Khi bạn bè đồng trang lứa đang phải vật lộn với công việc hành chính từ 9h sáng tới 5h chiều thì Eva Lucas đã được ngồi trên chiếc máy bay tư nhân chuyên chở các tỷ phú hoặc khách VIP.
Cô gái gốc Pháp cho biết cô từ một phi công non trẻ mới vào nghề năm 19 tuổi giờ đã trở thành một phi công lái máy bay tư nhân với mức lương 60.000 USD (1,4 tỷ VNĐ) trong 3 năm. Nhưng điều mà Eva nhận được không hẳn chỉ là những con số, quan trọng hơn cả là cô được trải nghiệm, được va vấp, được trưởng thành trong một môi trường không hề giản đơn chút nào.
Mới đây, nữ phi công trẻ đã có những chia sẻ thật lòng với tờ Business Insider (BI) về thăng trầm trong công việc của mình.
Không cần phải mất nhiều năm đào tạo để trở thành phi công lái máy bay tư nhân
Eva Lucas từ Pháp chuyển đến Florida cùng gia đình khi cô 14 tuổi. Năm 17 tuổi, Eva rất đam mê du lịch. Vậy nên cha mẹ của cô gợi ý cho con gái đến học tại một trường huấn luyện bay địa phương.
"Lúc đó, việc biết lái máy bay là điều tôi muốn làm nhất", Eva nói với BI.
Eva bắt đầu được đào tạo chính thức khi cô 19 tuổi sau khi nhận được thẻ xanh Mỹ (cho phép người sở hữu trở thành thường trú nhân hợp pháp, hưởng những quyền lợi tương đương với công dân Mỹ). Chỉ trong 4 tháng, cô đã lấy được bằng phi công tư nhân. Eva nói với BI rằng đến năm 21 tuổi, cô cũng đã có được giấy phép lái máy bay thương mại.
Khóa đào tạo để lấy Giấy phép Phi công Tư nhân (PPL) có chi phí từ 6.000 đến 20.000 USD (145 - 485 triệu VNĐ) và giấy phép lái máy bay thương mại cũng có chi phí tương tự.
Eva nói rằng thông thường các phi công phải mất nhiều thời gian hơn để có giấy phép, nhưng cô được học hàng ngày nên thời gian rút ngắn hơn.
"Trong quá trình đào tạo phi công lái máy bay thương mại, tôi học 2 giờ mỗi sáng và sau đó làm việc ở cửa hàng bánh ngọt của gia đình vào buổi chiều", Eva nói.
Eva đã dạy các bài học bay trong 1 năm tại một trường dạy bay ở Tampa trước khi cô được mời làm phi công lái máy bay tư nhân. Cô đã dành thêm 1 tháng nữa để học cách lái máy bay phản lực Gulfstream ở công ty mới trước khi thực hiện chuyến bay chính thức đầu tiên với tư cách là một phi công tư nhân.
Lương khởi điểm ổn định
"Mức lương khởi điểm khoảng 60.000 USD", Eva cho biết. Nó tùy thuộc vào kích thước của máy bay phản lực và vai trò của phi công trong buồng lái.
Làm phi công có thể kiếm được hàng trăm nghìn USD. Cục Thống kê Lao động Mỹ báo cáo rằng mức lương trung bình của phi công nước này vào năm 2022 là 225.000 USD (5,4 tỷ VNĐ).
Làm việc 20 ngày, còn 10 ngày nghỉ
Trở thành một phi công lái máy bay tư nhân không phải là một công việc điển hình như nhiều công việc hành chính khác từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Thay vào đó, Eva làm việc theo lịch trình 20-10, trong đó cô trực trong 20 ngày liên tục và nghỉ trong 10 ngày còn lại của tháng.
20 ngày đó có thể bao gồm một vài chuyến bay có thời gian quá cảnh dài ở các điểm đến quốc tế hoặc có thể có nhiều chuyến bay nhỏ hơn trên khắp nước Mỹ. Điều này còn tùy thuộc vào khách hàng.
"Trong 20 ngày đó, tôi phải sẵn sàng bay bất cứ khi nào khách hàng muốn", Eva nói. "Nếu chúng tôi có chuyến đi đột xuất, họ sẽ gọi cho chúng tôi và chúng tôi sẽ phải ra sân bay lập tức".
