Xin phép cho em đi thẳng vào câu chuyện mới xảy ra ở nhà mình sáng nay. Bố mẹ đẻ em chỉ có mỗi em là đứa con gái độc nhất. 10 năm trước, bố em bị tai nạn giao thông nghiêm trọng nên đã mất trên đường ông đi công tác vào Đà Nẵng. Từ đó, suốt chục năm nay, em và mẹ sống cùng nhau.
Mẹ em là giáo viên cấp 2 đã về hưu. Từ khi về hưu, mẹ em mở cửa hàng bán hàng tạp hóa ngay tại nhà. Còn em, có công việc ổn định với mức lương khá. Cuộc sống của 2 mẹ con em sau ngày bố mất may mắn vẫn ổn định và không quá chật vật.
Em điếng người và rớt nước mắt khi nghe mẹ chồng bày kế cho con dâu cách làm mẹ đẻ rời bỏ cõi đời sớm (Ảnh minh họa)
Đám cưới xong, để 2 vợ chồng đi làm gần và vẫn chăm sóc được mẹ nên vợ chồng em xin phép mẹ chồng được dọn đến ở cùng mẹ đẻ cho vui cửa vui nhà. Mẹ chồng cũng đồng ý luôn mà không gây khó dễ gì. Bởi vì nhà chồng em cũng khá đông con (2 trai và 1 gái), không neo người như nhà em.
Cuộc sống của vợ chồng em bên nhà ngoại cũng như mối quan hệ của em với nhà chồng vẫn cứ tốt đẹp và bình thường như vậy cho đến ngày cách đây 1 năm, mẹ đẻ em đổ bệnh tai biến mạch máu não. Khi ấy, vợ chồng em cũng đã có con nhỏ 17 tháng tuổi và cháu đã được gửi đi lớp gần nhà.
Từ khi mẹ đẻ bị tai biến, vợ chồng em vất vả hơn nhiều. 3 tháng trời chữa trị cho bà ở bệnh viện, mọi việc đều do hai đứa đảm nhiệm từ A-Z. Nhất là chồng em, có những hôm phải thu xếp nghỉ làm để chăm mẹ vợ. Vì đi đi lại lại nhiều, anh gầy đi trông thấy. Nhưng anh chưa bao giờ phàn nàn về điều này mà vẫn tận tâm chăm sóc mẹ vợ. Xin nói thêm, chồng em là người đàn ông tốt, công bằng với hai bên nội ngoại và rất hiếu thuận.
3 tháng điều trị tại viện không có kết quả, các bác sĩ cuối cùng đã quyết định trả mẹ em về nhà. Từ khi về nhà, mẹ em phải sống đời thực vật, nằm liệt một chỗ, bà cũng bị cấm khẩu không nói được.
Nếu như nhà chị em nào có người bị tai biến và phải nằm một chỗ sẽ biết việc chăm chút sinh hoạt, tập luyện, ăn uống cho người bệnh vất vả đến thế nào. Nhất là mẹ em chưa tự vận động được, nên bọn em phải giúp mẹ thay đổi tư thế nhiều lần/ngày để tránh lở loét. Hay như khi ăn uống thì phải đảm bảo đủ chất và cân đối. Nói chung quá trình chăm sóc người bệnh phải tỉ mỉ, kiên trì rất nhiều từ phía người nhà.
Vì con em đã đi lớp nên cũng không cần bà nội phải sang ở cùng hay đỡ đần trông con. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bà nội vẫn qua lại thăm thông gia và đỡ đần vợ chồng em việc nhà. Để có thêm người chăm sóc bà ngoại khi 2 vợ chồng đi làm ban ngày, vợ chồng em cũng thuê người giúp việc.
Nhưng ức chế một nỗi, mỗi khi mẹ chồng em sang nhà chơi, bà đều hay nói những lời không hay với người bệnh. Thấy cô giúp việc kể vợ chồng em đã vất vả thế nào về tiền nong và công sức để chăm lo cho bà ngoại hàng ngày, mẹ chồng em tỏ rõ sự xót con trai và không hài lòng ra mặt.
