Tâm sự nhói lòng của một bà mẹ về sự xa cách của con trai đang lớn - Điều cha mẹ nào cũng hiểu nhưng không dễ giải quyết
Chuyện gì sẽ xảy ra khi đứa con tuổi teen của bạn cảm nhận một vấn đề theo cách này, còn bạn lại nhìn theo cách khác và giữa hai mẹ con luôn tồn tại những khoảng cách vô hình?
Nỗi lòng của người mẹ
Con trai tôi luôn rất quảng giao. Hồi nhỏ, điều đó đồng nghĩa với việc con chẳng ngại trò chuyện với người lạ. Con luôn nhảy múa tự do và cởi mở theo bất cứ giai điệu sôi nổi nào. Con được chẩn đoán bị tự kỷ nên nét tính cách này của con khiến tôi rất tự hào.
Tuy nhiên, những năm tháng tuổi teen, con đã thay đổi rất nhiều. Khi Kaleb ý thức nhiều hơn về sự khác biệt của mình, con liên tục rơi vào trạng thái âu lo. Vùng đất mới mang tên trường cấp 3 cũng trở thành thử thách với con.
Tôi đã dành nhiều năm cuộc đời để hướng dẫn con những kỹ năng xã hội. Khi thấy con trong những tình huống giao tiếp mà không sử dụng các công cụ tôi đã trao cho con, tôi chẳng thể giúp gì ngoài cảm giác lo lắng. Tôi không thể chấp nhận sự thật rằng con đã có khoảng thời gian vui vẻ, ngay cả khi con khẳng định như vậy, khi tôi biết con đã dán mắt vào điện thoại gần như cả buổi tối hôm đó.
Khi tôi khích lệ con hoà mình với mọi người, kết bạn với những người bạn thực sự, tôi cố gắng ghi khắc trong đầu rằng, khả năng nhận biết các tín hiệu giao tiếp xã hội, đọc biểu cảm gương mặt, thấu hiểu lối nói tu từ và sự hài hước trong hoàn cảnh cụ thể không đến với con một cách tự nhiên. Tôi không thể tưởng tượng bao nhiêu nỗ lực cần có thể giúp con tương tác với mọi người theo những cách trên.
Ảnh minh họa
Tôi cũng biết rằng, con khao khát tình bạn. Tôi cũng muốn điều đó cho con nhưng sự thật luôn tồn tại những điều khác biệt. Hồi tôi mới vào cấp 3, tôi muốn đi xem phim, hẹn hò với tụi bạn và tám chuyện sau đó. Tôi muốn được ra khỏi nhà. Nhưng con thì mừng khi có ai đó ghé qua, con chào họ và rồi lại đắm chìm vào màn hình điện thoại.
Tôi không thể không băn khoăn liệu thời gian tôi dành để hướng dẫn con tiếp tục những cuộc đối thoại một chiều dài dằng dặc về một chủ đề nào đó đã phản tác dụng. Hay vấn đề nằm ở cái cách tôi khuyến khích con vượt ra khỏi vùng an toàn chỉ một chút thôi và tham gia vào vở kịch. Dù vậy, khi đã suy nghĩ cẩn trọng, tôi hình dung tới việc chỉ cần một lần đẩy con vượt quá xa vùng an toàn của mình cũng có thể làm tổn thương sự tự tin của con cũng như mối quan hệ của chúng tôi?
Điều con trai thật sự suy nghĩ
Trường cấp 3 thật khó khăn. Tôi muốn trở thành người lớn, nhưng sao mà khó quá. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, hồi đó dễ dàng hơn nhiều. Tôi không phải tuân theo quá nhiều quy tắc. Giờ thì cha mẹ tôi đưa ra những quy định như không ôm hôn.
Lúc nào tôi cũng quên. Xem điện thoại có thể dễ dàng hơn với tôi nhưng không phải lúc nào tôi cũng vậy. Tôi thường chỉ vẫy tay với mọi người thay vì thốt nên lời nào đó. Tôi cảm thấy căng thẳng khi gặp gỡ những người mới. Tôi không biết tại sao?
Tôi thuộc tuýp lặng lẽ. Khi tôi không muốn người khác trò chuyện với mình, tôi chỉ muốn yên tĩnh. Đó không phải điều duy nhất tôi thích. Tôi thích diễn xuất trong các vở kịch mà mẹ cho tôi tham gia. Tôi sẽ trở thành ai đó. Không phải lúc nào tôi cũng thích nói lời thoại của mình.
Đến thư viện sau giờ học, tôi thấy những đứa trẻ khác ngồi trên sàn. Nhưng mẹ yêu cầu tôi không làm vậy. Tuy thế, các bạn ấy nghĩ làm thế thật ngầu. Vì vậy, tôi cũng muốn thử xem. Nếu làm quen mọi quy tắc mà mẹ đề ra, những bạn khác sẽ nghĩ tôi chẳng ngầu chút nào. Tôi trò chuyện về loài khủng long và cho các bạn ấy xem hình ảnh khủng long trên điện thoại của tôi.
Mẹ đến để đưa tôi về nhà. Nhưng tôi không thích khiêu vũ. Âm thanh quá ồn và còn tối nữa. Tôi còn có cảm giác không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Đôi khi, tôi cảm thấy ổn hơn khi không bị ai nhìn thấy.
