Tạp chí uy tín Business Insider đã dẫn nghiên cứu của nhà cung cấp văn phòng Thụy Sĩ IWG: 70% chuyên gia làm việc từ xa ít nhất 1 ngày/tuần, 53% người làm việc ít nhất nửa tuần. Một số công ty đa quốc gia có toàn bộ nhân viên của họ làm việc từ xa, không có sự hiện diện tại văn phòng cố định. Với giới trẻ, họ rất thích những công việc cho phép họ linh động địa điểm, thời gian làm việc. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đã tốt.
Thực tế, có thể truy cập bằng công nghệ trong khi làm việc từ xa dẫn đến làm mờ ranh giới công việc và không làm việc, đặc biệt nếu bạn làm việc tại nhà. Một báo cáo năm 2017 của Liên Hợp Quốc cho thấy 41% nhân viên từ xa báo cáo mức độ căng thẳng cao, trong khi đó với nhân viên văn phòng là 25%.
Liệu làm freelancer có phải là "xa mặt cách lòng"?
Những người làm việc từ xa thường thiếu đi sự kết nối, giao tiếp với những đồng nghiệp ở văn phòng. Điều này khiến tâm trí họ lúc nào cũng xoay quanh việc liệu đồng nghiệp có đang nói xấu gì mình không? Nghiên cứu trên 1100 lao động cho hay có tới 52% người thấy bị bỏ rơi và không thể giải quyết những khúc mắc với đồng nghiệp.
Hơn nữa, làm việc từ xa tức là mọi người sẽ tập trung vào việc của mình mà thiếu đi mối liên kết với đồng nghiệp. Hiểu theo cách khác thì mỗi người chỉ coi mình như một mắt xích bình thường chứ không cảm thấy mình là một phần quan trọng trong nhóm.
Làm từ xa có thể dẫn đến căng thẳng tốt hay căng thẳng xấu?
Một trong những vấn đề được nêu ra của người làm việc từ xa đó chính là cách thức quản lý công việc. Mọi người cho hay việc thiếu thông tin phản hồi từ cấp trên trực tiếp và các đồng nghiệp khác khiến họ thiếu đi cơ sở để đánh giá bản thân có đang tiến bộ hay không. Do đó lo lắng bị gia tăng bởi người lao động chẳng biết họ ở vị trí nào và cố gắng trong tương lai ra sao.
Khi đi làm, có hai loại căng thẳng - loại tốt và loại xấu. Định luật Yerkes-Dodson (được các nhà tâm lý học Robert Yerkes và John Dodson soạn thảo) chỉ ra rằng căng thẳng có thể mang lại hiệu quả đến một điểm và sau đó dẫn đến giảm năng suất. Những người làm việc từ xa không được giải tỏa căng thẳng ấy vì họ bị thiếu đi sự kết nối tiếp xúc với đồng nghiệp và cấp trên. Một nghiên cứu gần đây cho thấy các đồng nghiệp chỉ dành 15 phút để giao tiếp và chia sẻ cảm giác căng thẳng của họ đã tăng 20% hiệu suất công việc.
Có thể khẳng định, giao tiếp là chìa khóa để vượt qua những thử thách và khổ sở của công việc từ xa. Do đó, các nhà quản lý cần chú ý hơn đến freelancer của mình bằng cách liên lạc nhiều hơn qua video và thậm chí xây dựng cả văn hóa làm việc từ xa để nhân viên thấy được giá trị của bản thân.
Bên cạnh đó, chính người làm freelancer cũng nên biết cách để khiến tâm trạng tốt hơn. Từ việc đi dạo vào giờ ăn trưa, đi đến phòng tập thể dục, gọi điện cho bạn bè hoặc đọc cuốn sách yêu thích của bạn. Không ai nói làm việc từ xa là điều gì đó quá xấu, bởi dẫu sao đây cũng đang trở thành xu thế ngày nay. Điều quan trọng là bạn phải biết cách để cân bằng mọi thứ, làm chủ công việc và cảm xúc của bản thân.
Theo B.I