Mang bầu vất vả là thế nhưng hành trình "vượt cạn" của các mẹ cũng đầy ắp những khó khăn chẳng kém. Chưa bàn tới nỗi gian truân bởi "cửa sinh là cửa tử", chỉ riêng câu chuyện "sắp đồ đi đẻ" thôi cũng đủ khiến các mẹ ám ảnh rồi. Nói vậy chẳng ngoa chút nào đâu, bởi mang theo bụng bầu không đã đủ mệt lắm rồi, mà lúc gần sinh còn phải đối mặt với cơn đau chuyển dạ cùng rất nhiều những dấu hiệu sắp sinh khác khiến các mẹ thêm oải.
Nếu các mẹ lựa chọn dịch vụ sinh nở tại Khoa đẻ tự nguyện D3 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì dưới đây là tất cả những gì các mẹ cần biết!
Danh sách vật dụng có sẵn của mẹ và bé được bệnh viện cho mượn
- Đồ dành cho mẹ:
+ Váy áo sản phụ: 01 bộ
+ Màn: 01 chiếc; Vỏ gối – ruột gối: 01 bộ; Ga trải giường: 01 chiếc; Vỏ chăn: 01 chiếc (mùa đông sẽ được mượn thêm ruột chăn)
- Đồ dành cho bé:
+ Vỏ chăn sơ sinh: 04 chiếc
+ Áo sơ sinh: 02 cái; Tã sơ sinh: 15 cái; Ruột chăn sơ sinh: 01 cái (mùa đông)
+ Chậu nhựa: 01 chiếc; Phích nước nóng: 01 chiếc; Móc nhựa treo quần áo: 02 chiếc; Giỏ nhựa đựng đồ sơ sinh: 01 chiếc; Bô dẹt: 01 chiếc
+ Áo vàng dành cho người nhà: 01 chiếc
Ngoài ra, mỗi phòng bệnh tại khoa D3 cũng đều có sẵn bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân (bàn chải, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội) dành cho mẹ.
Những điều mẹ cần lưu ý khi đi đẻ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
- Trước khi nhập viện: Các mẹ nên gỡ bỏ hết những đồ trang sức trên người, bởi vì chúng thật sự không cần thiết mà còn rất vướng víu. Chưa kể, bệnh viện là một chốn đông người nên bạn cũng rất dễ bị mất trộm.
Bên cạnh đó, một quy tắc quan trọng dành cho bạn trong môi trường bệnh viện đó là: gọn gàng, ngăn nắp, càng ít đồ càng tốt.
- Tất cả những đồ vải như váy áo mẹ, chăn tã em bé, ga, vỏ gối, vỏ chăn, áo người nhà… mà bệnh viện cho mượn khi bẩn đều có thể đem đổi được.
- Khu nhà D mỗi tầng đều có cây nước nóng và lạnh nên các mẹ không mang theo bình nước siêu tốc hay các thiết bị cắm điện khác, phòng tránh trường hợp cháy nổ, chập điện hoặc gây quá tải về điện cho bệnh viện.
- Tại D3 các phòng vệ sinh đều có sẵn giấy nên các mẹ không cần phải chuẩn bị giấy vệ sinh.
- Xà phòng và sữa tắm cho bé cũng không cần mang theo, vì xà phòng rửa tay có sẵn trong từng phòng, các bé sẽ được tắm hàng ngày bằng sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh.
- Phích đựng nước nóng và cốc sứ được trang bị trong mỗi phòng, các mẹ không cần mang theo.
Vậy khi đi các mẹ cần chuẩn bị những gì?
Theo Ths. Bs. Đặng Tiến Long (BV Phụ sản Hà Nội), các mẹ cần chuẩn bị những điều sau đây để hành trình đi đẻ được thuận lợi, nhanh chóng hơn:
- Giấy tờ cần thiết: Từ tuần 37 trở đi, các mẹ hãy chuẩn bị sẵn tất cả những giấy tờ như: CMT, bảo hiểm, kết quả siêu âm, xét nghiệm vào 1 chiếc cặp tài liệu trong và đặt vào trong túi đồ của mình.
+ Đối với các mẹ có các vấn đề đặc biệt về sức khoẻ: Ví dụ các mẹ mắc bệnh mãn tính, hoặc các bệnh nội, ngoại khoa đang điều trị thì hãy cố gắng mang sổ khám bệnh hoặc các giấy tờ liên quan.
+ Đối với các trường hợp phát hiện dị tật thai nhi: Nếu các em bé khi siêu âm ở các tuần thai phát hiện các dị tật như tim, giãn bể thận, giãn não thất, giãn quai ruột,... thì các mẹ hãy nhớ mang kết quả siêu âm.
Trên đây là những thông tin cần thiết và giúp các mẹ có thể chuẩn bị đầy đủ đồ đi đẻ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Chúc các mẹ và bé luôn mạnh khỏe!
*Bệnh viện Phụ sản cơ sở 1 (Cơ sở chính):
- Địa chỉ: số 929 phố Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
- Số điện thoại: 024.3834.3181
- Tổng đài đặt khám: 1900 6922, phím 1 đến 6
*Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2:
- Địa chỉ: số 38 Cảm Hội, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội
- Số điện thoại: 024 6278.5746
- Tổng đài đặt khám tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2: 1900 6922, bấm phím 8.
*Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 3:
- Địa chỉ: Số 10 Quang Trung, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
- Số điện thoại: 024.3352.2424
Tổng đài đặt khám tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2: 1900 6922, bấm phím 9.