Thực trạng tiếp cận y tế cơ bản tại Việt Nam

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong hai mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và cải thiện sức khỏe cho người mẹ, song đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người, vẫn còn khá nhiều rào cản làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của họ. Cụ thể là do mạng lưới giao thông chưa phát triển, khoảng cách đến các cơ sở y tế còn quá xa, trình độ dân trí hạn chế, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, việc tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ y tế vẫn chưa thỏa đáng...

Đơn cử như ở tỉnh Yên Bái với cộng đồng các dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% dân số toàn tỉnh, một nghiên cứu do Save the Children và Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện năm 2012 đã cho thấy mức độ nhận thức vô cùng thấp về nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng như dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai của các bà mẹ tại Yên Bái. Có tới 40% bà mẹ đang nuôi con dưới một tuổi cho biết đã chọn cách sinh tại nhà. Khoảng 24% bà mẹ được sự trợ giúp của người đỡ đẻ có kỹ năng, số còn lại là tự sinh con hoặc được người nhà đỡ đẻ.

Tăng cường tiếp cận y tế cơ bản tại khu vực miền núi - Ảnh 1.

Thực trạng y tế tại tỉnh Yên Bái được trao đổi tại buổi thảo luận “Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số”.

Bà Nguyễn Thị Minh Hồng, một cán bộ tuyến xã ở huyện Trạm Tấu đã chia sẻ một sự việc đáng tiếc mà nếu như có cơ hội tiếp cận các giải pháp y tế cơ bản, có khi đã tránh được kết cuộc đau lòng: “Tôi từng tư vấn cho một sản phụ nên đi khám thai kỹ hơn nhưng vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của sự việc, họ đã từ chối thực hiện. Và đến khi sinh thì phát hiện thai có vấn đề, chúng tôi đã gọi trợ giúp từ trung tâm huyện nhưng cán bộ không thể kịp xử lý và thai nhi đã không cứu được”.

Mở rộng cơ hội tiếp cận y tế cơ bản

Trước thực trạng trên, là một doanh nghiệp được đề cao trong vai trò đóng góp cải thiện sức khoẻ cho người dân Việt Nam, GSK đã phối hợp cùng Save the Children thực hiện dự án "Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số" với quyết tâm hỗ trợ người dân tiếp cận được hệ thống chăm sóc sức khỏe thiết yếu.

Tăng cường tiếp cận y tế cơ bản tại khu vực miền núi - Ảnh 2.

“Bà Nguyễn Thị Minh Hồng - Trạm y tế xã Trạm Tấu và bà Nguyễn Thị Mai Phượng - Trạm trưởng Trạm y tế Trạm Tấu”.

Với nguồn tài trợ trị giá $356,000 từ GSK trong vòng ba năm, tổ chức Save the Children và Sở Y tế tỉnh Yên Bái sẽ tiến hành dự án với những chương trình cụ thể và thiết thực như đào tạo nhân viên y tế có kiến thức, kỹ năng nhằm giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh; giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, từ đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế tại địa phương; cải thiện hai đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện thị xã Nghĩa Lộ và bệnh viện huyện Trạm Tấu; thành lập đơn nguyên sơ sinh và huấn luyện theo phương pháp Kangaroo tại các bệnh viện tỉnh và huyện…

Ông James Strenner – Trưởng VPĐD GSK Pte Ltd tại Việt Nam chia sẻ: “Là một công ty chăm sóc sức khỏe, chúng tôi quan tâm đến những rào cản và trở ngại mà người dân phải đối mặt trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe chất lượng. Chúng tôi cũng hiểu rằng mình phải đối mặt với những thách thức đáng kể và chỉ vượt qua khi xây dựng được một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ. Đó là lý do tại sao chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Save the Children để cải thiện sức khỏe của những người sống trong các cộng đồng nghèo nhất thế giới và mở rộng công việc này tại Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ, chăm sóc các bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng sâu vùng xa”.

Có thể nói, với sự hợp tác này, cả hai tổ chức đang kết hợp những tài nguyên, tiếng nói và chuyên môn của mình nhằm không ngừng tìm kiếm và xúc tiến những đổi mới, tạo nên những tác động tích cực và lâu dài trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các khu vực vùng sâu vùng xa của Việt Nam.