Một số chuyến bay có sẵn trong lịch trình trước nhưng thường xuyên thay đổi. Lucas có thể phục vụ cho nhiều khách hàng trong 20 ngày làm việc vì công ty cho bất kỳ ai thuê máy bay.
Được miễn toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống
Khi Eva đi làm, tất cả chi phí về chỗ ở và bữa ăn hàng ngày của cô đều được công ty đài thọ, bất kể điểm đến.
"Chúng tôi ở tại các khách sạn Marriott và nhận 75 USD (1,8 triệu VNĐ) tiền ăn mỗi ngày nếu ở trong nước và 125 USD (3 triệu VNĐ) một ngày nếu ở nước ngoài", Eva nói. "Tôi thích chiều chuộng bản thân và tận hưởng những địa điểm đẹp đẽ cùng đồng nghiệp. Khách hàng không mời chúng tôi dùng bữa cùng họ nhưng có thể mời chúng tôi xem buổi biểu diễn của họ hoặc chia sẻ lý do họ đi du lịch".
Đến nay, Eva đã đặt chân tới Hàn Quốc, Pháp, Colombia, Vương quốc Anh và vùng Caribe. "Nếu điểm dừng chân ở rất xa nước Mỹ, chúng tôi thường nghỉ lại đó đợi cho đến khi hành khách muốn quay lại", Eva nói. "Chẳng hạn, tôi đã ở lại thủ đô Lima (Peru) trong 8 ngày".
Eva cho biết, nếu điểm đến là Mỹ hoặc vùng Caribe, họ sẽ thả hành khách ở đó, nghỉ qua đêm và sau đó đón một khách hàng khác về.
Có đặc quyền nhưng cũng nhiều ưu phiền
Eva cho biết nghề này đi kèm với những trải nghiệm thú vị. Điều cô thích nhất là khi chở một DJ nổi tiếng đến buổi hòa nhạc ở Denver. Cô được mời vào hậu trường của buổi biểu diễn và được xem buổi biểu diễn miễn phí.
"Tôi có thẻ VIP và mọi thứ ưu tiên trong buổi biểu diễn đó", Eva nói. "Và ngày hôm sau, tôi đã đưa anh ấy trở về".
Bên cạnh những đặc quyền thì Eva cũng phải chấp nhận những khó khăn do công việc. Lịch trình khắt khe của công việc có thể khiến cuộc sống cá nhân của Eva không được như người khác. Chẳng hạn, cô sống ở Tampa và thường phải bay đến địa điểm máy bay đậu và rời đi 20 ngày một lần.
"Trước đây tôi có quan hệ tình cảm với một đồng nghiệp và chuyện đó không suôn sẻ", Eva nói.
"Với lịch làm việc như vậy, việc hẹn hò có thể khó khăn, mặc dù hiện tại tôi đang hẹn hò với một cơ trưởng cùng làm việc trong công ty. Mối quan hệ này đang diễn ra suôn sẻ nhờ những thói quen giống nhau của chúng tôi".
"Có những ngày tôi ở nơi vắng vẻ, chẳng hạn như một thị trấn yên tĩnh ở Ohio, và tôi nhớ gia đình mình", Eva nói.
Nhưng điều khó nhất là phải làm việc trong những ngày cuối tuần. "Đó là thời điểm nhiều khách hàng có nhu cầu đi máy bay tư nhân. Vì vậy, trừ khi bạn có thâm niên, những ngày đó bạn phải làm việc", cô nói thêm. "Tôi nhớ những ngày Giáng sinh, sinh nhật của người thân trong gia đình tôi và không thể gặp gỡ bạn bè trong những dịp đặc biệt".
Về thời gian nghỉ, Eva có thể xin nghỉ phép nhưng không phải lúc nào cũng được chấp thuận, đặc biệt là vào thời gian cao điểm cuối tuần.
"Quan trọng là bạn phải biết tự điều chỉnh", Eva nói. "Năm đầu tiên có thể sẽ thấy hơi lạ lẫm, nhưng sau đó bạn sẽ quen dần".
Nguồn: BI