Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Nhi Đồng Thành Phố (TP Hồ Chí Minh), mới đây, Bệnh viện đã tiếp nhận 1 bé gái 7 tháng tuổi (ngụ ở An Giang) bị hóc xương lươn.

Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó có cho bé ăn cháo lươn khoảng 11h sáng ngày 14/5, sau khi ăn 1 lúc, khi tắm thấy bé bỗng ho sặc sụa, khạc ra xương lươn lẫn ít máu đỏ tươi lượng ít khoảng 2 lần. Người nhà đã đưa ngay đến trung tâm y tế địa phương. Lúc đó, bé khó thở nhiều hơn nên chuyển đến Bệnh viện An Giang, thở oxy, phun thuốc khí dung, đặt ống giúp thở rồi chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Tập ăn dặm cháo lươn, bé gái 7 tháng tuổi hóc đốt xương vào phổi, suýt nguy kịch - Ảnh 1.

Mảnh xương lươn được gắp ra (Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố).

Sau khi thăm khám, chụp phim khẩn và hội chẩn, các bác sĩ Cấp Cứu và Hô Hấp tại Bệnh viện nghi ngờ bé hóc dị vật, dị vật tắc nghẽn một nhánh phổi nên gây ứ khí toàn bộ nửa trên phổi phải nên đã phối hợp cùng các bác sĩ gây mê tiến hành nội soi cho bé.

Trong khi nội soi, TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, trưởng khoa Hô Hấp, trưởng ekip Nội Soi Hô Hấp Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đã phát hiện ra dị vật là một đốt xương lươn nằm bít hoàn toàn phế quản trung gian bên phải, đốt xương nhiều gai sắc nhọn, trơn tuột và rất khó gắp.

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên cùng ekip đã tỉ mỉ gắp hạn chế tối thiểu tổn thương niêm mạc đường thở nhất có thể, soi kiểm tra thông thoáng toàn bộ đường thở. Phim chụp kiểm tra sau đó 2 phế trường đã sáng đều, viêm phổi cải thiện nhanh chóng, đáp ứng kháng sinh, bé cai máy thở tốt, lực thở khá và sức khỏe dần ổn định.

Các bác sĩ cho biết, cháu bé rất may mắn vì đến khám và chuyển tuyến sớm, kịp thời và dị vật chưa hoại tử nhiễm trùng, chưa tạo ổ mủ áp xe, hay rơi vào bít tắc đường thở chính, nếu không có thể gây ngưng thở, thậm chí tử vong nếu cấp cứu không kịp.

Lưu ý khi cho trẻ ăn lươn và các thực phẩm có xương hoặc vỏ

Lươn là một loại thực phẩm lành tính, giàu dưỡng chất nên các món cháo từ thịt lươn dành cho bé ăn dặm luôn được các mẹ ưu tiên nấu cho trẻ ăn. Tuy nhiên, ngoài thịt lươn còn có xương lươn nên trong quá trình chế biến, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý phải hết sức cẩn trọng, gỡ bỏ toàn bộ xương lươn rồi mới nấu cho trẻ. Tương tự như vậy, các loại cá, tôm cũng có xương và vỏ, nguy cơ khiến trẻ bị hóc dị vật, việc chế biến cần cẩn thận hơn so với chế biến các loại thịt lợn, thịt bò.

Tập ăn dặm cháo lươn, bé gái 7 tháng tuổi hóc đốt xương vào phổi, suýt nguy kịch - Ảnh 3.

Thịt lươn giàu giá trị dinh dưỡng nhưng phải đặc biệt cẩn trọng khi chế biến.

Các bước chế biến lươn nấu cháo cho trẻ như sau:

- Cho 1 nắm muối hoặc nửa bát giấm vào thau, cho lươn vào thau rồi đậy lại cho chắc để lươn quẫy và ra hết nhớt.

- Lươn chết, dùng dao cạo nhẹ hoặc dùng giấy báo tuốt nhẹ cho hết nhớt, rồi rửa sạch lại với nước.

- Cắt bỏ đầu lươn và rạch bụng lươn để loại bỏ nội tạng, xả lại với nước cho sạch. Nếu muốn giữ lại phần tiết lươn thì giữ nguyên con lươn để hấp hoặc luộc.

- Bỏ lươn vào hấp hoặc luộc cho chín. Khi lươn chín, đợi nguội, nhẹ nhàng gỡ bỏ phần da lươn, chỉ lấy phần thịt và tiết lươn. Phần xương lươn, bạn có thể giã nhỏ, hòa với nước dùng, lọc qua rây lấy ngọt nước nấu cháo cho bé.

Lưu ý xương lươn dễ gẫy thành các đoạn nhỏ, vì thế lúc gỡ thịt, bố mẹ cần hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận, tránh để sót xương lẫn trong thịt lươn sẽ khiến trẻ bị hóc nghẹn khi ăn.

Tập ăn dặm cháo lươn, bé gái 7 tháng tuổi hóc đốt xương vào phổi, suýt nguy kịch - Ảnh 4.