Chuyện mừng cưới đúng là chuyện tế nhị nhất mà đa phần các vị khách được mời đi dự đám cưới đều gặp phải. Cầm tấm thiệp mời trong tay việc đầu tiên mà một vị khách nghĩ đến chính là "mừng bao nhiêu thì hợp lý" rồi "lễ cưới tổ chức ở khách sạn nào, có cao cấp không?"... Tiếp theo đó là la liệt những tin nhắn hỏi han bạn bè để còn cân đối vụ mừng cưới cho thật hợp tình hợp lý. Cầm tấm thiệp mời trên tay, mừng vì người thân, bạn bè mình cuối cùng cũng đến ngày yên bề gia thất, nhưng có người cũng "méo hết cả mặt" vì có khi nguyên tháng đi tận 3 - 4 đám cưới, tiền lương tháng dồn hết để đi đám cưới rồi còn đâu.
Cô A (29 tuổi - Hà Đông), cô nàng được bạn bè đặt cái biệt danh "dành cả thanh xuân để đi đám cưới bạn", chính vì đi dự rất nhiều đám cưới, thân thiết có, đám cưới đồng nghiệp có, bạn bè xã giao cũng có, đến cả ông bạn thân cưới lần 2 A đều góp mặt đầy đủ... cứ mỗi lần cầm tấm thiệp mời trên tay là cô nàng lại đắn đo suy nghĩ, cân nhắc một hồi rồi đưa ra quyết định.
Xác định mối quan hệ với "chính chủ": Càng thân thì càng nhiều, đôi khi cũng có một vài trường hợp xã giao quan hệ cũng cần nhiều
"Nhớ hồi còn sinh viên hay mới ra trường đi làm, đi đám cưới bạn bè chả phải lo chuyện mừng cưới thế nào cho phải phép đâu, hồi đấy làm gì có tiền mà mừng nhiều, phong bì cưới chắc 200 - 300 ngàn là nhiều rồi" - A chia sẻ.
Một cảnh trong phim "Về nhà đi con" khi Thư Vũ kết hôn ở tập 36.
Sau này rồi mới thấy vấn đề kinh tế nó tác động đến chuyện mừng cưới thế nào. Bạn bè càng thân thì mình sẽ mừng nhiều và chăm chút hơn, nếu bạn mình là cô dâu thì mình hay tặng thêm quà cưới, cũng chỉ là mấy món đồ nhỏ xinh dành cho 2 vợ chồng thôi. Đa phần đám cưới bạn thân mình mừng tầm 500 ngàn (bây giờ hầu như ai cũng mừng cưới như vậy) hoặc có thể hơn.
Cũng may mình không làm trong lĩnh vực kinh doanh, cần nhiều mối quan hệ với đối tác, chứ nếu có chắc đám cưới bạn bè đối tác phong bì 500 ngàn thì buồn cười quá. Lúc đấy ít nhất cũng là tiền triệu mới đủ cả mừng cưới lẫn "tiền quan hệ xã giao".
Địa điểm tổ chức đám cưới
Địa điểm tổ chức đám cưới cũng quyết định chuyện phong bì mừng cưới của khách mời. Nếu lễ cưới được tổ chức ở nhà hàng tiệc cưới sang trọng, thì tiền mừng cũng nhiều hơn so với tổ chức ở quê, tại nhà. Nếu ở quê, thông thường đám cưới tiền mừng đi 200 ngàn là được nhưng ở nhà hàng thì tiền mừng chắc chắn là 500 ngàn hoặc có khi còn hơn thế.
"Có lần đi đám cưới mình còn quên tiệt cái vụ bỏ phong bì vào hòm tiền mừng. Ăn cưới xong, chụp ảnh xong xuôi thảnh thơi ra về mà quên béng nhiệm vụ quan trọng. Về đến nhà rồi mới hớt hải quay lại khách sạn để bỏ phong bì, hơi muối mặt với cô dâu chú rể nhưng thôi muộn còn hơn không" - A chia sẻ.
Nên để tiền chẵn hay tiền lẻ trong phong bì mừng cưới
Số tiền mọi người thông thường bỏ phong bì là 300, 500 hay 700 ngàn hoặc nhiều là 1 triệu… (700 ngàn áp dụng cho trường hợp nếu bạn đi cùng 1 người ví dụ người yêu). Bạn có thể tùy chọn số chẵn, lẻ không có vấn đề gì cả, nhưng đa phần mọi người đều kiêng mừng 400 (số 4 là tứ tử mang ý nghĩa không may mắn).
Nếu bạn không tới dự đám cưới
Thêm một phát sinh nữa, nếu bạn bận không tới dự được đám cưới bạn bè thì bạn sẽ mừng như thế nào. Khá nhiều người băn khoan về chuyện này, thậm chí còn suy nghĩ hơn cả việc bạn có đi đám cưới. Tuy nhiên đối với trường hợp này không có con số quy định mà tùy vào từng hoàn cảnh, từng đối tượng và điều kiện cho phép mỗi người sẽ đi khác nhau.
"Khi không đến dự đám cưới được thì mình thường hỏi thêm bạn bè xem có ai cũng bận như mình không để gửi cùng với nhau, rất ít khi mình gửi phong bì đơn lẻ một mình nếu không đi được. Khi đó mình và người bạn kia sẽ tự bàn bạc với nhau để cân đối cả hai và mừng cưới cho hợp lý, tránh trường hợp sau này lại ngại với nhau" - A chia sẻ.