Bị cáo Nguyễn Thị Hằng.
Một ngày cuối tháng 6, có người đàn bà khắc khổ với gương mặt sầu não chậm chạp bước từng bước theo lực lượng cảnh sát tư pháp vào phòng xử án. Thỉnh thoảng, cô lại ngoái nhìn xung quanh để tìm kiếm người thân nhưng thất vọng. Sau lưng chị không có lấy một bóng người thân.
"Nghe đâu chị này trói người chồng say xỉn rồi gây ra án mạng. Tội nghiệp quá" – tiếng của một nhân viên toà nói khi ông đến gần cửa phòng xử. Băng ghế dự khán vỏn vẹn chỉ có 2 người nhà của bị hại. Hỏi ra mới biết đó là em gái và anh trai của người chết.
Người đàn bà lỡ bước
Đưa hai bàn tay xoa xoa vạt áo thun cũ mèm, bị cáo Nguyễn Thị Hằng (46 tuổi, quê Cà Mau) ngồi cô độc. Người phụ nữ quanh năm chỉ quen với việc làm thuê làm mướn, lần đầu đối diện với tòa án tỏ ra ngơ ngác và sợ hãi. Hai bàn tay gầy guộc bấu chặt vào nhau, run lên bần bật từng hồi. Trên gương mặt nhăn nheo, đôi mắt cô cũng đỏ hoe, ầng ậng nước chực tuôn trào.
Đối với Hằng, cuộc đời chị chẳng khác nào một tấn bi kịch. Nhà nghèo, Hằng chưa học xong lớp 1, viết cái tên còn chưa trọn vẹn thì phải nghỉ, phụ cha mẹ nuôi các em. Chưa tròn 19 tuổi, Hằng lấy chồng rồi lần lượt 3 đứa trẻ ra đời. Cái nghèo đòi cứ bám riết lấy gia đình nhỏ rồi một ngày người chồng dứt áo ra đi, để lại cô một thân một mình gồng gánh nuôi đàn con nheo nhóc.
Năm 2010, Hằng bỏ quê lên Cần Giờ (TP HCM) để mưu sinh kiếm sống. Người đàn bà từng đổ vỡ một lần gặp rồi quen biết với anh Phạm Quốc Vũ trong thời gian làm bốc xếp ở cảng biển.
Khát khao một mái ấm, Hằng đồng ý dọn về chung sống như vợ chồng với anh Vũ. Thế nhưng, hạnh phúc viên mãn chưa thấy đâu mà hai vợ chồng lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn cãi nhau.
Mỗi lần say xỉn, người chồng hờ thường xuyên chửi mắng đánh đập Hằng. Cô âm thầm chịu đựng cho đến một ngày mọi chuyện vượt quá giới hạn.
Cáo trạng thể hiện ngắn gọn, ngày 21-3-2016, anh Vũ lại say xỉn dẫn đến hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Anh này túm tóc vợ định đánh thì được một người khác trong nhà can ngăn. Sau đó, Hằng đi chợ về thì người chồng lại tiếp tục gây sự. Trong cơn tức giận, Hằng ngồi đè lên người anh Vũ rồi bóp cổ không cho anh này chửi mắng, chẳng may người chồng hờ thiệt mạng.
"Lý do nào mà bị cáo gây ra cái chết cho anh Vũ, người đã chung sống như vợ chồng với bị cáo?" – không khí phiên tòa chùng xuống khi chủ tọa cất tiếng chất vấn bị cáo Hằng. Người phụ nữ sụt sùi nước mắt cho biết anh Vũ thường xuyên say xỉn rồi quậy phá chửi mắng mình.
"Hôm đó bị cáo đã nhịn, nhưng anh Vũ vẫn đòi đánh, bị cáo giận quá nên đè ảnh ra rồi nhờ người trói chân lại. Lúc đó anh Vũ vẫn la hét chửi mắng nên bị cáo dùng tay chèn cổ để anh Vũ im lặng", Hằng khẽ cúi đầu.
Khi thấy anh Vũ nằm im, cô vẫn cứ nghĩ anh này say rượu nằm ngủ như mọi lần. Người phụ nữ liền đắp chăn cho chồng rồi bỏ đi làm việc nhà. Tới tối hôm đó, người phụ nữ mới phát hiện chồng nguy kịch, khi đưa đến bệnh viện cấp cứu thì nạn nhân đã tử vong.
