Giếng trời là bộ phận thông gió và chiếu sáng cho nhà ống khi chiều dài ngôi nhà lớn hơn 12m. Thông thường người ta dùng giếng trời để chiếu sáng cho các phòng không tiếp xúc với mặt ngoài nhà như cầu thang, vệ sinh, hoặc phòng ngủ. Phía trên mái thường lợp bằng tấm lợp thông minh để chiếu sáng và chống mưa. Độ rộng giếng trời tùy thuộc vào diện tích khu đất, nhìn chung không nên nhỏ hơn 1m. Nhà càng cao thì giếng trời càng phải rộng.
Giếng trời thông gió, chiếu sáng cho nhà có chiều dài thường lớn hơn 12m. Độ rộng giếng trời tùy thuộc vào diện tích khu đất.
Cấu tạo giếng trời gồm 3 phần: phần chân tiếp xúc mặt đất, phần lưng và phần mái. Phần chân có thể bố trí cây hoa, non bộ kết hợp với không gian tiếp khách hoặc phòng ăn. Phần lưng là nơi chiếu sáng cho các tầng bên trên. Phần mái để chiếu sáng, thông gió.
Phần chân giếng trời có thể bố trí tiểu cảnh kết hợp ánh sáng trang trí.
Đôi khi để giữ lại cây xanh đã có từ trước, nhà thiết kế sẽ “chế” và tính toán hợp lý để giữ được giếng trời “xanh” cho nhà phố.
Phòng người già tiếp cận trực tiếp với khoảng xanh giếng trời rất tốt cho sức khỏe và tâm lý các cụ hướng về thiên nhiên.
Với đặc điểm không gian cao và hẹp, ánh sáng yếu, bạn có thể trang trí giếng trời giống như một thác nước, một vách núi để tạo cảm giác đưa thiên nhiên vào trong nhà.
Trang trí giếng trời xanh thành một không gian sinh động, tươi mát.
Bạn cũng có thể biến giếng trời thành nơi trưng bày các bộ sưu tập như chân dung gia đình, các loại cây, hoa... để tạo cảm giác sinh động khi đi lại trên cầu thang. Phần diện tích giếng trời ở tầng dưới cùng thường được sử dụng để trang trí, làm tiểu cảnh và có thể hòa lẫn vào một không gian chức năng nào đó của công trình như phòng khách, phòng ăn hay không gian sảnh.
Nơi trồng cây, bố trí thác nước phải được chống thấm tốt. Chỗ trồng cây phải thuận tiện tưới nước. Các vật dụng treo ở thành cầu thang, giếng trời phải dễ dàng lắp đặt, tháo dỡ, không va đập vào đầu người đi lại. Các cửa sổ, hành lang mở ra giếng trời phải bố trí lan can an toàn cho trẻ nhỏ. Không bố trí chỗ ngồi ngay dưới chân giếng trời để đảm bảo an toàn.
Cửa các phòng tiếp xúc trực tiếp với giếng trời hiện nay thường là vách kính kéo rèm.
Một cửa sổ mở trực tiếp ra giếng trời, hoặc gián tiếp thông qua một ban công riêng của phòng đó cũng là một cách (nếu có đủ diện tích) để gió từ các phòng sẽ lưu thông từ trước hoặc sau ra giếng trời và được hút lên trên. Sự chênh lệch áp suất ở miệng giếng trời và phần thân khiến căn nhà “tự động có gió”.
Đối với nhà lô và nhà biệt thự liên kế, do hạn chế về diện tích nên giếng trời không lớn, thường chỉ 3 - 5m2 tuy nhiên tùy theo diện tích nhà mà không gian này có thể được điều chỉnh cho phù hợp. Để phát huy tối đa khả năng thông gió và chiếu sáng thì giếng trời phải có cửa thóat gió phía trên và được chiếu sáng trực tiếp. Để phù hợp từng vị trí, yêu cầu chiếu sáng và thông gió thì vật liệu lợp có thể là kính trắng, kính màu, có rèm che hay phần mái có thể đóng mở linh hoạt.
Khu vực quanh giếng trời từ tầng 2 trở lên cần lưu ý vấn đề an toàn cho người sử dụng. Nếu là hành lang, sảnh cần có lan can; Nếu là cửa sổ mở trực tiếp cần có lớp an toàn.
Giếng trời nên bố trí ở vị trí vừa phục vụ cho việc chiếu sáng vừa phục vụ cho việc xử lý không gian kiến trúc. Với nhà lô số tầng thường từ 3 - 5 tầng thì an toàn khi sử dụng cũng là vấn đề nên chú ý khi thiết kế. Giải pháp có thể sử dụng là giàn gỗ hoặc sắt được thiết kế phù hợp với nội thất và phong cách kiến trúc của ngôi nhà.