Vì phải đeo khẩu trang và kính bảo hộ trong thời gian dài nên trên mặt người y tá xuất hiện vết bầm tím. Ảnh: JoongAng Ilbo
Y tá Kim Mi Rae – Bệnh viện đại học Kyung Pook
Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia Daegu Bukgu hiện đang là nơi cách li của 150 bệnh nhân nghi nhiễm virus corona. Ước chừng 160 nhân viên y tế bao gồm 31 bác sĩ và 121 y tá đang chăm sóc những bệnh nhân cách li này.
Y tá Kim Mi Rae (60 tuổi) dù đang trong giai đoạn nghỉ ngơi trước khi nghỉ hưu nhưng vẫn đăng kí tình nguyện lên tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh.
Mới đây, bà đã chia sẻ với tờ Joongang Ilbo (Hàn Quốc) về những ngày chiến đấu này.
"Những y tá và bệnh nhân đang phải chiến đấu với virus corona như đang mắc kẹt trong một phòng bệnh như đảo hoang không người chỉ chờ nhận những loại lương thực tối thiểu nhất cần thiết cho sự sống.
Lúc mới bắt đầu làm việc tại bệnh viện ở cái độ tuổi trẻ trung, tươi đẹp như hoa ngày ấy, tôi từng có cảm giác sợ hãi nếu như ai đó mở to mắt nhìn tôi, nhưng bây giờ thì nỗi sợ đó đã không còn nữa. Tôi đã trở nên quen dần với lối sinh hoạt ở bệnh viện, bên cạnh những đồng nghiệp của mình.
Dù rằng mọi người có thể sẽ thân thiết hơn nếu có cơ hội gần gũi với nhau, nhưng bây giờ ai nấy đều mang trong mình nỗi bất an, tránh tối đa tiếp xúc với người khác nên câu chuyện thân thiết càng trở nên khó khăn.
Những bác sĩ không thể ngủ nếu không uống vài cốc bia. Họ nói nếu không có hơi cồn của bia, cảm giác như mình không thể có sức lực để làm việc tiếp nữa".
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi tại phòng nghỉ của các y tá
Y tá Lee Hee Joo (50 tuổi), Bệnh viện Đại học Kei Myung
Y tá Lee Hee Joo
Sau khi nhận được thông báo sáng mai tôi sẽ làm việc ngay tại phòng bệnh điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona từ khoa điều dưỡng, đầu óc tôi bỗng trở nên trống rỗng.
Vào ngày đi làm đầu tiên, ngay khi bước chân vào bệnh viện Daegu Dongsan, cảnh tượng mọi cửa ra vào của bệnh viện đều bị phong tỏa khiến tôi có phần choáng ngợp. Sau khi thay đồng phục bảo hộ trong sự hồi hộp lo lắng, khi được huấn luyện về những trường hợp phải chú ý trong phòng bệnh, tôi dồn hết mọi sự tập trung của mình để lắng nghe vì sợ rằng mình có thể bỏ lỡ điều gì đó quan trọng.
Xem lại video đào tạo những vấn đề liên quan đến trang bị đồ bảo hộ, mặc dù tôi đã mường tượng những bước mình phải làm không biết bao nhiêu lần nhưng khi áp dụng vào thực tế, tôi mới có thể cảm nhận bằng cả cơ thể rằng nó khác xa với lý thuyết như thế nào.
Phải mất 20 phút tôi mới có thể mặc hoàn chỉnh đồ bảo hộ bao gồm áo quần bảo hộ, kính bảo hộ, ủng bảo hộ và găng tay. Ngay cả việc di chuyển đến phòng bệnh cũng trở nên bất tiện khi từ đầu đến chân đều bị bịt kín.
Hơi ẩm trong kính bảo hộ quá dày khiến tôi không thể nhìn rõ phía trước nên cả việc xác nhận đơn thuốc của bác sĩ cũng là một thử thách với tôi. Cả việc tiêm thuốc hạ sốt cũng trở nên nhọc nhằn vì tay phải đeo găng tay bảo hộ, ngay cả chuyện cố định bình truyền dịch bằng băng dán cho bệnh nhân cũng không hề dễ dàng gì.
Sau khi kết thúc ca làm, vì khả năng lây nhiễm virus qua đồ bảo hộ là rất cao, nên cho đến khi cởi bỏ hết đồ bảo hộ theo đúng trình tự và quy tắc, tôi vẫn mang trong mình nỗi lo lắng. Đến bước khử trùng tay cuối cùng, tất cả mọi thứ đều phải được đảm bảo trình tự và tuân thủ quy tắc an toàn tuyệt đối nên không thể lơ là một giây nào.
Thực tế, không những các bác sĩ điều trị mà cả những nhân viên làm công tác hỗ trợ điều trị đều đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cực kì cao nhưng tất cả đều nỗ lực làm việc hết mình. Đặc biệt trước tình trạng nhân lực điều dưỡng đang thiếu thốn trầm trọng, các y tá phải hi sinh giờ nghỉ của mình làm việc từ sáng đến tối, có y tá làm 2 ca từ sáng sớm cho đến tối khuya.
Một lần, có một y tá làm việc ở phòng bệnh kế bên, vội vã chạy ra khỏi phòng bệnh, tôi tự hỏi vẫn chưa đến giờ giao ca mà, có chuyện gì thế nhỉ? Hóa ra cô ấy bị chảy máu mũi. Sau khi băng lại vết thương, nữ y tá đã trở lại làm việc với tất cả sức lực còn lại.
Chiến đầu với virus corona ngay tại tuyến đầu dịch bệnh thực sự là một trải nghiệm không thể quên đối với tôi. Chúng tôi đều tự dặn lòng phải hoàn thành tốt vai trò của mình. Mỗi ngày cho đến khi tan ca, tôi đều mang trong mình hi vọng rằng ngày mai sẽ ít bệnh nhân nhập viện hơn, dịch bệnh hãy mau chấm dứt để mọi người có thể quay trở lại nhịp sống thường ngày.