Nữ bệnh nhân 37 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng của bệnh vảy nến sau khi sử dụng thuốc của một thầy lang chữa bệnh.

Tắm thuốc trị vảy nến, nữ bệnh nhân bội nhiễm toàn thân - Ảnh 1.

Tổn thương vảy nến bùng phát sau đợt điều trị bằng thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc.

Bệnh nhân cho biết bị vảy nến từ nhiều năm trước. Do mong muốn được chữa trị tận gốc căn bệnh này, theo lời giới thiệu, bệnh nhân đã đến một thầy lang ở tỉnh ngoài để cắt thuốc uống, tắm, ngâm rồi và bôi thuốc của một thầy lang để trị bệnh vảy nến.

Thời gian đầu bôi, ngâm và tắm xong, da đỡ ngứa. Nhưng một thời gian sau, tổn thương dày lên, xuất hiện viêm nhiễm vùng tổn thương và chảy nước, tổn thương lan rộng khắp người. Da đầu bị tróc vảy, các tổn thương da lan rộng, gây ngứa, đau rát... Không thể chịu được, nữ bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Thăm khám, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết bệnh nhân đến khám trong tình trạng đỏ da toàn thân, ngứa nhiều, trên da có nhiều mảng dát đỏ, mụn mủ, loét da, bong vảy. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc vảy nến có bội nhiễm và dị ứng nghi do thuốc đang sử dụng. Sau một thời gian điều trị tích cực, hiện bệnh đã được kiểm soát.

Bác sĩ Tâm cho biết nến là bệnh mãn tính, cần điều trị dài ngày, do đó bệnh nhân dễ nản lòng, tìm đến các bài thuốc truyền miệng, thuốc không rõ nguồn gốc khiến bệnh nặng hơn.

Tắm thuốc trị vảy nến, nữ bệnh nhân bội nhiễm toàn thân - Ảnh 3.

Nữ bệnh nhân tái khám sau thời gian dài điều trị tích cực

Thực tế điều trị, bác sĩ Tâm cho biết đa phần các bệnh nhân vảy nến nặng trước khi đến bệnh viện đều đã sử dụng các phương pháp hoặc thuốc chưa được kiểm chứng, không rõ nguồn gốc. Việc này khiến bệnh có thể nặng hơn, từ nhẹ sang thể nặng như vảy nến mủ hay viêm khớp vảy nến.

Ngoài ra, các thuốc này được trộn thêm vào là corticoid. Với chất này, triệu chứng giảm nhanh nhưng sau đó bệnh tái phát rất nặng nề và ảnh hưởng đến nội tạng như: dạ dày, hệ tiêu hóa, tuyến thượng thận và cơ quan khác như mắt, cơ xương khớp.

"Bệnh vảy nến có liên quan rối loạn miễn dịch trong cơ thể. Tác động của các yếu tố từ bên ngoài làm khởi phát hoặc làm bệnh nặng thêm như: chấn thương, nhiễm trùng, stress. Do đó, người bệnh vảy nến cần giữ được tinh thần lạc quan, thực hiện chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dưỡng chất, trong đó nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa"- bác sĩ Tâm khuyến cáo.

Đến nay, y học vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh vảy nến hoàn toàn mà chỉ có thể quản lý bệnh tốt hơn, từ thể nặng sang thể nhẹ và ổn định. Người bệnh cần tới những phòng khám chuyên khoa da liễu uy tín để được thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh, áp dụng đúng liệu trình điều trị.