Thậm chí có lần, cô giúp việc còn kể lại với em rằng, bà nội cháu sang, nhìn thấy mẹ đẻ em nằm liệt giường còn thở dài nói rõ to: “67 tuổi cũng chết được rồi bà ạ. Sống mà cứ nằm liệt giường thế này khổ bao người phải hầu hạ theo. Cái thằng T - con rể bà chưa biết chừng cũng có ngày phát ốm và suy nhược cơ thể vì bà thôi”.
Lần khác, cô giúp việc lại nói, hôm ấy bà nội cháu sang chơi và trước khi về còn lắc đầu ngán ngẩm bảo: “Bà chết thì chết luôn đi, sao cứ nằm liệt thế này. 5 tháng từ ngày ở viện về mà vẫn….”.
Nói chung, còn rất nhiều lần khác cô giúp việc nghe thấy những lời ác mồm ác miệng bà nói với mẹ đẻ em. Vì nghĩ em chỉ là con dâu, mẹ chồng lại không nói trước mặt nên em dù tức cũng không đôi co.
Em chỉ kể lại với chồng đại ý rằng: “Sao bà nội lại nói bà ngoại với những lời độc ác như vậy chứ?”. Chồng em có góp ý lại với mẹ chồng nhưng bà nội cháu chối bay. Bà không nói thế bao giờ. Nhưng cô giúp việc bảo cô cũng không bao giờ đặt điều ra những lời như vậy.
Cho tới sáng hôm nay, khi đang tranh thủ ở nhà dọn dẹp nhà cửa trước khi đi làm thì em nhận được cuộc gọi từ mẹ chồng. Mẹ chồng hỏi thăm cháu và mẹ đẻ em. Tình trạng của mẹ em thế nào, em cũng kể rõ cho mẹ chồng biết. Rồi bà chẹp miệng nói: “Tao sang đấy, thấy vợ chồng mày cho bà ăn rõ nhiều bữa và nhiều chất. Cứ cho ăn nhiều như vậy thì bao giờ bà mới chịu đi?!. Cho ăn ít thôi để bà đi nhanh, vợ chồng đỡ vất vả”.
Em điếng người và rớt nước mắt khi nghe mẹ chồng bày kế cho con dâu cách làm mẹ đẻ rời bỏ cõi đời sớm. Không còn giữ được sự tự chủ nữa, em cũng nói lại từng lời rõ ràng với mẹ chồng trong điện thoại rằng: “Cảm ơn mẹ đã vẽ nước cho con. Con xin ghi nhận những lời mẹ dạy bảo. Sau này, chẳng may mẹ bị như vậy thì con sẽ nhớ làm theo lời mẹ nói sáng nay. Còn với tình trạng của mẹ con, con quyết còn nước còn tát. Con chăm sóc mẹ con để sau này con cái của con nó nhìn vào mà sống”.
Nghe con dâu “nói tỉa” mát mẻ những lời như vậy, mẹ chồng em bù lu bù loa trong điện thoại: “Tao không ngờ lại có đứa con dâu láo xược như mày. Mày đừng gọi tao là mẹ chồng nữa”. Bà còn chửi bới em rất nhiều, nhưng tai em ù đi và gác máy.
Dắt xe đi làm mà em không cầm nổi nước mắt. Hiện chồng vẫn chưa biết cuộc chiến tranh qua điện thoại giữa em và mẹ chồng sáng nay (Ảnh minh họa)
Khi nghe cuộc trò chuyện gay gắt của em và mẹ chồng, mẹ đẻ em nằm trên giường thấy vậy có ý ngăn cản không cho em nói hỗn. Rồi khi em gác máy, bà cứ nước mắt lưng tròng với ánh mắt trách cứ con gái. Em nhìn mẹ nằm đó mà thương và thấy có lỗi với bà quá.
Dắt xe đi làm mà em không cầm nổi nước mắt. Hiện chồng vẫn chưa biết cuộc chiến tranh qua điện thoại giữa em và mẹ chồng sáng nay. Thật sự em đã quá mệt mỏi và khổ tâm. Em biết đã nói lại mẹ chồng quá nặng lời, nhưng mẹ chồng đay nghiến gì bản thân em cũng nín nhịn và chịu được. Còn đụng đến mẹ đẻ là em không thể chịu đựng được hơn.
Sao lại có người mẹ có thể mong những điều tội tệ đến thế xảy ra với bà mẹ khác thế? Chẳng lẽ thương và xót con trai, bà lại mong người khác sớm mất đi đến thế sao?