Phương pháp gây tê tủy sống đã được sử dụng từ cuối thế kỷ 19 nhằm tê liệt nửa dưới của cơ thể trong các phẫu thuật. Trong sản khoa, phương pháp này được áp dụng phổ biến cho sinh mổ. Gây tê tủy sống là một thủ thuật vô cảm mà trong đó bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê hay thuốc giảm đau vào trong dịch não tủy. Thuốc tê sẽ có tác dụng gây tê liệt dẫn truyền thần kinh từ vùng tủy sống để làm giảm đau ở các khu vực nhất định của cơ thể.
Dù kỹ thuật, thuốc và đầu kim đã phát triển rất nhiều qua các thập kỷ, nhưng phương pháp này vẫn gây ra rất nhiều tác dụng phụ cũng như biến chứng đáng lo ngại.
Đặc biệt, đối với các sản phụ có các triệu chứng sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm,… thì sẽ có nguy cơ tai biến cao (suy đa tạng, rối loạn đông máu, ngừng tim, tắc mạch ối) nếu áp dụng gây tê tủy sống khi mổ lấy thai.
Vì vậy, trong văn bản mới đây gửi đến các đơn vị y tế trên toàn quốc (bao gồm cả bệnh viện ngoài công lập), Bộ Y Tế đã khuyến cáo không được thực hiện phương pháp gây tê tủy sống đối với những sản phụ nói trên và nên áp dụng phương pháp gây mê nội khí quản nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng với sản phụ đẻ mổ.
Gây tê tủy sống là phương pháp phổ biến trong phẫu thuật sinh mổ (Ảnh minh họa).
Những tác dụng phụ của phương pháp gây tê tủy sống
Nôn hoặc buồn nôn
Trong những phút đầu tiên sau khi thuốc gây tê tiêm vào cột sống, sản phụ có thể cảm nhận được phản ứng rất nhanh chóng. Những thay đổi đầu tiên có thể thấy là huyết áp giảm. Buồn nôn, nôn mửa có thể là dấu hiệu đầu tiên của tác dụng phụ này. Các triệu chứng này cũng có thể kéo dài sau khi thuốc tê đã hết tác dụng.
Ngứa
Ngứa là một trong những phản ứng gây ra do nồng độ thuốc giảm đau được thêm vào trong liều thuốc gây tê tủy sống. Khi thuốc hết tác dụng (khoảng từ 12-24 giờ), tình trạng ngứa cũng giảm xuống. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mẹ vẫn có tình trạng ngứa nghiêm trọng hơn dù thuốc đã hết tác dụng.
Đau lưng
Mặc dù đầu kim tiêm vào cột sống không quá to nhưng sản phụ vẫn sẽ có vết bầm tím xung quanh vết tiêm. Ngoài ra, sự giãn dây chằng cũng sẽ khiến sản phụ cảm giác cực kỳ đau lưng, đặc biệt là quanh phần tiêm thuốc tê. Đau lưng hậu sản cũng là một trong những tác dụng phụ kéo dài sau khi sinh mổ.
Nhức đầu, đau đầu
Đau đầu là tác dụng phụ xuất hiện phổ biến trong gây tê tủy sống, đặc biệt ở người trẻ tuổi và nữ giới. Đau đầu xuất hiện sau gây tê và có thể kéo dài hàng tuần. Nguyên nhân gây đau đầu được giải thích là do sự rò rỉ dịch não tủy qua lỗ thủng màng cứng, làm giảm lớp rào cản đệm của dây thần kinh cảm giác, giãn mạch máu não và tăng áp lực não - tủy.
Mặc dù các triệu chứng này thường tự khỏi, nhưng cũng có trường hợp dai dẳng. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến bệnh lý thần kinh sọ hoặc tụ máu ngoài màng cứng.
Sốt
Mặc dù gây tê tủy sống (vô cảm tủy sống) có liên quan đến giảm thân nhiệt do sự giãn mạch, tái phân bố nhiệt từ trung tâm ra ngoại biên và mất nhiệt vào môi trường nhưng gây tê tủy sống thường đi kèm với tăng thân nhiệt cao đến 38 độ C.
Điều đáng lo ngại là các bé sơ sinh có mẹ được gây tê tủy sống dễ có khả năng bị xét nghiệm tìm nguyên nhân gây sốt và điều trị bằng kháng sinh, cho dù những em bé này không tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết.
Có rất nhiều tác dụng phụ do thuốc gây tê tủy sống gây ra, bao gồm cả tác dụng tức thời và lâu dài (Ảnh minh họa).
Ngoài những tác dụng phụ trên, trong khi gây tê tủy sống, sản phụ còn có nguy cơ không phong bế hoàn toàn (thất bại khi tiêm thuốc gây tê tủy sống do những nguyên nhân không rõ), khó thở, ớn lạnh, bí tiểu, tê chân, tổn thương thần kinh…
Cách giảm tác dụng phụ của phương pháp gây tê tủy sống
- Trong một số trường hợp, gây tê tủy sống có thể khiến tác dụng giảm đau “chỗ có chỗ không”. Vì vậy, nếu sản phụ bắt đầu cảm thấy đau bất kỳ vị trí nào, hãy nói ngay với ê kíp đỡ đẻ để kiểm tra ống truyền thuốc tê hoặc liều lượng thuốc.
- Có thể hạn chế nguy cơ đau đầu bằng cách nằm càng yên càng tốt trong khi đặt kim tiêm. Vì tác dụng phụ này rất có thể do rò rỉ dịch não tuỷ.
- Sau sinh, sản phụ nên nghỉ ngơi, tập luyện thể thao nhẹ nhàng, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu khi xương còn chưa hồi phục sau quá trình gây tê.
- Nếu có hiện tượng bị tê chân, các mẹ nên massage chân, uống nhiều nước và tập vận động nhẹ nhàng. Nếu một thời gian dài không đỡ thì nên có liệu pháp vật lý trị liệu để tránh ảnh hưởng đến cơ xương và tâm lý của người mẹ.