Chưa bao giờ mà những chuyến đi lên vùng Đông Bắc Việt Nam, đặc biệt là Hà Giang, lại tấp nập như hiện nay. Mọi người đều đổ xô lên vùng đất đó để ngắm nhìn hoa tam giác mạch nở rộ, những ngọn đèo uốn lượn đẹp mê hồn, những nụ cười ngây thơ của trẻ em dân tộc… Nhất là trong những ngày này, khi mà lễ hội Hoa tam giác mạch lần đầu tiên được tổ chức, những người yêu phượt và cả những bạn trẻ yêu du lịch, thích khám phá lại càng hướng sự chú ý của mình đến Hà Giang, mảnh đất yên bình còn ẩn chứa nhiều vẻ đẹp đơn sơ đang chờ hé lộ.

Năm nay, lễ hội Hoa tam giác mạch sẽ được tổ chức từ ngày 12-15/11. Với nhiều hoạt động bên lề thú vị và mang đậm bản sắc, lại cộng với việc lễ hội được diễn ra ngay giữa mùa hoa nở rộ, vậy nên đã có rất nhiều bạn trẻ đang ráo riết lên kế hoạch ghé thăm Hà Giang, để được hoà mình vào không khí của mùa hoa "hot nhất Việt Nam" này.

Với những phượt thủ có nhiều kinh nghiệm đi Đông Bắc thì việc chinh phục vùng đồi núi cực Bắc của Việt Nam không quá khó khăn. Nhưng có những bạn chưa một lần đi Đông Bắc, muốn được tham gia lễ hội hoa tam giác mạch thì nên lưu ý những gì trong chuyến đi? Và những thắng cảnh, địa điểm nào bạn không thể bỏ qua? Chúng tôi đã thu thập và tổng hợp những hành trình chi tiết từ những phượt thủ có nhiều kinh nghiệm về lịch trình, đường đi cũng như những lưu ý không thể bỏ qua. Hy vọng sẽ giúp bạn có một chuyến đi “ngắm mùa hoa tam giác mạch nở rộ” thành công.

Nên đi vào tháng nào trong năm?

Mùa tam giác mạch ở Hà Giang kéo dài suốt 3 tháng 10, 11, 12 trong năm. Thường hoa sẽ nở rộ vào cuối tháng 10 – đầu tháng 11. Hoa có vòng đời khoảng 1 tháng, và màu sắc của hoa tùy thuộc vào vòng đời đó: Hoa nở trắng ban đầu, sau đó chuyển sang hồng nhạt, tím và cuối cùng là đỏ đậm. Trong đó, tháng 11 thì có khá nhiều sương mù, có thể ảnh hưởng tới tầm nhìn.

Phương tiện đi lại

Có 2 phương tiện cho bạn lựa chọn: Ô tô, xe khách hoặc xe máy. Với những ai thích trải nghiệm bụi thì tất nhiên, xe máy vẫn là phương án tối ưu và tiện lợi nhất. Nhưng nếu bạn gặp khó khăn về sức khỏe và sợ lái xe, vẫn có thể đi bằng xe khách bình thường. Và khi tới thành phố Hà Giang, bạn thuê xe máy để tiếp tục khám phá cảnh vật ở đây.

Nếu bạn đi bằng xe khách thì quá đơn giản, chỉ cần lên xe đúng tuyến Hà Nội – Hà Giang, ngủ một giấc là sẽ tới nơi. Xe khách đi Hà Giang có rất nhiều ở bến xe Mỹ Đình. Bạn nên đặt vé trước để có chỗ tốt, tranh bị nhét khách. Giá vé trung bình là 200k/ 1 vé giường nằm.Nhược điểm khi đi oto khách là xe thường chạy ban đêm, bạn không thể chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp của cảnh vật trên đường đi. Nhưng ưu điểm là khỏe, tiết kiệm thời gian và tiền thuê khách sạn một đêm.

