Đó là chia sẻ của nữ thượng úy Nguyễn Thị Thu Giang, cán bộ Cán bộ Đội Đăng kí quản lý phương tiện – Đội CSGT số 1 (Công an TP. Hà Nội).
Suốt hơn 10 năm qua, chưa năm nào thượng úy Giang được ăn Tết trọn vẹn với gia đình.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh nữ chiến sĩ CSGT Thu Giang thường ngày vẫn phụ trách việc phân luồng ở ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Từng động tác phân luồng giao thông nhanh nhẹn, dứt khoát của nữ cảnh sát xinh đẹp này với nụ cười luôn nở trên môi khiến những người tham gia giao thông đây cảm mến.
Trò chuyện với chúng tôi, thượng úy Thu Giang cho biết, mình sinh ra trong gia đình vốn có truyền thống theo ngành công an khi cả bố mẹ, chị, em đều làm trong lực lượng vũ trang. Và người "bạn đời" của Giang hiện tại cũng công tác trong ngành.
Trong công việc, cô và đồng nghiệp luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau và giúp đỡ người dân.
"Tôi có được sự chia sẻ, hỗ trợ rất nhiều từ gia đình. Đó cũng là 1 phần nguồn động lực giúp tôi làm tốt công việc của mình", đó là câu chuyện mở đầu cho những tâm sự của nữ CSGT đã có thâm niên 10 năm trong nghề và 3 năm đứng trên bực chỉ huy điều tiết giao thông vào giờ cao điểm.
Tết nào chị Giang cũng trực hết đêm 30, cũng tham gia tại các điểm bắn pháo hoa để đảm bảo an ninh cho người dân. Khi chứng kiến vụ tai nạn giao thông trên, những nữ CSGT đứng trên bục chỉ huy như Giang cũng xuống đường giúp người bị nạn và liên lạc với người thân của họ, đồng thời đưa người bị nạn đi cấp cứu tại bệnh viện, kết hợp báo cơ quan công an gần nhất để xử lý tai nạn.
Hỏi về cảm xúc của thượng úy Giang khi Tết mọi người đi chơi, mình lại đi làm, chị cười vui hơn. "Khi tất cả mọi người đang vui vẻ đón năm mới bên gia đình thì hầu như lúc đó chúng tôi phải dốc toàn bộ lực lượng để phân luồng giao thông, tránh tai nạn và ùn tắc để người dân vui vẻ đón Tết. Tôi luôn tâm niệm rằng lấy niềm vui, hạnh phúc của dân làm niềm vui cho mình", thượng úy Giang chia sẻ.
Chính vì công việc của cả hai vợ chồng những ngày Tết đều rất bận rộn nên các con của anh chị những ngày này cũng "thiệt thòi".
"Giờ hai đứa con của tôi cũng thế. Các con cũng thiệt thòi vì bố mẹ không đưa đi học cũng không đón đi học về. Những việc ấy đều nhờ ông bà hỗ trợ. Vợ chồng tôi cũng bù đắp cho con vào những ngày khác nếu có cơ hội", chị Giang mỉm cười.
Chị Giang khiêm tốn cho biết: "Chúng tôi trong lực lượng cũng hi sinh rất nhưng có là gì so với sự hi sinh thầm lặng của những người làm công tác vệ sinh môi trường. Đêm hôm gió rét, họ vẫn ngoài đường. Rồi hình ảnh những người công nhân chui trong ống cống thoát nước để dọn dẹp, sửa chữa..."
Thượng sĩ Nhi hằng ngày cũng tất bật phân luồng giao thông đặc biệt là những ngày Tết.
Cũng giống như thượng úy Giang, thượng sĩ Bùi Nguyễn Uyên Nhi (23 tuổi, Đội CSGT số 3, Phòng PC67 CATP Hà Nội) công tác trong ngành công an 2 năm cũng là ngần ấy năm chị phải đón Tết xa nhà.
Nhi kể cho chúng tôi nghe về những ngày mình đứng trên bục chỉ huy tại các chốt: Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Phạm Ngọc Thạch – Xã Đàn. Mưa có, nắng có… nhưng không làm giảm nhiệt huyết và tình yêu màu áo vàng của cô gái đến từ thành phố Hải Dương ấy.
Với Nhi, suốt 2 năm qua kể từ khi vào ngành chưa năm nào được đón Tết đầy đủ với gia đình.
Nhi cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp cảnh sát nhân dân cô được phân công về làm tại Đội CSGT số 3 được gần 2 năm nay. Trong suốt quá trình theo nghiệp, trong thâm tâm của nữ thượng sĩ CSGT ấy không bao giờ quên những ngày giáp Tết khi mọi người đều về sum họp cùng gia đình, Nhi và nhiều đồng nghiệp vẫn thầm lặng làm công việc cấp trên giao phó.
"Khi đứng chốt, tôi có nhiều kỉ niệm nhưng kỉ niệm buồn sẽ nhiều hơn, đặc biệt là ngày lễ, tết. Gần nhất là tết năm ngoái khi sáng 28 Tết, mình vẫn đứng trên bục chỉ huy để điều tiết giao thông. Lúc đó trên đường chỉ còn 1-2 xe mà mình vẫn phải làm hết trách nhiệm", thượng sĩ Nhi cho hay.
Theo nữ CSGT này, những ngày Tết, cô có cảm giác rất buồn. "Mọi người đã về hết còn mình vẫn chưa về để phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, lúc ấy tủi thân lắm. Nhưng nghĩ tới niềm đam mê với công việc, tôi lại cố gắng vượt qua. Hiểu công việc của con cái nên phần nào bố mẹ tôi cũng cảm thông", Nhi tâm sự.