứa chành chọe thì can thiệp. Được thể, mình trút hết ấm ức về chồng. May là bố mẹ chồng quá hiểu bản tính con trai nên lên nhà vợ chồng mình, họ dạy dỗ con trai một trận.
Nhiều lần cứng như thế, chồng biết điều và có vẻ tử tế hơn. Giờ hai đứa ở nhà ngang nhau, nể nhau. Có thể nói nhiều việc chồng làm là vì sợ “vợ la sát” ầm ĩ, lèo nhèo điếc tai chứ chẳng hề tình nguyện.
Nhưng thà thế còn hơn là chồng lười biếng, vô trách nhiệm. Nói chung vẫn còn khá nhiều điều mình chưa hài lòng, nhưng có thể tạm chấp nhận và chung sống được.
Cho đến lúc này, mình vẫn không bao giờ tin lạt mềm có thể buộc chặt. Mình thấy lạt càng mềm thì chồng càng dễ phá vỡ mọi khuôn khổ và hư hỏng thì có. Đàn ông cứ như trẻ nít, phải chiều, phải dỗ nhưng nếu chỉ vậy không thì đâm hư. Là vợ, mình cũng phải tỏ rõ sự dữ dằn, quyết liệt hoặc phải tỏ cái uy của mình ra thì họ mới biết điều được!