Thân gửi các bạn trẻ sinh viên sắp sửa hoặc vừa mới tốt nghiệp đại học
Tôi hiểu cảm giác của các bạn. Các bạn đã phải “vật lộn” rất nhiều thời gian gần đây. Khi dịch Covid-19 ngày càng lan rộng khiến nền kinh tế đình trệ, nhân sự bị cắt giảm khắp nơi, là một người lao động “mới chân ướt chân ráo vào nghề” ắt hẳn các bạn đang vô cùng lo lắng sẽ là những đối tượng bị “bỏ rơi” đầu tiên. Tương lai có vẻ chưa bao giờ mù mờ hơn lúc này...
Cuộc khủng hoảng này chưa từng diễn ra ở bất kỳ đâu, nên tôi cũng không thể tự khẳng định sẽ hiểu được 100% những gì các bạn đang trải qua. Đến các nhà kinh tế học còn phải “đau đầu” để dự đoán được mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào vài tháng hoặc thậm chí vài năm tới nữa mà.
Tuy nhiên, là một người đã “bơi” qua thị trường lao động sau cuộc Đại Suy Thoái 2008, tôi đã dành hẳn 2 năm miệt mài nghiên cứu khoa học xã hội để viết nên cuốn sách sắp xuất bản của mình nói về sự suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp về sau của một người như thế nào.
Ngắn gọn mà nói, cuộc sống thế hệ Y (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến nửa đầu thập niên 1990) đã bị thay đổi vĩnh viễn bởi cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nó đã gây ra một sự tác động tiêu cực “dài vô tận” lên thu nhập, các khoản vay lẫn tiền tích lũy.
Quá nhiều người buộc phải dành nhiều năm để nhảy việc hoặc chỉ tìm được những việc tạm thời/bán thời gian đủ để duy trì thu nhập. Mà rồi, điều gì cũng qua: ai cũng đều “sống sót” cả! Phần lớn đến nay đều đã có được một sự nghiệp ổn định và phù hợp, trong đó có tôi. Tâm thư này, với câu chuyện của riêng mình, tôi hy vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các bạn!
Khủng hoảng dạy ta bài học gì?
Thực ra tôi cảm thấy rất biết ơn những kinh nghiệm “xương máu” từ những năm đầu sự nghiệp cực kỳ chông gai ấy. Tôi trở thành con người “lì đòn” hơn khi không chỉ để cố gắng tìm một công việc giúp chi trả cho các hóa đơn hàng ngày, mà còn cần phải thỏa mãn được các giá trị và đam mê của bản thân. Tiên quyết nhất, hãy học cách kiên cường và tháo vát!
Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng, phần lớn ai cũng đã ổn định được công việc. Tất nhiên, cuộc đời không chỉ toàn màu hồng. Sự ổn định và thành công của thế hệ chúng tôi bị chậm trễ và thấp hơn so với thế hệ khác ở cùng độ tuổi. Nhưng chí ít, nó cũng không phải là “hỏng bét”.
Và thực tế đã cho thấy, nếu thế hệ cũ trước đó thường quan tâm nhiều đến lương bổng và phúc lợi, thì khá nhiều người thế hệ Y lại tìm kiếm những công việc với nhiều tiêu chuẩn cao hơn. Chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc “một công việc có thú vị không?”, “sẽ được học hỏi và phát triển đến mức nào?” và “liệu người sếp tương lai có hợp chăng?”.
Dù đã phải trải qua một giai đoạn kinh tế tồi tệ, nhưng với những giá trị và bài học trưởng thành này, nhiều người đã tìm thấy được công việc mơ ước của mình. Tiếp dưới đây là một số chia sẻ thực tiễn dành cho các bạn đang phải “khởi động” sự nghiệp của mình tại thời điểm bất ổn kinh tế này.
Nhảy việc và việc làm thời vụ cũng là cơ hội
Suy thoái ập đến, tìm được một việc trong học viện là điều không tưởng. Thế là hàng ngày, khi vẫn phải đối mặt với “cơm áo gạo tiền”, tôi đã thử cân nhắc các công việc ngắn hạn khác như làm một “chân” thực tập tại một công ty PR, cộng tác viên phiên dịch, và một nhà báo tự do...
Liên tục nhảy việc và làm nhiều việc thời vụ là chuyện xảy ra “như cơm bữa” đối với thế hệ Y vừa mới ra trường ngay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008. Bởi nhiều công ty để duy trì hoạt động, đã chọn phương án cắt giảm nhân sự toàn thời gian với mức lương cao, để thuê lao động ngắn hạn hoặc cộng tác viên với mức lương rẻ hơn.
