Suy thận vì nạp protein vô tội vạ sau tập‏

‏Nhân viên tài chính họ Vương 28 tuổi ở Hàng Châu, Trung Quốc nhận tin sét đánh khi được chẩn đoán mắc bệnh suy thận. Đây là điều anh không bao giờ tới bởi chàng trai này có thể hình ấn tượng, cơ bắp vạm vỡ nhờ chế độ tập luyện đều đặn gần như mỗi ngày và ăn uống kỷ luật. ‏

‏"Trước đây tôi rất gầy và ít cơ bắp nên luôn muốn trông đẹp hơn. Dù bận rộn đến đâu tôi vẫn luôn dành thời gian đến phòng tập, ít nhất 5 ngày/tuần. Sau khi tập tôi ăn rất nhiều thịt, trứng, sữa và uống thêm cả 60g bột protein. Huấn luyện viên của tôi nói rằng đây là cách nhanh nhất để có thân hình mong muốn", anh Vương nói.

photo-1700925220531

‏Với tần suất tập luyện và chế độ ăn này, chàng trai họ Vương thành công tăng được 6kg chỉ trong chưa đầy một năm. Tuy nhiên theo bác sĩ Trần Hồng Ngọc, giám đốc Bệnh viện Thận Hàng Châu (Trung Quốc), việc nạp quá nhiều protein sẽ gây ra gánh nặng lớn cho thận khi cơ quan này phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Sau thời gian dài sẽ dẫn đến suy giảm chức năng thận, tổn thương cầu thận và protein niệu.‏

‏Bác sĩ Trần Hồng Ngọc từng khám cho nhiều thanh niên "nghiện" tập thể dục và bị ám ảnh bởi việc xây dựng cơ bắp. Một thanh niên bác sĩ Trần khám mới 25 tuổi nhưng chức năng thận đã suy yếu như người 60 tuổi. Nguyên nhân cũng là do người này nghiện tập thể hình nên bổ sung bột protein vô tội vạ sau khi tập với mong muốn tăng cường cơ bắp.‏

Nhu cầu protein của cơ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, mức độ vận động thể chất, tình trạng sức khỏe và cân nặng. Bác sĩ cảnh báo, đối với người thường xuyên vận động, nhu cầu protein nằm trong khoảng 0.8-1,6g/kg trọng lượng cơ thể. Nếu là người cần tập tạ, hoặc tập thể hình nặng, mức protein cần thiết có thể cao hơn.‏

photo-1700925226485

‏Ăn quá nhiều protein nguy hiểm thế nào?‏

‏Protein có trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại hạt… là chất dinh dưỡng không thể thiếu với cơ thể. Tuy nhiên việc tiêu thụ quá nhiều protein gây ra khó chịu ở đường ruột, mất nước, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, tăng cân và hôi miệng. Khi đó cơ thể cũng phải tiết ra nhiều chất thải nitơ tác động trực tiếp tới thận và tạo ra nồng độ protein cao trong nước tiểu và gây sỏi thận.

Đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, trong thời gian dài dẫn đến tổn thương gan thận và trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong. ‏Vậy nên dù muốn tăng cơ bắp cũng cần cân nhắc việc nạp protein vừa đủ để tránh gây hại cho sức khỏe.‏

Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Journal of the International Society of Sports Nutrition cho biết để tối ưu hóa việc tăng cơ, người tập chỉ cần nạp 20-40 gram/protein chất lượng cao trong vòng 2 giờ sau khi tập. Người tập không nên nạp hết lượng protein này trong 1 lần ăn, đặc biệt là sau buổi tập. ‏

photo-1700925231486

‏Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các thực phẩm chứa protein nên chiếm khoảng 10-35% khẩu phần ăn hàng ngày. Nguồn protein lành mạnh nhất có trong thịt nạc gia cầm, cá biển, trứng gà, sữa hữu cơ, đậu, các loại hạt và ngũ cốc. Nên hạn chế nạp protein từ thịt đỏ, thực phẩm chiên rán và chế biến sẵn.‏

‏Nếu đang theo đuổi chế độ ăn giàu protein, bạn cần lưu ý những dấu hiệu sau báo động cơ thể đang thừa protein, cần đi gặp bác sĩ. Những triệu chứng này bao gồm: mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên, khó ngủ, máu hoặc bọt trong nước tiểu, chán ăn, da khô ngứa, chuột rút cơ bắp, sưng chân hoặc mắt cá chân.

Theo Healthline, Toutiao