Tối 4-10, trên nhiều trang mạng trong ngoài nước đưa thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bậc khai quốc của nước Việt Nam mới đã qua đời lúc 18 giờ 9 phút ngày 4-10-2013, tại BV Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, khi ông vừa qua tuổi 103.
Ông Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, quê hương sinh ra vị tướng huyền thoại, cho biết đã nhận được tin báo từ một lãnh đạo tỉnh đã nghỉ hưu. Đang họp Hội nghị Trung ương 8 tại Hà Nội, ông Bính cho hay đang đợi thông báo chính thức từ trung ương để tỉnh nhà phối hợp trong việc tổ chức tang lễ.
Người anh cả của quân đội
Không biết từ bao giờ, nhiều người dân đã theo dõi tin tức về tình hình sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự cảm thương và lo lắng thật sự.
Những thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Đảng - với những nhân vật lỗi lạc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… - vốn vẫn được xem là hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản: Tận tụy, dấn thân, hy sinh vì lý tưởng chung và đều có cái “tầm” của những nhà trí thức.
Và như vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một hiện thân đầy đủ của thế hệ đó. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, có lẽ cũng hiếm có một vị tướng quân đội nào được quân và dân kính trọng như thế và được gọi bằng những cái tên thân thương: “Anh Giáp”, “anh Văn”, “người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”…
Một trong những người từng làm việc với tướng Giáp là Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, từng có lần chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM rằng trong đời quân ngũ, ông đặc biệt yêu quý và nể phục hai người: “Nhất anh Giáp, nhì anh Thanh” (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - PV). Ông Vĩnh nhận xét rằng ngoài việc là một vị tướng giỏi, kiệt xuất, Võ Nguyên Giáp thu phục lòng người chủ yếu bởi phẩm chất “nhân” trong ông. “Ông ấy luôn luôn quan tâm, luôn nghĩ đến người khác, nghĩ đến lính, đến điều kiện ăn ở, sống và chiến đấu của họ và nhất là xương máu của họ” - tướng Vĩnh nhớ lại.
Vị tướng dũng và nhân
Thiên hạ thường hay có những câu như “lính thì ác, quan thì bạc”, hoặc “nhất tướng công thành, vạn cốt khô” (một vị tướng đánh thành, vạn bộ xương khô) nhưng điều đó không bao giờ đúng với Võ Nguyên Giáp. Ngay từ những ngày đầu thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), “anh Văn” đã ngủ rừng, ăn cơm muối, lặn lội đi tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng cùng các đội viên.
Người nhỏ tuổi nhất trong đội này là Đại tá Kim Sơn, giờ đã 83 tuổi, coi “anh Văn” như thần tượng: “Suốt một năm trời từ cuối năm 1942 cho đến khoảng tháng 9, tháng 10-1943, ông Giáp đi trên những con đường núi, từ Cao Bằng cho tới giáp Tuyên Quang, Thái Nguyên, qua khoảng 20 xã miền núi. Có những quả núi cao hơn ngàn mét. Quần chúng ở đó phần lớn là đồng bào dân tộc, đời sống khó khăn và trình độ thấp. Địch khủng bố trắng, bắn chết người, bêu đầu cắm cọc. Thế mà ông Giáp vẫn chẳng nề hà gì”.
Những người lính của ông Giáp đã tham gia xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ, bước chân vào cuộc chiến đấu không cân sức với quân đội viễn chinh thiện chiến, vũ khí tối tân của thực dân Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng gây chấn động địa cầu khi người đứng đầu lực lượng chiến thắng mới 43 tuổi.
Các nhà phân tích vẫn bàn chủ yếu về thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp, mà ít nhớ đến một vị tướng vừa dũng vừa nhân - người đã căn dặn lính phải hết sức giữ gìn hình ảnh của “bộ đội Cụ Hồ” trong những ngày sát cánh cùng dân trên chiến khu Việt Bắc, người đã quyết định kéo pháo ra khỏi trận địa, hoãn cuộc tấn công ngày 26-1-1954 vì muốn đảm bảo “đánh chắc tiến chắc”, đã đánh là phải thắng, tránh hao tổn xương máu quân dân.
Người cộng sản học suốt đời
Xuất thân từ một gia đình nhà nho, là sinh viên xuất sắc ở ĐH, có thời kỳ làm ông giáo dạy sử-địa, Võ Nguyên Giáp có những phẩm chất của một trí thức ngay từ khi còn rất trẻ, mà nổi bật trong đó là tính ham học, coi trọng tri thức. Ông được nhiều học giả phương Tây đánh giá là có “một thứ tiếng Pháp hoàn hảo”. Còn Đại tá Kim Sơn thì không giấu sự khâm phục: “Ông Giáp vốn là trí thức, rất giỏi tiếng Pháp đã đành, ông ấy còn biết cả tiếng dân tộc, nói được, dịch được Việt Minh ngũ tự kinh nữa chứ”.
Là một trí thức, Võ Nguyên Giáp đọc, học và tự học suốt đời. Ngay cả vào những thời kỳ khó khăn nhất, ông vẫn học, vẫn tìm hiểu thông tin, vẫn lắng nghe và quan sát, vẫn cố gắng gắn mình với đời sống của nhân dân và đất nước. Ông là người đã cảnh báo rất sớm về nạn phá rừng, tàn hại môi trường cũng như lên tiếng về sự cần thiết phải khai thác dầu khí, phát triển kinh tế biển…
Huyền thoại Võ Nguyên Giáp đã nhắm mắt. Nhưng những gì quân và dân nhớ về ông vẫn đọng lại mãi: Một danh tướng, một nhà trí thức, một người cộng sản chân chính của “thế hệ đầu tiên”.