Đường đi (dành cho những ai đi phượt bằng xe máy)

Hà Giang cách Hà Nội gần 320km, nên hành trình bằng xe máy có rất nhiều lựa chọn. Chúng tôi xin lọc lại một số cách đi thường được các phượt thủ yêu thích trong chuyến đi của mình.

Đường đi 1: Hà Nội – Sơn Tây (đi đường 21 ở Cổ Nhuế) cầu Trung Hà (Ngã 3 thị xã Sơn Tây rẽ phải) - Cổ Tiết - Cầu Phong Châu– thị xã Phú Thọ – Đoan Hùng – Tuyên Quang – thẳng quốc lộ 2 tới Hà Giang.

Lộ trình này khá thông thoáng, đường dễ đi vì hai bên có biển chỉ đường và cột cây số nên bạn không cần mất nhiều thời gian hỏi đường.


Đường đi Hà Giang.

Đường đi 2: Hà Nội – cầu Thăng Long – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ - Tuyên Quang – Hà Giang. Tuyến 2 này được đánh giá ngắn hơn tuyến 1, nhưng có nhiều xe khách chạy nên đường khá đông. 

Nhà nghỉ tại Hà Giang

Ở những địa điểm dừng chân như Hà Giang, Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh… có rất nhiều nhà nghỉ bình dân với giá khoảng từ 120k đến 300k, cao điểm có khi lên tới 500k. Vì vậy, vào mùa cao điểm, bạn nên đặt phòng trước. Có một hình thức khác là Homestay - ở nhà dân – với mức giá từ 50 – 100.000/ người.

Nên nhớ, vì càng ngày càng thu hút nhiều khách du lịch nên giá cả ở Hà Giang đang ngày một đội lên. Bạn nên check trước hết các loại giá cả để tránh bị “sốc” hoặc vượt chỉ tiêu.

Đặc sản ẩm thực Hà Giang

Bạn tuyệt đối không nên bỏ qua những món ăn đặc sản sau: Cháo ấu tẩu,xôi ngũ sắc, thịt bò, thắng cố, bánh cuốn trứng, rượu ngô, cơm lam Bắc Mê...


Ăn khuya tại Hà Giang.


Cháo ấu tẩu. (Ảnh: Internet)

Lịch trình đi và tham quan

Tùy vào sự lựa chọn, túi tiền cũng như sức khỏe, bạn có thể phượt Hà Giang trong 3 ngày 2 đêm hoặc hơn. Nhìn chung, 3 ngày là mức trung bình để một người có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp Hà Giang. Sau đây là một số tóm tắt về lịch trình cơ bản và 1 số địa điểm bạn nên đi tại Hà Giang.

Chặng 1: Đi Quản Bạ, Yên Minh, Sà Phìn, Dinh họ Vương, Lũng Cú, cao nguyên đá Đồng Văn.-Quản Bạ cách thành phố Hà Giang 40km. Càng lên cao cảnh càng đẹp, đặc biệt là cổng trời Quản Bạ và Núi Đôi Cô Tiên.


Núi đôi Cô Tiên (Quản Bạ).

- Từ Quản Bạ, bạn đi Yên Minh cách đó 60km. Rừng thông Yên Minh rất đẹp, phù hợp để bạn có thể dừng lại nghỉ chân, cắm trại và ăn trưa.

- Trên đường đi Đồng Văn, bạn có thể ghé thăm Phó Bảng (cách Đồng Văn 5km) để thăm thú thị trấn ở đây. Đặc biệt, đường đi vào Phó Bảng còn có một thung lũng hoa hồng và 1 cánh đồng tam giác mạch cũng khá lớn.


Thung lũng hoa hồng ở Phó Bảng.


Hoa tam giác mạch ở Đồng Văn.

- Từ Phó Bảng, bạn có thể đi thung lũng Sủng Là (ngay dưới chân dốc). Ở đây có thôn Lũng Cẩm - nơi có ngôi nhà từng quay phim “Chuyện của Pao”.Khung cảnh ở đây rất yên bình với những thuở ruộng tam giác mạch trắng vô cùng “xuất sắc”, những ngôi nhà cổ của người H’Mông và hàng cây thông ôn đới tuyệt đẹp.


