Những ngày qua, trên mạng xã hội tràn lan những clip với nội dung người dân ra biển truy tìm kho báu mà bà Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã cất giấu. 

Clip lồng ghép thông tin bà Trương Mỹ Lan khai giấu tiền ngoài biển

Sự việc bắt đầu từ một clip dùng hình ảnh bà Trương Mỹ Lan tại tòa lồng ghép nội dung: "Chỗ bị cáo giấu tiền có ai biết chưa?"

- "Chưa có ai biết hết".

-Vậy bị cáo phải thành thật cho Hội đồng xét xử biết để được khoan hồng.

-Dạ, dạ được. Đang ở ngoài biển á. Dạ đúng rồi, sáu trăm mấy ngàn tỉ"...

Từ đó, trên mạng xã hội xuất hiện hàng trăm clip theo "trend đi tìm kho báu của Trương Mỹ Lan". Nhiều clip lồng ghép hình ảnh người dân đi thuyền, vượt biển, lặn dưới biển để tìm kho báu.

Các bài đăng "lấy cảm hứng" từ nội dung bộ truyện anime và manga nổi tiếng có tên "One Piece". Trong One Piece, nhân vật Gold D. Roger là người đã tìm ra kho báu vĩ đại nhất thế giới, và từ đó mọi hải tặc đều ra khơi tìm kiếm kho báu ấy để trở thành vua hải tặc mới.

Trên mạng xã hội, một số người nổi tiếng cũng theo trend đi tìm kho báu hoặc cố tình hiểu là bà Trương Mỹ Lan có khai giấu tài sản ngoài biển khiến không ít người bình luận với nội dung tiêu cực.

Hàng loạt clip theo trend tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan

Tham gia xuyên suốt phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) khẳng định toàn bộ lời khai của bà Trương Mỹ Lan tại tòa không có chi tiết nào khai là giấu kho báu ngoài khơi.

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi phân tích: "Cư dân mạng đã dùng hình ảnh, clip thật tại phiên tòa để lồng ghép nội dung sai lệch, bịa đặt. Chỉ những người tham dự phiên tòa mới biết được tiếng nói thật của chủ tọa và bị cáo, còn người dân bình thường làm sao biết được đâu là tiếng thật, đâu là tiếng do công nghệ AI tạo ra".

Luật sư khuyến cáo người dân cần cẩn thận tránh vi phạm pháp luật

Theo luật sư Quỳnh Thi, việc cứ vài ngày, vài tuần xuất hiện một trend lồng ghép hình ảnh để người dùng tăng tương tác, xả stress là chuyện rất bình thường trên mạng xã hội. Tuy nhiên, lồng ghép hình ảnh hoạt động tố tụng tại tòa án để đưa thông tin sai lệch, tạo trend coi chừng vi phạm pháp luật.

Việc dùng hình ảnh thật rồi lồng ghép tiếng nói với nội dung sai lệch hoàn toàn, đưa thông tin không đúng sự thật có thể tác động xấu trên mạng, gây hoang mang trong dư luận là vi phạm pháp luật.

Còn hành vi đó vi phạm tới mức độ nào bị xử lý ra sao thì cần phải qua công tác xác minh của cơ quan tiến hành tố tụng để làm rõ động cơ mục đích của cá nhân hay tổ chức đã đưa hình ảnh, thông tin lên mạng. 

"Dù biết là đùa giỡn theo trend nhưng người dân phải hết sức cẩn thận, tránh vi phạm pháp luật"- luật sư Quỳnh Thi nói.

Bị tuyên phạm 3 tội

Ngày 11-4, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; tử hình về tội "Tham ô tài sản" và 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt cho cả 3 tội là tử hình.

Bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày 12-4. Bị cáo vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hoặc niêm yết.