Tạm bỏ qua cái nhìn thiếu công bằng và bóc lột đi, sự việc này đã mang đến cơ hội cho chúng tôi, những con người với kinh nghiệm làm việc bằng 0, có được nhiều trải nghiệm việc làm trong một khoảng thời gian ngắn để tìm ra những gì tốt nhất cho cuộc sống của mình.
Thậm chí, nghiên cứu cho thấy việc đã làm qua nhiều ngành nghề khác nhau của một ứng viên thế hệ Y còn chẳng là một điểm trừ “to tướng” trong mắt các nhà tuyển dụng, thậm chí sẽ được coi trọng hơn.
Tuy nhiên, công việc thời vụ cũng có mặt tối của nó, như sự bóc lột sức lao động chẳng hạn! Hãy thận trọng khi “dấn thân” vào những công việc này. Đồng ý là những việc này sẽ giúp các bạn trải nghiệm và thu nhập vượt qua thời kỳ suy thoái.
Nhưng chí ít nên hướng tới những công việc ổn định và mức lương phù hợp nhé. Đến khi có thể, hãy mạnh dạn xin nghỉ việc những nơi lương thấp hơn để tập trung vào việc “đánh bóng” lý lịch nghề nghiệp của mình bằng những công việc mà các bạn thực sự hào hứng.
Đừng từ bỏ công việc mơ ước
Tôi dám chắc rằng các công việc ngắn hạn sẽ giúp các bạn hiểu hơn về chính bản thân mình, loại việc nào là thế mạnh của mình và điều gì giúp các bạn năng suất hơn. Như việc tôi đã hiểu được thế nào là cách quản lý tốt và cách quản lý tồi, thời điểm làm việc nào trong ngày thì lý tưởng với mình, tôi cũng có khả năng thiết kế website và tính toán nữa.
Nhưng quan trọng nhất chính là việc tôi đã nhận ra mình thích viết lách đến cỡ nào, điều này đã giúp tôi hiểu rằng ngoài cái vị trí “khó với tới” trong học viện kia, tôi vẫn có thể đeo đuổi mơ ước của mình bằng nghề báo chí. Vậy là, sáu năm trước, tôi đã trở thành nhà văn toàn thời gian cho Fast Company, và đến nay thì vẫn hào hứng mỗi buổi sáng thức dậy với công việc lý tưởng của mình.
Thế hệ Y và thế hệ Z (những bạn trẻ được sinh từ năm 1996 trở đi) đã được giáo dục phải đeo đuổi theo công việc mơ ước. Nhưng hiếm ai cho các bạn biết rằng ngoài kia không chỉ có duy nhất một thứ các bạn yêu thích, không chỉ có duy nhất một công việc lý tưởng dành cho các bạn. Cởi mở hơn đi, dù cho có suy thoái kinh tế đi nữa, các bạn vẫn sẽ tìm thấy nhiều lựa chọn công việc hữu ích và phù hợp với mình thôi.
Thời gian đứng về phía các bạn
Suy thoái kinh tế 2008 khiến mọi thứ tồi tệ nhưng chỉ vài năm sau đó, các công ty dần dần tuyển dụng trở lại. Và thoáng qua một thập kỷ sau, nền kinh tế đã “tươi sáng” hơn rất nhiều. Không ai dám chắc liệu suy thoái lần này sẽ diễn ra như thế nào, nhưng tôi biết chắc rằng cuối cùng thì tất cả chúng ta cũng sẽ thoát khỏi nó thôi.
Với những người trẻ như các bạn, hãy xem đây là một cơ hội tốt. Khác với những người phải “kẹt” với đúng chuyên môn của mình từ khi mới ra trường, các bạn chưa phải “cam kết” với một chức danh hoặc ngành nghề cụ thể nào cả. Các bạn có cả một quãng thời gian dài để linh hoạt và mở ra những cơ hội mới.
Lời chốt lại, hãy chuẩn bị tinh thần nhé. Vài tháng tới chắc sẽ không dễ dàng cho bất kỳ ai trong chúng ta đâu. Nhưng tôi mong các bạn hãy tin vào bản thân và năng lực của mình để đủ mạnh mẽ để “vụt sáng”. Thế hệ Y đã vượt qua suy thoái kinh tế 2008, và lần này thế hệ Z cũng sẽ vượt qua!