Hoa tam giác mạch trên đường từ Lũng Cẩm đi Sà Phìn. (Ảnh: Internet)

- Sà Phìn cũng là nơi bạn không thể bỏ qua. Hoa tam giác mạch nở khắp mọi nơi. Ở đây, bạn nên đến nhà vua Mèo, còn được gọi là dinh thự nhà họ Vương – một trong những dinh thự cổ còn sót lại của những gia đình nổi tiếng giàu có một thời ở Hà Giang.

- Dân phượt cũng hiếm khi bỏ qua cột cờ Lũng Cú – nơi ghi dấu chiến tích phượt của rất nhiều người. Đặc biệt, trên đường từ Ma Lé vào Lũng Cú, bạn sẽ thấy cánh đồng nở nhiều hoa tam giác mạch nhất ở Hà Giang.


Hoa tam giác mạch ở Lũng Cú.


Đoạn từ cổng trời lên Lũng Cú được đánh giá là hùng vĩ nhất Hà Giang. Bạn chắc chắn nên dừng xe khá lâu để chụp hình đấy.

- Về lại Đồng Văn (cách Lũng Cú 22km), ăn tối, nghỉ ngơi.

Chặng 2: Mã Pì Lèng – Mèo Vạc và trở lại Hà Giang để về Hà Nội

- Không thể nào không chinh phục Mã Pì Lèng khi bạn lên Hà Giang. Đây là con đường đèo nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc, dài 20km.

- Từ đỉnh Mã Pì Lèng, bạn có thể nhìn được dòng Nho Quế. Cảnh ở đâu cũng đẹp, đến nỗi bạn không thể thu hết vẻ đẹp đó vào ống kính máy ảnh được.


Sông Nho Quế.

- Từ Mã Pì Lèng, hãy ghé Mèo Vạc để ăn uống. Và từ đây, bạn về lại thành phố Hà Giang, kết thúc hành trình phượt của mình.


Mèo Vạc.


Mã Pì Lèng (Ảnh: hachi8)

Có 3 đường về lại Hà Giang:

- Mèo Vạc – Lũng Phìn – Yên Minh – Quản Bạ – Hà Giang .
- Mèo Vạc – Lũng Phìn – Mậu Duê – Lũng Hồ – Minh Ngọc – Hà Giang.
- Mèo Vạc – Bảo Lâm – Bảo Lạc – Bắc Mê – Hà Giang.

Những tips cần lưu ý:

-Nếu phượt bằng xe máy, phải đảm bảo xe bạn luôn đầy xăng và nên mang theo một số dụng cụ vá xe, săm dự phòng…vì trên các đường đèo dốc hiếm có tiệm sửa xe.

-Vì đi mùa đông nên bạn nhớ mang đầy đủ áo khoác, găng tay, vớ, khăn... và bắt buộc phải đi giày leo núi bởi đường đèo ở Hà Giang rất nhiều đá.

-Thuốc men như thuốc đau bụng, dị ứng, kem chống mũi và một số đồ cứu thương cơ bản.-Hạn chế uống rượu, bia…tránh ảnh hưởng sức khỏe của cả hành trình

.-Không nên cho tiền trẻ em để chụp ảnh.-Và tất nhiên, đừng dẫm lên hoa tam giác mạch chỉ để có được bức ảnh “để đời” khoe trên Facebook.

Lễ hội Hoa tam giác mạch được tổ chức tại khu Phố cổ trung tâm huyện Đồng Văn, sẽ bao gồm những chuỗi hoạt động:

- Chương trình khai mạc Lễ hội hoa Tam giác mạch.

- Trưng bày hoa và các sản phẩm từ hoa Tam giác mạch.

- Đêm hội rượu Hoa Tam giác mạch.

- Thi, triển lãm ảnh đẹp về hoa Tam giác mạch.

- Hội thảo nâng cao giá trị cây Tam giác mạch, sản xuất các sản phẩm gắn với phát triển du lịch.

- Festival khèn Mông lần thứ 3.