Tấm lòng bao dung
Nghe những lời khai của nữ bị cáo, đại diện VKS khẽ lắc đầu rồi buông tiếng thở dài. Không khí trong phòng xử vốn chỉ có vài người lại càng chùng xuống. "Bị cáo và anh Vũ không đăng ký kết hôn, nếu anh này quậy phá như vậy, tại sao bị cáo không chịu bỏ đi, không đòi chia tay?", đại diện cơ quan công tố hỏi.
"Vì bị cáo vẫn còn thương anh Vũ, bị cáo lo lắng không có ai chăm sóc cho ảnh nên không thể chia tay được…", giọng Hằng nghẹn lại. Những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt. Hằng nói nhiều lần muốn dứt ra khỏi cuộc sống bi kịch này nhưng cô lại sợ phải bơ vơ một lần nữa giữa cuộc đời.
Bản thân đã bị chồng cũ ruồng bỏ một lần, nên dù anh Vũ có như thế nào cũng là chỗ dựa cho cuộc đời mình. Bởi vậy, cô quyết định chọn con đường âm thầm chịu đựng.
Nguyễn Thị Hằng cô độc tại phiên xét xử.
Nghe Hằng nói, ngươi em gái của anh Vũ ngồi trầm ngâm, đưa ánh mắt buồn rười rượi nhìn chị dâu. Khác với những sự tức giận như thường thấy ở các phiên tòa, ánh mắt này chất chứa sự đồng cảm và lòng thương hại.
Chị nói mọi chuyện xảy ra thật xót xa và đau lòng. Đau lòng cho sự ra đi của một người thân thiết trong gia đình. Còn đau lòng khi chị phải chứng kiến cái viễn cảnh tăm tối mà người chị dâu của mình đang phải đối diện.
"Mặc dù bị hại là anh trai tôi nhưng tôi lại không cầm được nước mắt khi nghe tòa xét xử chị Hằng. Chị ấy đã khổ lắm rồi! Nếu như anh tôi không thường xuyên say xỉn rồi đánh đập, chửi mắng chị thì mọi chuyện đã không xảy ra. Tôi chỉ mong chị được hưởng mức án nhẹ để còn sớm trở về mà làm lại cuộc đời", người em của bị hại trầm ngâm nói.
Chị khẳng định bản thân không có yêu cầu cũng như không cần bất cứ khoản tiền bồi nào khác đối với người chị dâu của mình.
Khi có người hỏi sau không có người thân nào đến tòa, Hằng quay lại phía sau vài lượt rồi thở dài thất vọng. Cô nói chưa một lần được người thân nào thăm nuôi đã hơn 2 năm kể từ ngày bị bắt. "Nhiều khi tôi nhớ quê, nhớ gia đình và các con đến quay quắt. Dạo này, sức khỏe của tôi cũng yếu đi nhiều, chỉ mong được gặp các con một lần", Hằng nói rồi lại khóc.
"Tụi nó sợ liên lụy nên không dám đến đâu, chị ráng cải tạo cho tốt rồi còn sớm về" – người em bị hại chạy lại gần an ủi động viên chị dâu. Rồi người phụ nữ này hỏi một phóng viên: "Có cách nào để xin giảm nhẹ hình phạt cho chị ấy không?". Nghe có người chỉ dẫn, em bị hại vội vàng chạy đi tìm thư ký phiên tòa để hỏi thủ tục xin giảm án và đóng án phí thay cho bị cáo.
Phiên tòa kết thúc, tiếng xe tù hú lên từng hồi, nhỏ dần rồi mất hút. Nán lại giữa sân tòa, em bị hại chặt lưỡi tiếc nuối khi không thể giúp chị dâu đóng án phí. Nhưng thiết nghĩ những ân tình của chị sẽ sưởi ấm một phần nào cho bị cáo Hằng thêm hi vọng trong những ngày dài sau song sắt.
Giảm nhẹ hình phạt
Trước đó, vụ án từng được ra xét xử với tội danh "Cố ý gây thương tích". Sau khi được trả hồ sơ điều tra lại, Nguyễn Thị Hằng bị VKSND TP HCM truy tố về tội "Giết người".
Tại phiên tòa, HĐXX nhận định đủ căn cứ buộc tội bị cáo Hằng về tội danh này. Xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như bị hại cũng một phần có lỗi, gia đình có công với cách mạng… HĐXX đã tuyên Nguyễn Thị Hằng 6 năm tù, dưới khung hình phạt 7-8 năm tù mà đại diện VKS đề nghị.