Khi chúng ta muốn tạo ra một sự thay đổi trong cuộc sống, đặc biệt là một sự thay đổi lớn, điều đó có thể rất khó khăn.

Nếu chúng ta quyết định giảm vài cân, chúng ta rất dễ bỏ cuộc khi thấy kết quả ít ỏi sau hàng tháng trời đổ mồ hôi và chỉ ăn rau củ. Bất cứ nhiệm vụ to lớn nào, từ cải thiện bản thân đến viết một bài luận văn đều mang đến những tiếng thở dài mệt mỏi đến mức chúng ta thấy bản thân đang lê bước một cách nửa vời.

Điều này có hiệu ứng dây chuyền, khi chúng ta thất bại trong mục tiêu của mình, chúng ta sẽ ít có khả năng làm tốt hơn trong tương lai. Thành công thường nối tiếp thành công và thất bại thường lặp đi lặp lại.

Chúng ta kỳ vọng quá nhiều vào bản thân và những người khác

Có điều gì đó không ổn với mỗi chúng ta. Ngay cả khi bạn đã cố gắng sống một cuộc sống hoàn hảo và không có lỗi lầm, không tì vết, thì vẫn luôn có điều gì đó để bị chỉ trích. Bạn có thể là một người có lòng từ thiện cao quý, nhưng có lẽ bạn dành quá nhiều thời gian cho bản thân. Bạn có thể là một cô con gái siêng năng và hoạt bát, nhưng có lẽ bạn không gọi điện nhiều cho gia đình như đáng lẽ bạn nên làm. Thực tế thì chẳng có ai hoàn hảo cả.

Nhưng vấn đề không phải là trở nên hoàn hảo, mà là trở nên tốt hơn.

Tuy nhiên, việc trở nên “tốt hơn” lại khá mơ hồ. Những mục tiêu sáo rỗng, nhạt nhẽo và không rõ ràng sẽ chẳng đưa bạn đi đến đâu cả. Đó là lý do tại sao triết lý Kaizen của Nhật Bản lại mạnh mẽ và hữu ích đến vậy.

Nó có thể biến những điều không thể vượt qua thành có thể quản lý được và cho phép chúng ta hoàn thành ngay cả trong những nhiệm vụ lớn nhất.

Tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống của bạn theo triết lý Kaizen: Không có nhiệm vụ nào là dễ dàng, nhưng chậm mà chắc! - Ảnh 1.

Triết lý Kaizen là gì?

Kaizen không phải là một bí mật quá cổ xưa hay phức tạp được chôn sâu trong một thư viện lớn. Đây là một thông điệp kinh doanh phổ biến trong thế kỷ 20 của Toyota - một tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia của Nhật Bản.

Kaizen được dịch ra là “sự thay đổi tốt”, và đó là thực hành cải tiến dần dần, liên tục. Đó là triết lý nói rằng tất cả chúng ta đều có thể cải thiện được bản thân mình, nhưng cách tốt nhất và bền vững nhất để làm điều đó là thực hiện từ từ và từng bước nhỏ. 

Toyota từng là một công ty dệt may và việc chuyển đổi sang sản xuất ô tô không phải là một cuộc cách mạng trong một sớm một chiều. Thay vào đó, có một sự thay đổi ở đây một chút, ở kia một chút. Mỗi ngày đều có điều gì đó khác biệt, mỗi tuần đều có điều gì đó tốt hơn và khi một tháng trở thành một năm, đã có một sự thay đổi đáng kinh ngạc.

Chúng ta đang sống trong thời đại của sự nhanh chóng, tức thì, nhưng Kaizen thì không. Sự cải thiện chậm chạp nhưng quyết đoán này có vẻ nhỏ bé và không đáng kể. Nhưng giống như nhiều giọt nước một ngày nào đó có thể tạo thành đại dương, thì Kaizen cũng có thể biến đổi bất kỳ cuộc sống nào. Khi ngày tháng trôi qua, bạn sẽ nhìn lại mình với một thái độ cởi mở và một góc nhìn mới. 

3 ví dụ về Kaizen

Tất cả chúng ta đều có thể thực hành triết lý Kaizen. Nó thực sự được phát minh để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là 3 ví dụ thực tế và phổ biến về cách Kaizen hoạt động.

Dọn dẹp nhà cửa của bạn

Cho dù bạn có ở một ngôi nhà rộng lớn đến đâu, thì việc dọn dẹp luôn bị trì hoãn cho đến khi có một con nhện giăng tơ một góc tường hay những vết bẩn ngày càng nhiều lên khiến bạn không thể chịu được nữa.

Dọn dẹp sạch sẽ là một cuộc đấu tranh khó khăn, nhưng bạn có thể bắt đầu dọn dẹp dần dần, từ từ. Chẳng hạn, hôm nay bạn có thể chỉ dọn dẹp phòng ngủ mà thôi, hoặc buổi sáng bạn sẽ dọn bàn, còn buổi chiều bạn sẽ dọn phòng khách.

Điều này có thể khiến bạn mất nhiều thời gian để dọn dẹp cho xong ngôi nhà, nhưng Kaizen khiến cho bạn có thể không quá kiệt sức hay trở nên trì hoãn khi chia nhỏ những việc cần làm.

Tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống của bạn theo triết lý Kaizen: Không có nhiệm vụ nào là dễ dàng, nhưng chậm mà chắc! - Ảnh 2.

Thành tích thể thao

Đối với những người không phải vận động viên chạy bộ thì một cuộc chạy marathon là một cuộc thi sức bền đến nghẹt thở. Nhưng bất kỳ một cuộc đua nào cũng đều có thể chinh phục được chỉ từ những bước nhỏ. Bạn có thể đặt mục tiêu cho mình rằng hôm nay chỉ chạy 1km thôi, ngày mai bạn có thể chạy thêm một vài trăm mét nữa, cho đến một ngày, bạn có thể chạy đến 20km.

Thay đổi danh tính của bạn

Thói quen có một sức mạnh rất lớn. Khi chúng ta làm đi làm lại một việc gì đó, não bộ của chúng ta sẽ tự điều chỉnh lại theo đúng nghĩa đen. Nhưng não bộ sẽ không thể có sự thay đổi nhanh chóng chỉ sau một đêm, cần có sự thay đổi nhỏ, dần dần, từ từ từng bước một.

Vì vậy, hãy ý thức cố gắng làm một việc tử tế trước bữa trưa và làm một việc khác trước khi đi ngủ. Theo thời gian, Kaizen dạy chúng ta rằng một ngày nào đó, bạn sẽ có thói quen làm những việc tử tế và bạn sẽ trở nên tử tế.

Triết lý Kaizen được diễn đạt rằng “Thành Rome không được xây dựng trong một ngày. Và những điều tốt đẹp sẽ đến với những người biết chờ đợi”.

Mặc dù chậm chạp được coi là một điều xấu trong thời đại nhanh chóng hiện nay, nhưng dần dần, theo thời gian, những điều tuyệt vời có thể được thực hiện.