Liên quan đến câu chuyện bé gái 5 tuổi khi đi xin tiền đã nằm ngủ ngon lành trên vỉa hè trong đêm lạnh ở thành phố Nam Định gây xôn xao dư luận, bà Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định cho biết, sau khi báo chí thông tin bà đã nắm về trường hợp này.

Theo bà Hà, nếu hoàn cảnh của cháu bé khó khăn mà đi xin ăn thì đơn vị cũng rất băn khoăn, sẽ không thể để bé như thế này được.

Tâm sự nghẹn đắng của bà ngoại bé gái 5 tuổi ngủ vỉa hè trong đêm lạnh ở Nam Định - Ảnh 1.

Mới 5 tuổi nhưng bé gái đã phải lang thang khắp đường phố xin tiền về cho bà thuốc thang. Ảnh: H.P

Bà Hà cũng cho biết, hiện nay có nhiều bà mẹ không muốn đưa con mình vào phòng bảo trợ trẻ em mà lại muốn lợi dụng các cháu bé để đi xin ăn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ chỉ lên tiếng quyết liệt chứ không thể đưa cháu về nuôi được vì không có chức năng đó. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ sẽ phối hợp với Sở Lao động, thương binh và xã hội cùng giải quyết về trường hợp này.

Tâm sự nghẹn đắng của bà ngoại bé gái 5 tuổi ngủ vỉa hè trong đêm lạnh ở Nam Định - Ảnh 2.

Hình ảnh bé gái 5 tuổi nằm ngủ trên vỉa hè vì quá mệt khiến nhiều người xót xa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bé gái nói trên là Lê Thị Thùy Linh (5 tuổi, ở xã Nam Phong, TP Nam Định). Cháu bé đang ở với bà ngoại năm nay đã 80 tuổi và đàn em nheo nhóc. Theo lời người thân, bố cháu hiện đang ở tù.

Ông Trần Văn Tiến (bác ruột cháu bé) cho biết, Linh thương bà ngoại lắm, đi xin về hay đưa tiền cho bà thuốc men và đi tiêm.

“Nó thấy bà bị liệt, bệnh tật không đi xin được nên nó đi xin để cho bà thuốc thang. Có nó bà mới đỡ bệnh tật, không còn bị liệt nặng hơn. Ở trong nhà Linh quý bà ngoại nhất, nó thường cho bà hôm thì dăm chục, hôm thì một trăm. Có hôm xin được nhiều nó lại lén đưa cho bà hai trăm”, ông Tiến kể.

Tâm sự nghẹn đắng của bà ngoại bé gái 5 tuổi ngủ vỉa hè trong đêm lạnh ở Nam Định - Ảnh 3.

Bà ngoại cháu bé trong căn nhà 12m2.

Theo ông Tiến, bà ngoại Linh là Trần Thị Quang, hơn 1 năm trở lại đây bị liệt ở chân không đi lại được nên phải ở nhà. Bà Quang có 5 người con, mỗi người 1 nơi, có ông Tiến và chị Hoa (mẹ cháu Linh) là ở cùng bà cụ.

Hàng tháng, mấy người con cũng có gửi gạo và 500 - 600 nghìn đồng cho bà Quang lấy tiền đi tiêm. Mỗi tháng bà cụ đi tiêm cũng 7- 8 lần, mỗi lần hết 150 - 200 nghìn đồng/mũi.

“Cháu đi ăn xin được được đồng nào là dành dụm đưa cho bà. Linh hiếu thảo cho rằng, trước bà nuôi cháu, giờ bà già yếu không đi được thì cháu nuôi lại bà”, ông Tiến xúc động kể lại.

Tâm sự nghẹn đắng của bà ngoại bé gái 5 tuổi ngủ vỉa hè trong đêm lạnh ở Nam Định - Ảnh 4.

Trước đây bà Quang đi xin tiền nuôi cháu. Giờ bị liệt chân nên chấp nhận cảnh cháu đi xin tiền về nuôi bà...

Nói về đứa cháu gái 5 tuổi, bà Quang ngồi trong căn nhà nhỏ 12m2 thều thào: “Chân tôi đau cả năm nay không đi lại được. Đôi lúc chỉ muốn làm gì đó giúp đỡ cháu gái nhưng bất lực. Cứ đến kỳ mà không đi tiêm chân tôi lại đau nhức, may là còn đứa cháu nhỏ ngoan ngoãn giúp bà bớt đau”.

“Linh nó ngoan lắm, thương bà, mẹ và các em. Mấy hôm rồi bị thương ở chân nên cháu ở nhà không đi đâu cả, chứ thường thì hiếm khi thấy nó ở nhà”, bà Quang nói.

“Trước đây tôi hay đi rửa bát cho người ta, sau dần sức khỏe yếu nên tôi đành đi xin về nuôi các cháu, còn hơn năm nay tôi nằm 1 chỗ rồi. Mọi người nói cháu tôi đi xin về nuôi bà cũng đúng, nó toàn đi xin rồi về cho tôi tiền thuốc thang đấy, cho nhiều rồi. Nó thương tôi lắm, kể ra mà được đi học tử tế chắc con bé thông minh, nhanh nhẹn lắm đấy”, bà Quang ứa nước mắt nói.

Tâm sự nghẹn đắng của bà ngoại bé gái 5 tuổi ngủ vỉa hè trong đêm lạnh ở Nam Định - Ảnh 5.

Vừa qua, trong lúc anh trai đèo đi xin tiền, không may bé gái 5 tuổi bị kẹp chân vào bánh xe đạp dẫn đến bị thương.

Theo lời bà Quang, Linh hay thủ thỉ tâm sự với bà và sống rất tình cảm. Tuy nhỏ tuổi nhưng cháu lại hiểu chuyện, hiểu hoàn cảnh gia đình, không đòi hỏi gì cả.

“Hôm rồi nó còn khoe với tôi, bà thấy cháu có giỏi không, cháu nhỏ vậy mà cũng nổi tiếng là nuôi bà đó. Nghĩ mà thương con bé vô cùng. Lắm hôm rét mướt ngoài đường, rồi những lúc buồn ngủ, một mình co ro nằm giữa đường không chăn màn cả đêm....”, bà Quang nghẹn ngào.