Và điều chuyên gia thực sự muốn nhắn nhủ đến
Một trong những nhiệm vụ phát triển chính của tuổi thiếu niên là xác định xem bạn là ai trong mối liên hệ với các thành viên trong gia đình. Lứa tuổi teen đang lọc ra những đặc điểm của bố mẹ mà mình thích cũng như những đặc điểm mà mình có thể hoà hợp. Bên cạnh đó là những mặt nào trong cá tính, sở thích, cách cư xử của cha mẹ mà trẻ không hề muốn liên quan (ít nhất là cho tới lúc này). Trẻ còn nhỏ thường thần tượng hoá cha mẹ. Trong khi teen thường tạo khoảng cách với chính cha mẹ mình và phát triển các quan điểm văn hoá dựa nhiều hơn vào những điều mà bạn bè xem là giá trị.
Kaleb, như phần lớn các bạn tuổi teen khác, ý thức được rằng, em không còn là một đứa trẻ nít nữa. Nhưng đồng thời em cũng chưa thành người lớn. Chính điểm giao mong manh này khiến trẻ thật khó sống. Ví dụ của Kaleb cho thấy, em đang tìm kiếm sự độc lập nhiều hơn trong gia đình và tìm cách để hoà nhập với nhóm bạn đồng trang lứa. Em mô tả mong muốn ngồi trên sàn thư viện bởi đó là điều mà những bạn cùng tuổi khác vẫn làm. Em muốn tuân thủ quy tắc của nhóm bạn ấy (ngồi trên sàn là rất ngầu), chứ không phải quy tắc của mẹ em (không được làm vậy).
Ảnh minh họa
Kaleb đề cập tới một số quy tắc khác, như không ôm hôn, diễn đạt theo cách mình hiểu và tôn trọng không gian riêng tư. Tuân thủ những quy tắc này sẽ giúp Kaleb hoà đồng hơn. Nhưng có vẻ như việc phá vỡ quy tắc cũng giúp cậu bé hoà nhập tốt hơn.
Kaleb và mẹ có thể muốn cùng ngồi lại, trò chuyện về việc tuân theo một số quy tắc giúp hình thành quan hệ bạn bè như thế nào, đồng thời linh hoạt với một số quy tắc khác cũng có thể đem lại tác dụng tương tự.
Mẹ Kaleb đã nêu lên một câu hỏi quan trọng về việc liệu khuyến khích con vượt ra khỏi vùng an toàn giúp ích hay gây hại. Còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhà tâm lý học Lev Vygotsky cho rằng, trẻ học tốt nhất khi người lớn đẩy trẻ lên cao hơn chút so với trình độ của kỹ năng mà trẻ đã thuần thục một cách độc lập. Mức cao hơn này chính là khi trẻ vẫn có thể thực hiện kỹ năng đó, kèm theo chút trợ giúp. Sau đó, nhà tâm lý học Jerome Bruner đề xuất thuật ngữ "scaffolding" (khó hơn một chút so với trình độ hiện tại của trẻ) để mô tả cách thức người lớn có thể hỗ trợ giúp trẻ học tập và trưởng thành như thế nào.
Hai mẹ con Kelly và Kaleb là ví dụ điển hình của trường hợp scaffolding thành công: Kaleb hứng thú và say mê diễn kịch. Mẹ em đã tạo điều kiện để em mài giũa sở thích này. Diễn xuất có lẽ là cách tốt để Kaleb học cách diễn tả bản thân bằng lời. Dù em không phải lúc nào cũng thích nói lời thoại của mình, diễn xuất có vẻ như là mức mà Kaleb có thể đảm đương được khi được mẹ khuyến khích vượt ra ngoài vùng an toàn. Bởi em thích được vào vai một người khác. Do đó, em không bị cảm giác là bị đẩy quá xa khỏi vùng an toàn.
Ảnh minh họa
Công thức chuẩn cho việc để trẻ trải nghiệm hoạt động ở mức cao hơn chút so với trình độ hiện tại, nói chung, và đặc biệt với những trẻ bị tự kỷ, là bắt đầu bằng thứ trẻ thích, sau đó, mở rộng dần ra.
Các cá nhân bị rối loạn phổ tự kỷ thường có các trải nghiệm giác quan rất mạnh. Kaleb đã mô tả sự kiện chào đón học sinh cũ về trường là rất ầm ĩ và tối tăm. Còn mẹ em lưu ý chi tiết, em thổ lộ rằng quần áo mặc cho sự kiện ấy mà mẹ mua cho mình gây ngứa cũng như cảm giác khó chịu. Khi Kaleb cảm thấy thoải mái về thể chất, em có thể để người khác (mẹ) thúc đẩy hoặc tự mình vượt ra khỏi vùng an toàn để thử thứ gì đó như trò chuyện, tham gia một buổi khiêu vũ. Nhưng khi được đề nghị làm việc gì đó thử thách tương tự nhưng em bị xao nhãng hoặc các thông tin mà giác quan tiếp nhận trở nên quá tải, thử thách ấy là quá nhiều. Kaleb và mẹ có thể cần ngồi lại để thảo luận các cách giảm thiểu tối đa cảm giác khó chịu về thể chất trong những tình huống khác nhau. Nhờ đó, em có thể tập trung hơn vào việc giao lưu.
Kaleb và mẹ đều có chung mục tiêu: Giúp đỡ em có được và duy trì những tình bạn ý nghĩa. Để tiến bộ với mục tiêu này, cả hai cần thực hiện một số thoả hiệp và quan trọng nhất, không ngừng trò chuyện, trao đổi với nhau.
Nguồn: Yourteen